Dịch thuật: Nguyễn Thị Hải, Nguyễn Bá Tùng
(SCI Blog) – Việc giảm hormone sinh dục sau quá trình điều trị ung thư có thể gây ra một số vấn đề về đường tiết niệu ở phụ nữ bao gồm nhiễm trùng đường tiểu và tiểu không tự chủ. Bài viết dưới đây phân tích nguyên nhân và hướng dẫn cách khắc phục vấn đề trên.
Một số phương pháp điều trị ung thư làm giảm nồng độ hormone sinh dục trong cơ thể. Ở phụ nữ, những hormone này là estrogen và progesterone.
Nồng độ hormone sinh dục thấp đôi khi có thể gây ra các vấn đề về tiết niệu ở phụ nữ, bao gồm viêm nhiễm và tiểu không tự chủ.
Tầm quan trọng của estrogen
Estrogen giúp giữ cho thành niệu đạo đàn hồi và cơ sàn chậu khỏe mạnh. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Các cơ sàn chậu bao quanh phần dưới của bàng quang và niệu đạo.
Khi lượng estrogen trong cơ thể giảm xuống, nó có thể làm suy yếu các cơ và làm cho niệu đạo kém đàn hồi. Điều này có thể dẫn đến việc tiểu không tự chủ hoặc nhiễm trùng.
Vấn đề tiết niệu phổ biến thế nào
Không phải tất cả những người có lượng hormone sinh dục thấp do điều trị ung thư đều phát triển các vấn đề về đường tiết niệu. Một số nghiên cứu cho thấy rằng có nhiều phụ nữ không đi khám vì cảm thấy xấu hổ và có nhiều người chấp nhận chịu đựng các triệu chứng của vấn đề tiết niệu.

Các vấn đề về tiết niệu có thể là một vấn đề rất khó đối mặt và có thể tác động tiêu cực đến tự sự tin của bản thân cũng như chất lượng cuộc sống của bạn.
Liệu pháp thay thế hormone (HRT)
Liệu pháp thay thế hormone (HRT) có thể được thực hiện để kiểm soát bất kỳ triệu chứng nào do nồng độ hormone sinh dục thấp.
Tuy nhiên nếu bạn đang điều trị ung thư vú bởi bằng liệu pháp ngăn chặn việc tiết ra hoặc hoạt động của hormone thì việc sử dụng liệu pháp thay thế hormone không thể áp dụng cho bạn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều phương pháp khác có thể có tác dụng đối với bạn.
Nhiễm trùng đường tiểu
Số phụ nữ bị ung thư vú bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc viêm bàng quang là từ 5 đến 8%. Nếu bạn bị tiểu đường hoặc sa bàng quang, nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu sẽ có thể tăng cao hơn một chút.
Triệu chứng nhiễm trùng tiểu
- Bạn không kiểm soát được việc tiểu tiện hoặc cơn buồn tiểu tiện đến rất bất ngờ, gấp gáp.
- Đau hoặc rát khi bạn đi tiểu (viêm bàng quang).
- Đau ở vùng bụng, lưng hoặc hai bên sườn.
- Có máu trong nước tiểu.
- Bị sốt hoặc ớn lạnh và có cảm giác mệt mỏi.
Giảm nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu
- Uống nhiều nước (khoảng 2 lít mỗi ngày).
- Đi tiểu trước và sau khi quan hệ.
- Giảm sự khô âm đạo.

Một số người nghĩ rằng uống nước ép quả việt quất có thể giúp giảm các triệu chứng viêm bàng quang nhưng chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh điều này.
Khô âm đạo có thể gây kích thích ở khu vực niệu đạo đặc biệt là trong và sau khi quan hệ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và đau khi đi tiểu. Có nhiều cách khác nhau để giảm khô âm đạo, bao gồm cả kem và sữa dưỡng ẩm.
Tiểu rắt (tiểu không tự chủ)
Nguyên nhân
Tiểu không tự chủ không phải là một triệu chứng phổ biến của nồng độ hormone sinh dục thấp. Có nhiều khả năng bắt nguồn từ một nguyên nhân khác, chẳng hạn như nhiễm trùng nước tiểu hoặc sưng viêm do ma sát trong quan hệ tình dục.
Nhưng đôi khi tiểu không tự chủ là do sự kết hợp của các yếu tố, trong đó có nguyên nhân do mức estrogen thấp. Bạn nên tìm sự tư vấn từ bác sĩ hoặc y tá về tình trạng tiểu không tự chủ của mình.
Phương pháp điều trị
Phương pháp điều trị chứng tiểu không tự chủ có thể bao gồm:
- Bài tập sàn chậu;
- Dùng thuốc;
- Phẫu thuật trong một số trường hợp nặng;
- Bổ sung estrogen âm đạo.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sử dụng estrogen âm đạo có thể giúp giảm tình trạng tiểu không tự chủ và tình trạng tiểu quá thường xuyên hay quá gấp gáp.
Thuốc bổ sung estrogen âm đạo có hai dạng:
- Dạng kem;
- Dạng viên đặt mà bạn có thể đặt vào âm đạo và nó dần dần tan ra theo thời gian.
Nếu bạn bị ung thư phụ thuộc vào hormone như ung thư vú, thì việc bổ sung estrogen âm đạo vẫn chưa được đánh giá về mức độ an toàn. Cơ thể bạn có thể hấp thụ một số estrogen từ estrogen âm đạo nhưng với một lượng không đáng kể.
Nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng kem bôi âm đạo hoặc viên đặt không làm tăng nồng độ estrogen trong máu đủ để kích thích ung thư vú. Nhưng vẫn còn cần thêm các nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu mức độ an toàn của những sản phẩm này khi sử dụng đối với bệnh nhân đang và sau khi điều trị ung thư vú.
Đối phó với các vấn đề đường tiết niệu
Vấn đề về đường tiết niệu có thể khó đối mặt. Bạn có thể cảm thấy xấu hổ và cảm thấy khó khăn khi tâm sự với ai đó về việc tiểu không kiểm soát hoặc nhiễm trùng bàng quang.

Tốt nhất bạn nên gặp bác sĩ để thăm khám. Các bác sĩ đã có kinh nghiệm điều trị cho nhiều người gặp phải những vấn đề này trước bạn và có thể đề xuất phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn.
Cập nhật ngày: 31/10/2020
Tham khảo nguồn: Urinary problems in women
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm