• Skip to content

Salt Cancer Initiative

Thư Viện Kiến Thức Ung Thư

  • Kiến Thức Ung Thư
  • Chăm Sóc Cảm Xúc
  • Chăm Sóc Thể Chất
  • Ủng Hộ

SCI Writer /

Xạ trị để giảm nhẹ triệu chứng là gì?

Chia sẻ bài viết này trên:

  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

Dịch thuật: Trọng Tuấn – Bá Tùng – Anh Thư


(SCI Blog) – Xạ trị giảm nhẹ hay còn được gọi là xạ trị được sử dụng để giảm nhẹ triệu chứng. Mục đích của xạ trị giảm nhẹ là làm teo khối u, giúp làm chậm sự tăng trưởng của khối u hay kiểm soát triệu chứng. Phương pháp này không sử dụng cho mục đích chữa trị ung thư.

Bạn được xạ trị trong hay ngoài phụ thuộc vào loại ung thư và nơi ung thư di căn đến. Xạ trị ngoài được sử dụng để phá hủy những tế bào ung thư từ bên ngoài cơ thể, trong khi xạ trị trong là phương pháp chữa trị từ bên trong cơ thể.

Khi nào bạn cần xạ trị giảm nhẹ?

Bạn có thể được xạ trị giảm nhẹ nhằm:

  • Giảm cơn đau xương
  • Giảm nhẹ áp lực lên tủy sống (Chèn ép tủy sống)
  • Thu nhỏ khối u để giảm chèn ép hay tắc nghẽn
  • Điều trị triệu chứng của ung thư trong não
  • Điều trị triệu chứng của ung thư trong phổi
  • Kiểm soát u đang loét và giảm chảy máu
  • Điều trị tắc nghẽn mạch máu trong lồng ngực (Tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên – SVCO)

Không phải mọi loại ung thư đều đáp ứng tốt với xạ trị. Vậy nên những phương pháp chữa trị khác như phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp hormone hay thuốc trúng đích có thể hữu hiệu hơn.

Hãy thảo luận với chuyên gia để tìm ra phương pháp chữa trị thích hợp cho trường hợp của bạn.

Kế hoạch điều trị

Bạn sẽ được chụp phim trước khi tiến hành xạ trị. Bác sĩ sẽ sử dụng phim để lên kế hoạch điều trị cho bạn.

Trong suốt lộ trình điều trị, các bác sĩ xạ trị sẽ điểm những vết mực nhỏ vĩnh viễn lên da của bạn. Việc làm này giúp bác sĩ đảm bảo việc điều trị của bạn được thực hiện chính xác.

Bạn cũng cần một khuôn nhựa để giữ bạn nằm yên trong suốt quá trình điều trị. Thời gian cho việc lập kế hoạch đến khi bắt đầu điều trị có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.

Xạ trị ngoài

Mời bạn xem thêm:

Xạ trị ngoài

Bạn sẽ được điều trị tại khoa xạ trị của bệnh viện. Bạn có thể được xạ trị từ 1 đến 10 lần trong vòng 2 tuần, điều này phụ thuộc vào loại ung thư của bạn.  Có thể bạn sẽ phải trải qua một đợt điều trị với nhiều lần xạ trị kéo dài vài ngày.

Khi điều trị, bạn sẽ nằm trên một chiếc giường xạ trị. Bác sĩ xạ trị giúp bạn vào đúng vị trí và đặt vào bất kì khuôn nào bạn có thể cần.

Mời bạn xem thêm:

Mặt nạ và khuôn xạ trị

Khi bạn đã ở đúng vị trí, các bác sĩ xạ trị sẽ để bạn một mình trong phòng trong thời gian điều trị để tránh tiếp xúc với bức xạ. Họ có thể nhìn và nghe thấy bạn trong khoảng thời gian đó. Bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi nằm yên trong quá trình điều trị do giường nơi bạn nằm khá cứng.

Xạ trị trong

Xạ trị trong dùng để điều trị các triệu chứng, theo các cách khác nhau.

Chất lỏng phóng xạ (thuốc phóng xạ)

Một vài loại xạ trị trong cần đến chất lỏng phóng xạ, chẳng hạn như Radium 223. Bạn có thể sử dụng chúng dưới dạng viên nang, uống hoặc tiêm. Đây được gọi là thuốc phóng xạ. Kĩ thuật viên xạ trị sẽ cho biết nếu bạn cần ở lại bệnh viện hoặc làm bất kỳ quy trình an toàn nào.

Dây phóng xạ ( xạ trị áp sát)

Phương pháp xạ trị này được gọi là  xạ trị trong/xạ trị áp sát. Bác sĩ sẽ đặt dây phóng xạ rất mỏng vào cơ thể bạn, gần với khối ung thư. Điều này được thực hiện khi bạn được gây mê trong phòng mổ. Bạn có thể cần chụp X-quang để đảm bảo những sợi dây được đặt đúng chỗ.

Khi đặt dây trong cơ thể, bạn sẽ được ở trong một phòng riêng biệt. Người thăm nom và nhân viên cần tuân theo những quy định an toàn cho đến khi tháo dây.  Điều này thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày hay thậm chí một tuần, phụ thuộc vào bộ phận đang được điều trị. Tháo dây có thể gây đau, vì vậy bạn có thể cần được gây mê.

Cấy phóng xạ (xạ trị áp sát)

Bác sĩ của bạn có thể cấy ghép kim loại phóng xạ để điều trị khối u đang chặn khí quản hoặc thực quản của bạn. Sau khi gây tê cục bộ hay toàn thân, bác sĩ đặt một ống gọi là ống nội soi vào cổ họng bạn. Hoặc bạn có thể được đặt một ống gọi là ống thông mũi vào mũi. Bác sĩ sẽ đặt điểm cuối đường ống cạnh bên khối u bằng cách chụp phim kiểm tra.

Đường ống đó được nối với một máy xạ trị trong.Thiết bị này phóng thích ra những quả bóng kim loại phóng xạ. Những quả bóng này đi theo đường ống và giải phóng bức xạ để điều trị khối u. Chúng được để yên trong vài phút. Sau đó, những quả bóng được đưa trở lại máy xạ trị và bác sĩ sẽ tháo đường ống ra khỏi mũi hoặc họng.

Loại điều trị này mang đến một liều bức xạ cao, trực tiếp đến khối ung thư. Rất ít lượng phóng xạ chạm đến các mô khỏe mạnh xung quanh.

Những tác dụng phụ của xạ trị cho các triệu chứng

Mục đích của xạ trị giảm nhẹ là khiến bạn cảm thấy tốt hơn. Bác sĩ của bạn sẽ chọn những phương pháp điều trị ít xảy ra tác dụng phụ nhất có thể. Những tác dụng phụ của xạ trị giảm nhẹ thường không thực sự quá tệ, tuy bạn có thể:

  • Cảm thấy mệt mỏi trong suốt quá trình hoặc một ngày sau điều trị.
  • Cảm thấy buồn nôn nếu phải xạ trị vùng xương chậu, dạ dày (bụng) hoặc não.
  • Đau nhức khi nuốt sau xạ trị phổi, đầu, vùng cổ hay đỉnh cột sống.
xạ trị triệu chứng
Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn cảm thấy khó chịu (Ảnh: Sưu tầm)

Để kiểm soát sự buồn nôn, các bác sĩ có thể cung cấp cho bạn thuốc chống nôn. Bạn có thể thấy rằng uống thuốc chống nôn trước khi điều trị sẽ giúp được phần nào.

Cập nhật ngày 29/03/2020
Tham khảo nguồn: What is radiotherapy to relieve symptoms?

Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm

Các bài viết liên quan

Filed Under: Featured-KTUT, Kiến Thức Ung Thư, Xạ trị Tagged With: triệu chứng xạ trị

DMCA.com Protection Status

Copyright © 2019 Salt Cancer Initiative