Dịch thuật: Đức Huy – Minh Phạm – Tường Khánh – Ngọc Hạnh – Hoàng Khang
(SCI Blog) – Khi ung thư di căn đến phổi, xạ trị có thể giúp làm giảm triệu chứng của ung thư phổi. Xạ trị giúp làm giảm kích thước khối u, kiểm soát ung thư, làm dễ chịu, nhưng không chữa được ung thư triệt để. Hiện nay, có hai phương pháp được dùng: xạ trị chùm tia bên ngoài và xạ trị áp sát. Thông thường, bệnh nhân được thực hiện xạ trị chùm tia bên ngoài, xạ trị áp sát chỉ được dùng khi bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở. Các tác dụng phụ của liệu trình này thường nhẹ và kéo dài khoảng một đến hai tuần sau khi kết thúc điều trị.
Ung thư khi di căn đến phổi có thể gây ra những triệu chứng như khó thở. Xạ trị có thể giúp làm giảm những triệu chứng này.
Xạ trị tác động như thế nào?
Ung thư di căn đến phổi có thể gây ra những triệu chứng như:
- Đau ngực
- Ho
- Khó thở
- Ho ra máu
Xạ trị giúp làm giảm kích thước khối u, giúp kiểm soát ung thư trong thời gian dài hơn và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, xạ trị điều trị triệu chứng không chữa được ung thư một cách triệt để.
Các phương pháp xạ trị điều trị triệu chứng của ung thư phổi
Bạn thường sẽ được xạ trị chùm tia bên ngoài
Xạ trị chùm tia bên ngoài
Trước khi điều trị, bạn sẽ được chụp CT. Nhóm điều trị dựa vào phim CT để lên kế hoạch chính xác vị trí xạ trị. Bạn cũng có thể sẽ cần 1 khuôn nhựa để giữ bạn nằm im trong suốt các đợt điều trị.
Bác sĩ sẽ cho bạn biết số lần xạ trị phải thực hiện. Số lần xạ trị có thể khác nhau tùy vào từng người, tuy nhiên trung bình mỗi người sẽ thực hiện 5 đến 10 lần xạ trị trong vòng 2 tuần. Mỗi lần xạ trị được gọi là một đợt.
Bạn thường sẽ đi xạ trị một lần trong ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu.
Để xạ trị, bạn nằm trên giường xạ trị. Bác sĩ xạ trị sẽ giúp bạn nằm vào đúng vị trí phù hợp để xạ trị.
Sau khi cho bạn nằm đúng vị trí, các nhân viên sẽ rời khỏi phòng để tránh phơi nhiễm với phóng xạ. Bạn sẽ ở lại trong phòng xạ trị một mình trong vài phút, tuy nhiên nhân viên vẫn có thể nhìn và nghe tiếng bạn nói trong suốt thời gian đó.
Bạn không thể cảm nhận được tác động của quá trình xạ trị. Xạ trị không đau nhưng bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi phải nằm yên trong suốt quá trình điều trị, và giường xạ trị có thể khá cứng. Bạn có thể yêu cầu được dùng thuốc giảm đau khoảng nửa tiếng trước xạ trị nếu bạn cần.
Xạ trị áp sát (cấy ghép phóng xạ)
Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng liệu pháp xạ trị trong từ bên trong đường thở. Bạn có thể cần liệu pháp này nếu khối u chặn một phần hoặc hoàn toàn đường thở.
Phương pháp điều trị này được gọi là xạ trị áp sát (xạ trị trong). Bác sĩ sẽ đặt ống soi phế quản vào đường thở, thông qua miệng hoặc mũi của bạn.
Bạn sẽ được xịt thuốc gây tê cục bộ vào cổ họng. Bác sĩ đặt một ống mảnh gọi là ống thông vào bên trong ống soi phế quản và đưa vào phổi của bạn. Bạn sẽ được chụp CT để đảm bảo ống đã vào đúng vị trí.
Sau đó, bác sĩ kết nối ống thông với máy xạ trị và rời khỏi phòng, nhưng có thể theo dõi, nhìn và nghe thấy bạn trong suốt quá trình điều trị. Máy xạ trị chứa một hạt kim loại phóng xạ nhỏ. Hạt sẽ rời khỏi máy và đi vào ống. Một khi đến vị trí khối u, hạt sẽ phóng tia xạ trong vòng vài phút.
Bạn sẽ không cảm thấy gì hay và không đau trong quá trình điều trị. Khi quá trình xạ trị kết thúc, hạt kim loại phóng xạ sẽ quay trở về máy. Bác sĩ sẽ quay trở lại phòng và tháo ống thông. Bạn thường được xạ trị dạng này trong 1 đến 2 đợt.
Tác dụng phụ
Những tác dụng phụ của xạ trị thường nhẹ, có xu hướng xuất hiện khi bạn điều trị và có thể kéo dài một hoặc hai tuần sau khi kết thúc điều trị.
Tác dụng phụ có thể bao gồm:
- Mệt mỏi
- Da có thể bị đỏ tại vùng điều trị nếu bạn xạ trị ngoài
- Thấy buồn nôn vì phổi khá gần với dạ dày – bạn có thể dùng thuốc chống buồn nôn 20 phút trước khi xạ trị.
Mời bạn xem thêm:
Cập nhật ngày 28/03/2020
Tham khảo nguồn: Radiotherapy for lung cancer symptoms
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm