• Skip to content

Salt Cancer Initiative

Thư Viện Kiến Thức Ung Thư

  • Kiến Thức Ung Thư
  • Chăm Sóc Cảm Xúc
  • Chăm Sóc Thể Chất
  • Ủng Hộ

SCI Writer /

Vi rút Corona – những điều bệnh nhân ung thư cần biết

Chia sẻ bài viết này trên:

  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

Dịch thuật: Ngọc Trâm, Bá Tùng, Đức Hạnh.
Hiệu đính: TS.BS Lê Thượng Vũ


(SCI Blog) – Những bệnh nhân ung thư hay đang trong giai đoạn điều trị ung thư, những người thực hiện cấy ghép thận, tuỷ xương đều thuộc nhóm những người có nguy cơ cao với COVID-19. Bên cạnh đó, những người có độ tuổi ngoài 70 cũng thuộc nhóm nguy cơ cao. Nguyên nhân do hệ thống miễn dịch của họ bị ức chế hoặc suy giảm.

Hãy giữ cho mình một chế độ ăn cân bằng với nhiều trái cây và rau xanh. Thêm vào đó là chế độ tập luyện thể dục thể thao, duy trì ngủ đủ 6-8 giờ mỗi ngày giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn. Nên hạn chế đến những nơi đông người và hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ các triệu chứng về hô hấp để được hướng dẫn. Đừng quên rửa tay thường xuyên và vệ sinh các vật dụng hay tiếp xúc.

Khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng hãy giữ khoảng cách với những người xung quanh, đặc biệt là những người có triệu chứng về đường hô hấp. Nếu chẳng may bạn có triệu chứng về đường hô hấp hãy giữ khoảng cách an toàn với người thân, dùng khẩu trang, găng tay và ngủ riêng để tránh lây nhiễm.

Vi rút Corona – những điều bệnh nhân ung thư cần biết

Lời khuyên dành cho bệnh nhân ung thư, người sống sót sau ung thư, người chăm sóc – những người có nguy cơ mắc COVID-19 cao nhất và những điều bạn có thể thực hiện để giữ sức khỏe tốt.

Photograph of a women with cancer being prepared for a chemotherapy infusion. - vi rút corona
Những người đang điều trị tích cực chẳng hạn như bệnh nhân chuẩn bị hóa trị liệu hoặc những người bị suy giảm miễn dịch do điều trị trong quá khứ sẽ đối mặt với nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn. (Ảnh: Getty Image Stock Photo)

Sự lây lan của COVID-19 trên khắp Hoa Kỳ (và thế giới) đang ngày càng có khả năng, dù cho các nhà nghiên cứu và quan chức y tế công cộng đang làm việc để phân phối thông tin, tăng cường xét nghiệm và ban hành các biện pháp để làm chậm và cuối cùng ngăn chặn loại vi rút corona mới này.

Không phải ai cũng sẽ bị bệnh. Tuy nhiên cũng giống như vi rút cúm thông thường sẽ có những người có nguy cơ cao hơn.

Đối với COVID-19, người lớn tuổi (ngoài 70) và người mắc các bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh thận mạn và ung thư có nguy cơ bị biến chứng nặng hơn, phải nhập viện nằm chăm sóc tích cực và thậm chí là tử vong.

“Theo dữ liệu ban đầu từ Trung Quốc và các báo cáo từ Italia và các vùng lây nhiễm nội địa thì bệnh nhân ung thư sẽ có những nguy cơ này cao hơn” theo Tiến sĩ Steve Pergam, một nhà nghiên cứu lâm sàng và bệnh truyền nhiễm tại trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson.

Ai có nguy cơ cao nhất?

“Chúng tôi tin rằng những bệnh nhân có bệnh lý huyết học ác tính sẽ có nguy cơ cao nhất”, theo Tiến sĩ Steve Pergam. “Đồng thời, những bệnh nhân đang trong giai đoạn điều trị tích cực và bệnh nhân cấy ghép tủy cũng có nguy cơ cao vì đó là những người có hệ miễn dịch giảm sút nhiều nhất”.

Những bệnh nhân ung thư và những người sống sót sau ung thư cần lưu ý gì thêm khi lần này họ đối mặt với một đại dịch virus hoàn toàn mới đối với toàn thể nhân loại?

Chúng tôi đã tìm đến các chuyên gia về bệnh ung thư và bệnh truyền nhiễm để có câu trả lời. Hãy rửa tay và đọc tiếp.

Photograph of infectious disease expert Dr. Steve Pergam answering questions about COVID-19 (vi rút corona) during a recent Fred Hutch town hall meeting with the Hutch's new president and director Dr. Thomas Lynch.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, tiến sĩ Steve Pergam (bên trái) trả lời những câu hỏi về COVID-19 trong cuộc họp tại tòa thị chính Fred Hutch gần đây với chủ tịch và giám đốc mới của Hutch, tiến sĩ Thomas Lynch. (Ảnh chụp bởi Robert Hood/Fred Hutch News Service)

Có phải tất cả những bệnh nhân ung thư đều có nguy cơ không? Hay chỉ những người đang được điều trị?

Ông Pergam, giám đốc y tế về phòng chống nhiễm trùng tại Liên minh chăm sóc Ung thư Seattle (Seattle Cancer Care Alliance), cho rằng những bệnh nhân với bệnh lý ác tính về máu như u lympho không Hodgkin, bệnh bạch cầu mạn dòng lympho, bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, bệnh bạch cầu cấp dòng nguyên bào lympho và đa u tủy có nguy cơ cao nhất.

Những người đang được điều trị bất kỳ loại ung thư nào và những người đã trải qua cấy ghép tủy cũng có nguy cơ cao khi nhiễm bệnh (Đang được điều trị thường được định nghĩa là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và các phương pháp điều trị khác như liệu pháp miễn dịch).

Tiến sĩ Gary Lyman, một bác sĩ chuyên khoa ung thư và chuyên gia chính sách y tế tại Hutch, nói thêm rằng ngay cả những người không điều trị cũng phải đặc biệt thận trọng.

“Rủi ro nguy hiểm kéo dài hơn thời gian điều trị tích cực”, ông nói. “Những ảnh hưởng của điều trị không dứt hẳn khi bệnh nhân hoàn thành liệu trình điều trị trước đó hay khi họ rời khỏi bệnh viện sau phẫu thuật. Hậu quả của ung thư và tác dụng ức chế miễn dịch của điều trị có thể kéo dài”.

Những bệnh nhân và những người sống sót sau ung thư có thể tiến hành xét nghiệm để biết xem liệu họ có bị ức chế miễn dịch hay không?

Ông Pergam nói không có xét nghiệm máu đơn giản nào giúp kiểm tra mức độ ức chế miễn dịch của một người nào đó. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đang được hoá trị tích cực, số lượng bạch cầu và lympho bào thấp và/hoặc dùng các chất ức chế miễn dịch (như thuốc prednisone) đều liên quan đến ức chế miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

“Chúng tôi vẫn chưa biết hết những chi tiết về điều này nhưng nếu bạn được thông báo rằng bạn đã bị ức chế miễn dịch bởi người chăm sóc cho bạn thì bạn nên thận trọng hơn”, Pergam tiếp tục cho hay.

Nhà nghiên cứu y tế công cộng Fred Hutch, Tiến sĩ Gary Lyman cho biết bệnh nhân ung thư và những người mắc các bệnh nền khác nên thận trọng hơn vì họ có thể dễ bị nhiễm COVID-19 hơn.

Chúng ta có dữ liệu nào về cách vi rút corona ảnh hưởng lên bệnh nhân ung thư chưa?

“Không nhiều”, Lyman trả lời.

“Nhưng có một nghiên cứu sớm từ Trung Quốc đã công bố trên một tạp chí y khoa lớn, The Lancet, cho thấy cả những bệnh nhân đã và đang bị ung thư đều có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn”.

Được công bố vào giữa tháng 2, nghiên cứu xem xét trên 2007 ca nhập viện do nhiễm COVID-19 từ 575 bệnh viện ở Trung Quốc. Trong nhóm này, họ đã tìm thấy 18 bệnh nhân có tiền sử bị ung thư, một số đang trong giai đoạn điều trị, một số đã khỏi trong vài năm. Gần một nửa trong số bệnh nhân này có nguy cơ bị các biến cố nghiêm trọng (được định nghĩa là nhập khoa Săn sóc đặc biệt (ICU), cần thở máy hoặc tử vong)

“Chúng tôi cho rằng những bệnh nhân ung thư có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn những người không bị ung thư”, những tác giả nghiên cứu đã viết. “Thêm vào đó, chúng tôi nhận thấy rằng những bệnh nhân ung thư có kết quả điều trị COVID-19 kém khả quan hơn, từ đó nhắc nhở nhân viên y tế hãy chú ý hơn với những bệnh nhân ung thư khi tình trạng của họ xấu đi nhanh chóng”.

Pergam có biết đến nghiên cứu này, nhưng thật khó để đưa ra các giả định chỉ dựa trên 18 bệnh nhân. Ngoài ra, đó là một nhóm hỗn hợp gồm những người sống sót và bệnh nhân đang bị những loại ung thư khác nhau và một loạt các phương pháp điều trị. Một số người trong số họ hút thuốc và/hoặc có các vấn đề sức khỏe khác như huyết áp cao, bệnh tiểu đường hoặc COPD, tất cả đều khiến mọi người dễ bị lây nhiễm hơn.

“Thông điệp rất rõ ràng”, Pergam nói, “những người có bệnh nền có nguy cơ nhiễm loại virus này cao hơn”. Chúng tôi có nhiều lo ngại cả vì cả bài báo này lẫn một báo cáo khác đều cho thấy tỷ lệ biến chứng nặng tăng lên ở bệnh nhân ung thư (nhiều người cao hơn gấp 2 đến 3 lần), bao gồm nhu cầu nằm Săn sóc đặc biệt (ICU), đặt ống nội khí quản và tử vong. Họ không chỉ mắc ung thư mà còn mắc các rối loạn chức năng về hô hấp, tim hay các cơ quan khác”.

Những người có độ tuổi ngoài 70 cũng đối mặt với nguy cơ cao. Tỷ lệ tử vong xấp xỉ 15% đối với những người 80 tuổi và ngoài 80. Pergam nói rằng khi những người lớn tuổi không có biểu hiện xấu khi nhiễm vi rút, thì đó là phép thử để nói nhiễm trùng loại vi rút này có thể sẽ gây ra nhiều biến chứng hơn cho bệnh nhân bị ức chế miễn dịch.

“Những bệnh nhân bị ức chế miễn dịch và ung thư nên đặc biệt thận trọng và nên xem đây là một mùa cúm nghiêm trọng”, ông nói.

“Tôi nên hủy bỏ điều trị hay tiếp tục điều trị theo lịch hẹn?“

Các chuyên gia tại SCCA, đối tác chăm sóc lâm sàng của Fred Hutch, cho rằng những bệnh nhân ung thư nên tiếp tục liệu trình điều trị nếu họ không có các triệu chứng nhiễm vi rút Corona.

Cơ sở này đang  sàng lọc xem có ai có triệu chứng hô hấp không. Những người có triệu chứng hô hấp được yêu cầu đeo khẩu trang nhằm làm giảm nguy cơ lây lan vi rút và vi khuẩn.

Hội Ung thư Hoa kỳ có hướng dẫn và trả lời các câu hỏi thường gặp về bệnh Covid-19 trên website của hội này.

“Tôi nên làm gì nếu tôi có triệu chứng?“

Nếu bạn mắc phải những triệu chứng của vi rút corona (như sốt cao, ho khan, mệt mỏi, khó thở), hãy gọi cho bác sĩ của bạn.

“Điều quan trọng là nếu bạn mắc bệnh, hãy cho ai đó biết”, theo Pergam. “Hãy gọi cho bác sĩ và kể cho họ nếu bạn có các triệu chứng về hô hấp. Đôi khi, họ có thể khuyên bạn nên ở nhà. Nếu bạn cảm thấy rằng mình cần đi đến phòng cấp cứu vì bạn đang cảm thấy rất khó chịu, hãy gọi điện thoại trước và cho họ biết bạn có những triệu chứng về hô hấp. Họ có thể cung cấp những hướng dẫn và bảo vệ bạn khi bạn vừa đến nơi”.

“Và nếu những triệu chứng nhẹ, thì chỉ cần ở nhà. Vì hiện mùa này vẫn đang là mùa của cảm lạnh và cảm cúm.” Pergam lưu ý.

“Chúng tôi không muốn làm quá tải bệnh viện nếu chỉ vì sự lo lắng thái quá” ông nói. “Để cân bằng, chúng ta cần chuẩn bị sẵn nhưng cũng cần đảm bảo mọi người không quá hoảng sợ. Nếu chúng ta hoảng sợ, sẽ có một cuộc chạy đua vào bệnh viện”.

Xét nghiệm với COVID-19 tại Seattle đã được hỗ trợ rất nhiều bởi phòng thí nghiệm vi rút học lâm sàng của đại học Washington, nơi bắt đầu xét nghiệm mọi người ngay sau khi Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ cho phép. Phòng thí nghiệm dự đoán có thể xét nghiệm hơn 1000 mẫu mỗi ngày; thực tế các nhà nghiên cứu cho biết họ có thể xét nghiệm 4000 hoặc thậm chí 5000 mẫu mỗi ngày.

Hiện tại, xét nghiệm COVID-19 sẽ được thực hiện khi có sự chỉ định của bác sĩ.

Làm gì nếu thành viên trong gia đình có những triệu chứng về hô hấp?

“Gia đình rất quan trọng và bạn không muốn xa lánh họ, tuy nhiên nếu ai đó trong gia đình bạn bị bệnh, hãy sử dụng một vài biện pháp cách ly”, Pergam nói. “Hãy mang găng tay, cho họ ngủ ở phòng khác nếu có thể, đảm bảo rằng bạn đã lau sạch chung quanh và rửa tay thường xuyên.  Những việc này rất quan trọng”.

Person Washing Hands
Hãy đảm bảo vệ sinh khu vực sinh sống và rửa tay thường xuyên. (Ảnh: Busrt – Pexels)

Việc không đưa người thân bị bệnh vào trung tâm điều trị ung thư của bạn cũng rất quan trọng. Khi cần đến trung tâm điều trị ung thư, bạn nên đến chỉ với một người thân khỏe mạnh. 

“Chúng tôi muốn ít người bệnh, không cần nhiều hơn”, Pergam nói. “Bạn không muốn ai đó nhập viện cùng với bạn thậm chí khi họ chỉ có những triệu chứng nhẹ”.

Cuối cùng, ông nói điều quan trọng là hãy dẫn theo một người chăm sóc bạn trong thời gian điều trị, không phải cả gia đình bạn.

Bệnh nhân ung thư (và những người sống sót sau ung thư) có nên hạn chế tham gia phương tiện giao thông công cộng và các sự kiện không?

Pergam cho biết những người đang được điều trị, nếu có thể, hãy tránh các phương tiện xe buýt hoặc tàu lửa công cộng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận không phải các bệnh nhân đều có thể chi trả cho Lyft hoặc Uber hoặc một số dịch vụ di chuyển khác (Ở Việt Nam là Grab, GoViet…).

Mời bạn xem thêm:

Đời sống xã hội và các hoạt động trong quá trình hóa trị

“Nói với đội ngũ chăm sóc sức khoẻ về những lựa chọn có sẵn để hỗ trợ bạn đi lại mà không cần tham gia phương tiện công cộng”, Pergam nói. “Một số hệ thống bệnh viện cung cấp những dịch vụ hỗ trợ cho bệnh nhân”. 

Nếu bạn không có sự lựa chọn và buộc phải sử dụng xe buýt hay tàu lửa, hãy cẩn trọng và giữ khoảng cách với những người khác.

“Hãy bảo vệ chính bạn”, ông Pergam nhấn mạnh. “Ngồi ở hàng ghế sau xe buýt hay những nơi ít tiếp xúc nhất và nếu bạn gặp ai đó có biểu hiện bệnh cúm, ho, hãy tránh xa”.

Pergam cho biết những bệnh nhân ung thư đã điều trị khỏi vài năm trước “có thể ổn” nhưng bất cứ khi nào có thể cũng nên tránh những xe buýt hay tàu lửa đông người.

“Nếu bạn buộc phải đi xe buýt, hãy tập giữ khoảng cách”, ông lưu ý. “Hoặc ở nhà nếu bạn có thể. Nguy cơ của bạn sẽ tăng lên khi bạn ở những nơi công cộng”.

Đối với những nơi công cộng khác, Pergam một lần nữa khuyên nên cẩn trọng. Thay vì đi xem phim, hãy xem gì đó ở nhà, ông nói. Đặt mua và giao hàng từ những nhà hàng bạn yêu thích thay vì đi đến trực tiếp. Hoặc nấu ăn tại nhà. Nhiều cửa hàng tạp hóa cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi. Bạn có thể thậm chí yêu cầu mục sư của bạn nếu họ có thể trang bị một máy tính để truy cập “nhà thờ ảo”!

“Điều này không có nghĩa bạn phải là một ẩn sĩ, chỉ cần hạn chế tiếp xúc, đặc biệt là ở những nơi công cộng”, ông nói.

Có cách nào giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn không?

Cả Lyman và Pergam đều nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ trong sự phục hồi hệ thống miễn dịch.

“Thiếu ngủ là một trong những cách ức chế hệ thống miễn dịch mạnh mẽ nhất”, Lyman nói. “Mỗi người đều có một nhu cầu ngủ khác nhau tuy nhiên khoa học đã chứng minh nếu bạn không ngủ tối thiểu 6 hoặc 7 giờ hoặc lý tưởng là 8 giờ một đêm thì hệ thống miễn dịch có thể bị tổn hại”.

Tập thể dục, đi bộ hoặc chạy bộ hít thở không khí trong lành sẽ kích thích hoạt động tim mạch và giúp tăng sức đề kháng.

“Hãy đi dạo ngoài trời hít thở không khí trong lành, sẽ rất tốt cho bạn”, Pergam nói. Ông cũng là người có nguy cơ cao khi đã được ghép thận và là bệnh nhân sống sót sau điều trị ung thư. “Ở thời điểm hiện tại, các hoạt động này tốt hơn đến các phòng tập gym (nơi có đông người)”.

Bước kế tiếp để duy trì sức khỏe và khỏe mạnh qua cuộc khủng hoảng COVID-19, đó là một chế độ ăn đủ dinh dưỡng.

Mời bạn xem thêm:

Lời Khuyên Dinh Dưỡng Cho Bệnh Nhân Ung Thư

“Khoảng 70-80% hệ thống miễn dịch của chúng ta nằm trong đường tiêu hoá”, Lyman cho biết. “Và nó ảnh hưởng trực tiếp bởi thức ăn bạn ăn và hệ vi khuẩn sống trong đường ruột của bạn. Một chế độ ăn cân bằng, ăn nhiều trái cây và rau xanh là rất quan trọng”.

Cũng như việc tiêm chủng định kỳ, bao gồm vắc xin cúm, tránh khói và ngừng hút thuốc lá và chắc chắn rằng một vài hoặc tất cả những tình trạng y tế khác của bạn (như huyết áp cao, bệnh phổi, tiểu đường…) đều đang được kiểm soát, ông nói.

Căng thẳng cũng ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch. Mặc dù cả hai nhà nghiên cứu đều thừa nhận thật không dễ để giữ bình tĩnh, thư giãn vào lúc này.

“Có những thứ chúng ta không thể kiểm soát”, theo Lyman đó là vấn đề về tuổi tác và sức khỏe khiến ông gặp nguy cơ. “Nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát những gì bạn ăn, tập luyện thể dục như thế nào và thời gian bao nhiêu lâu. Và đó cũng là những hoạt động chính tôi cũng đang thực hiện”.

Cập nhật ngày 16/03/2020
Nguồn: Coronavirus: what cancer patients need to know

Các bài viết liên quan

Filed Under: Chăm Sóc Thể Chất, Dinh Dưỡng Ung Thư, Vi rút Corona Tagged With: Vi rút Corona

DMCA.com Protection Status

Copyright © 2019 Salt Cancer Initiative