Dịch thuật: Phương Đông – Đăng Minh – Anh Khương – Ngọc Hạnh
(SCI Blog) – Chèn ép tủy sống là hiện tượng khối u gây áp lực lên tủy sống và các khu vực xung quanh dẫn đến một số triệu chứng như đau đớn, mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột…Xạ trị có tác dụng thu nhỏ khối u và giảm áp lực lên tủy sống do đó thường được sử dụng để điều trị chứng chèn ép tủy sống. Để tăng hiệu quả điều trị và giảm các tác dụng phụ, hãy trao đổi với các bác sĩ trước, trong và sau quá trình xạ trị về các vấn đề có thể xảy ra.
Chèn ép tủy sống, hay chèn ép tủy sống do ung thư di căn (MSCC), nghĩa là khối u đang tác động đến tủy sống hoặc các khu vực xung quanh.
Di căn là hiện tượng khối u lây lan sang cột sống từ một bộ phận khác của cơ thể.
Áp lực từ khối u có thể gây ra các triệu chứng như:
- Đau đớn
- Yếu hoặc ngứa ở chân
- Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột
- Thay đổi cảm giác trong cơ thể, chẳng hạn như cảm giác châm chích hoặc tê liệt.
Tủy sống bị chèn ép liên tục có thể làm phá vỡ vĩnh viễn các dây thần kinh tủy sống. Do đó bạn nên điều trị thật nhanh chóng.
Vai trò của xạ trị trong điều trị chèn ép tủy sống
Xạ trị được chỉ định để giúp thu nhỏ khối u và giảm áp lực lên tủy sống, nhờ đó có thể làm giảm nguy cơ tổn thương lâu dài trên các dây thần kinh.
Các bác sĩ sẽ cho thuốc giảm đau khi cần thiết. Chẳng hạn bạn có thể được kê toa steroid làm giảm sưng và giảm áp lực lên tủy sống.
Làm thế nào để thực hiện xạ trị
Nếu bị chèn ép tủy sống, bạn sẽ được đưa đến bệnh viện khẩn cấp để thực hiện xạ trị. Bạn sẽ cần nhập viện trong quá trình điều trị.
Để điều trị chèn ép tủy sống, bác sĩ có thể chỉ định chỉ thực hiện 1 ca xạ trị/ ngày hoặc có thể phối hợp nhiều ca, ví dụ bác sĩ có thể cho bạn làm 2 ca xạ trị trước khi nghỉ cuối tuần. Cách điều trị phổ biến nhất là 5 đợt điều trị trong 1 tuần nhưng số lần xạ trị cũng có thể thay đổi tuỳ tình trạng của bạn.
Tuỳ phần cột sống bị ung thư mà bác sĩ sẽ quyết định bạn có cần sử dụng khuôn nhựa để giữ cố định trong quá trình điều trị hay không. Nếu khối u nằm ở phần trên của cột sống, bạn thường sẽ cần đến khuôn xạ trị để cố định cơ thể.
Tiến hành điều trị
Bạn nên chụp CT để nhóm điều trị có thể lên kế hoạch chính xác khu vực được xạ trị.
Chèn ép tủy sống được xem là một trường hợp khẩn cấp, chính vì vậy mà các bác sĩ sẽ cố gắng sắp xếp để bạn có thể thực hiện xạ trị càng sớm càng tốt. Do đó, bạn cần có kế hoạch chụp CT và xạ trị trong cùng một ngày.
Thông thường nhân viên y tế sẽ đưa bạn xuống phòng xạ trị. Sau đó, các nhân viên chụp X quang sẽ nhẹ nhàng chuyển bạn đến giường xạ trị và giúp bạn vào đúng vị trí.

Bác sĩ xạ trị sau đó ra khỏi phòng nhằm tránh tiếp xúc với bức xạ, nhưng vẫn có thể theo dõi bạn mọi lúc. Bạn sẽ ở một mình trong phòng khoảng vài phút.
Bạn sẽ không cảm nhận được các tia bức xạ hay thấy đau nhưng bạn có thể thấy khó chịu khi nằm yên trong quá trình điều trị và giường xạ trị cũng khá cứng. Bạn có thể hỏi bác sĩ hoặc điều dưỡng liệu bạn có thể uống thuốc giảm đau nửa giờ trước khi điều trị hay không.
Kết quả điều trị
Thông thường, các triệu chứng của bệnh sẽ được cải thiện sau khi xạ trị vài ngày, phụ thuộc vào mức độ nặng của các triệu chứng.
Việc điều trị thường hỗ trợ làm giảm các triệu chứng:
- Đau
- Yếu ở chân
- Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột
Tác dụng phụ
Các tác dụng phụ của xạ trị điều trị chèn ép tủy sống thường không nhiều và có xu hướng xuất hiện từ từ trong quá trình điều trị. Những tác dụng phụ này có thể kéo dài một hoặc hai tuần sau khi điều trị kết thúc, bao gồm:
- Mệt mỏi
- Đỏ hoặc sạm da ở vùng điều trị
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Đau nhiều hơn trong 1 – 2 ngày
Hãy trao đổi với đội ngũ y tế nếu có bất cứ tác dụng phụ nào xảy ra. Họ sẽ hỗ trợ bạn bằng nhiều cách, chẳng hạn như cho thuốc chống buồn nôn hoặc thuốc kiểm soát triệu chứng cho bạn.
Mời bạn xem thêm:
Cập nhật ngày 27/03/2020
Nguồn: Radiotherapy for spinal cord compression
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm