• Skip to content

Salt Cancer Initiative

Thư Viện Kiến Thức Ung Thư

  • Kiến Thức Ung Thư
  • Chăm Sóc Cảm Xúc
  • Chăm Sóc Thể Chất
  • Ủng Hộ
Vaccine COVID-19: Những điều bệnh nhân ung thư cần biết

SCI Writer /

Vaccine COVID-19: Những điều bệnh nhân ung thư cần biết

Chia sẻ bài viết này trên:

  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

(SCI Blog) – Sự trở lại của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam không chỉ ảnh hưởng về mặt kinh tế và các vấn đề an sinh xã hội, mà nó còn đặt ra một mối lo ngại lớn về vấn đề sức khỏe của tất cả mọi người, đặc biệt khi nhiều biến thể COVID mới xuất hiện, nguy hiểm và lây lan nhiều hơn trên diện rộng. Mặc dù nhiều loại vaccine đã được nghiên cứu với hiệu quả bước đầu khá tích cực và đã được áp dụng tại nhiều nước, tất cả chúng ta đều sẽ có những mối băn khoăn nhất định về cơ chế và tác dụng của những loại vaccine này, đặc biệt là ở những người đang mang bệnh lý nền hay hơn cả là những bệnh nhân ung thư.

Mời bạn xem thêm: 

Vi rút Corona – những điều bệnh nhân ung thư cần biết

1. Là bệnh nhân K, tôi có nên tiêm vaccine COVID-19 hay không?

Tháng 12 năm 2020, Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO – American Society of Clinical Oncology) và Hiệp hội Các bệnh Truyền nhiễm Hoa Kỳ (IDSA – Infectious Diseases Society of America) đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Vaccine COVID-19 & Bệnh nhân ung thư” để thảo luận về tầm quan trọng của việc tiêm chủng COVID-19 và đồng thời tham khảo lấy ý kiến ​​chuyên gia về việc sử dụng vaccine này cho bệnh nhân ung thư. 

Tại thời điểm diễn ra hội thảo, chỉ có một loại vaccine được phép sử dụng chống lại COVID-19 đó là Pfizer-BioNTech. Mặc dù cuộc thảo luận của nhóm chuyên gia tập trung vào vaccine mRNA và các loại vaccine nói chung, hội đồng gồm các chuyên gia về ung thư và bệnh truyền nhiễm đồng ý rằng vaccine Pfizer-BioNTech đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả đối với dân số nói chung, trong đó có bệnh nhân ung thư.

2. Là bệnh nhân K đang trong quá trình điều trị tích cực, tôi có nên tiêm vaccine không?

Cũng theo Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ, thời điểm này, bệnh nhân đang điều trị có thể được đề nghị tiêm vaccine chống lại COVID-19, miễn là không có chống chỉ định với bất kỳ thành phần nào của vaccine. Các bác sĩ điều trị ung thư có kinh nghiệm sẽ tư vấn loại vaccine phù hợp cho bệnh nhân đang trong các lộ trình điều trị ung thư như hóa trị, liệu pháp miễn dịch, xạ trị hoặc cấy ghép tế bào gốc. Các bệnh nhân được cấy ghép tế bào gốc và điều trị bằng globulin miễn dịch sẽ có các chiến lược chờ đợi và cung cấp vaccine phù hợp để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra cũng như duy trì hiệu quả của việc tiêm chủng.

3. Hiện nay tôi có thể tiêm những loại vaccine COVID nào?

Theo CDC Vietnam – Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Việt Nam, tính đến tháng 5/2021, hiện có 3 loại vaccine được cho phép đi vào hoạt động và đang được sử dụng tại Hoa Kỳ, bao gồm:

  • Pfizer-BioNTech: dành cho người từ 12 tuổi trở lên, gồm 2 liều tiêm cách nhau 3 tuần (21 ngày) và tiêm chủng đầy đủ được xác nhận sau 2 tuần từ mũi thứ 2.
  • Moderna: Dành cho người từ 18 tuổi trở lên, gồm 2 liều tiêm cách nhau 4 tuần (28 ngày) và tiêm chủng đầy đủ được xác nhận sau 2 tuần từ mũi thứ 2.
  • Johnson & Johnson/Janssen: Dành cho người từ 18 tuổi trở lên, chỉ cần tiềm một mũi và tiêm chủng đầy đủ được xác nhận 2 tuần sau khi tiêm.

CDC cũng nhấn mạnh việc không ưu tiên khuyến nghị bất kỳ loại vaccine nào. Và hiện tất cả vaccine đang được khuyên dùng nêu trên đều đảm bảo các yếu tố: an toàn, hiệu quả và giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng.

CDC Vietnam không ưu tiên khuyến nghị bất kỳ loại vaccine nào trong 3 loại vaccine hiện có trên thị trường. (Ảnh: Sưu tầm)

4. Tại sao tôi vẫn có nguy cơ nhiễm COVID-19 kể cả khi đã tiêm đủ liều vaccine?

Tuy nhiên, các thông tin gần đây ghi nhận một số người mặc dù đã được tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine COVID-19 nhưng vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính, và có nguy cơ gây lây lan, điển hình là hàng loạt ca tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh nửa đầu tháng 6 vừa qua.

Theo TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trả lời với Bộ Y Tế: “Theo y văn quốc tế, trong số những người đã tiêm vaccine, vẫn có tỷ lệ nhất định có thể nhiễm SARS-CoV-2. Nhưng những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 nếu nhiễm SARS-CoV-2 thì ít có khả năng phát triển thành bệnh. Thực tế cho thấy trong số 52 nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh nhiễm SARS-CoV-2 đợt này (một người chưa được tiêm vaccine do đang có thai 3 tháng) chỉ có một người có triệu chứng nhẹ và người này hiện đang thực hiện công tác theo hình thức online để hỗ trợ hoạt động của BV. Cũng theo y văn quốc tế thì vaccine phòng COVID-19 giảm tình trạng nặng của bệnh và không dẫn đến tử vong.”

Cũng lý giải về việc này, Tiến sĩ Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng vẫn có khả năng một người có thể bị nhiễm virus ngay sau khi tiêm phòng và vẫn bị mắc bệnh. Điều này là do thường mất khoảng một vài tuần sau tiêm phòng để cơ thể sản sinh miễn dịch và bảo vệ bạn khỏi mắc bệnh. Vaccine phòng COVID-19 là công cụ cần thiết để bảo vệ người dân khỏi COVID-19 nhưng do những thách thức hiện nay về số lượng và phân phối vaccine, sẽ mất thời gian để đạt được đủ số người được tiêm phòng nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng và tác động đến sự lây lan của virus.

Chính vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyên rằng ngay cả sau khi đã được tiêm phòng, chúng ta vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa và thực hiện nguyên tắc 5K – Khẩu trang, Khử khuẩn, Không tụ tập, Khai báo y tế và Khoảng cách. Vì nguồn cung vaccine tiếp tục là một thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các quốc gia khác trên thế giới, điều quan trọng là Chính phủ cần phải phân bổ vaccine cho những nhóm đối tượng cần nhất, dựa trên thứ tự 11 nhóm ưu tiên. Một số trường hợp bệnh nhân ung thư sẽ được xếp vào danh sách này tại nhóm Người mắc các bệnh mãn tính. Tiêm chủng toàn dân là một trong các mục tiêu quan trọng để đẩy lùi COVID-19, trong thời gian chờ đợi, mọi người hãy giữ khoảng cách, tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe cho bản thân mình và cho toàn xã hội nhé.


Nguồn tổng hợp:
1. Evaluating the impact of caring for patients with COVID-19 on cancer care delivery in Latin America
2. Vì sao tiêm Vaccine vẫn mắc COVID-19? – VTV Thời sự
3. Vaccine COVID-19 khác nhau – CDC Vietnam
4. Trong số 53 nhân viên bị nhiễm SARS-CoV-2 chỉ có 1 người có triệu chứng nhẹ – Bộ Y Tế Vietnam – Thông tin điện tử

Ngày cập nhật: 18/06/2021
Tổng hợp: SCI Writers

Các bài viết liên quan

Filed Under: Kiến Thức Ung Thư, vi rút Corona

DMCA.com Protection Status

Copyright © 2019 Salt Cancer Initiative