Dịch thuật: Hương Trần – Đăng Minh – Anh Khương
(SCI Blog) – Hệ tuần hoàn là hệ cơ quan quan trọng gồm tim và hệ thống mạch máu giúp đưa các chất dinh dưỡng đi nuôi khắp cơ thể. Khi cơ thể mắc ung thư, các tế bào lỗi hay các tế bào ung thư có thể len lỏi qua dòng máu để xâm lấn vào các cơ quan khác và tạo nên ung thư thứ phát. Phương pháp đông lạnh và cấy ghép tế bào máu gốc có thể hỗ trợ rất nhiều trong hoá trị liệu ung thư liều cao ở một số loại ung thư. Tuy nhiên, điều trị ung thư bằng hoá trị liệu hay các loại điều trị khác thiếu tính đặc hiệu lên các tế bào ung thư sẽ không thể tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định lên tế bào máu như suy giảm các tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu.
Chức năng và sự lưu thông máu
Máu vận chuyển các chất dinh dưỡng và oxy đi nuôi các tế bào của khắp cơ thể, đồng thời loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hoá của cơ thể. Nếu thiếu đi nguồn cung cấp máu, tế bào và mô sẽ chết.
Máu di chuyển khắp cơ thể qua các mạch máu, gồm có động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Các mạch máu này tạo nên hệ thống tuần hoàn để tim có thể bơm máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể.
(Ảnh: Cancer Research UK)
- Động mạch: vận chuyển máu chứa oxy từ tim đi cung cấp cho các bộ phận trên cơ thể
- Mao mạch: các mạch máu nhỏ nhất, cung cấp oxy và lọc bỏ chất thải trong các tế bào
- Tĩnh mạch: vận chuyển máu ngược trở lại tim, đi qua phổi để loại bỏ carbon dioxide và nạp thêm oxy.
Ung thư di căn qua hệ tuần hoàn máu
Máu lưu thông khắp cơ thể, mang theo oxy, carbon dioxide và nhiều chất khác. Khi di chuyển tới hệ thống tiêu hoá, máu sẽ đưa các thực phẩm đã được tiêu hoá đến gan để lưu trữ hoặc sử dụng.
Một số bệnh ung thư di căn từ vị trí nguyên phát đến các bộ phận khác trong cơ thể có thể xuất phát từ sự lưu thông trong tuần hoàn máu. Ví dụ, ung thư đại tràng thường di căn đến gan. Điều này có thể giải thích là do trên đường từ ruột trở về tim, máu phải di chuyển qua gan. Do vậy, nếu một số tế bào ung thư đi theo dòng máu, chúng có thể xâm nhập vào gan và phát triển thành ung thư thứ phát.
Thành phần và sự hình thành của tế bào máu
Máu bao gồm 55% huyết tương và 45% tế bào. Huyết tương chủ yếu là nước cùng một số protein và các chất hoà tan, trong khi các tế bào trong máu lại gồm 3 loại tế bào chính:
- Bạch cầu: gồm bạch cầu trung tính và bạch cầu lympho, đóng vai trò hỗ trợ các phản ứng miễn dịch của cơ thể. Bạch cầu thường được tạo ra rất nhanh nhưng lại có vòng đời rất ngắn, chỉ vài giờ hoặc vài ngày. Số lượng bạch cầu có thể tăng lên cao nếu cơ thể bạn gặp nhiễm trùng hay phẫu thuật.
- Hồng cầu: tạo màu đỏ cho máu, cung cấp oxy và máu tới các mô, đồng thời cũng lọc khí carbon dioxide để mang về phổi. Hồng cầu có vòng đời lên tới 120 ngày, chỉ số hồng cầu tụt giảm dưới ngưỡng đồng nghĩa với việc là bạn đang bị thiếu máu.
- Tiểu cầu: đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đông máu và sửa chữa mạch máu.
Tất cả các loại tế bào máu khác nhau đều phát triển từ tế bào máu gốc. Ở người trưởng thành, các tế bào máu gốc thường nằm trong tủy xương, bên trong hộp sọ, xương sườn, xương ức, cột sống và xương chậu.
Các tế bào gốc phân chia và nhân lên để tạo ra các tế bào máu. Khi những tế bào này phát triển (biệt hoá), chúng trở thành bạch cầu, hồng cầu hoặc tiểu cầu. Sơ đồ dưới đây cho thấy các loại tế bào khác nhau có thể phát triển từ một tế bào gốc máu duy nhất.
Tế bào gốc có thể được lấy mẫu từ tuỷ xương trong cơ thể sống và bảo quản đông lạnh. Các bác sĩ sau này có thể sử dụng những tế bào gốc đó trong hóa trị liệu liều cao, phương pháp này được gọi là ghép tế bào gốc hoặc ghép tủy xương.
Những ảnh hưởng của thuốc đặc trị ung thư lên tế bào máu
Thuốc đặc trị ung thư có thể làm giảm số lượng tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu trong thời gian điều trị, đặc biệt là các loại thuốc hóa trị và một vài loại thuốc điều trị đích.
Các tế bào máu chưa trưởng thành liên tục phân chia trong tuỷ xương trước khi đi vào vòng tuần hoàn máu. Một số loại thuốc ung thư có thể làm chậm quá trình sản xuất tế bào máu trong tủy xương, vì vậy chỉ một lượng ít tế bào được giải phóng vào máu. Điều này gây nên sự thiếu hụt các tế bào máu trong cơ thể.
Thiếu hụt bạch cầu
Bạn sẽ thấy số lượng bạch cầu của mình tụt giảm đầu tiên khi điều trị ung thư do tế bào bạch cầu có thể chết tự nhiên chỉ sau vài ngày. Thông thường, các tế bào này sẽ được thay thế bởi các tế bào bạch cầu mới. Tuy nhiên khi điều trị, thuốc đặc trị ung thư lại có thể giết chết các tế bào đang phát triển. Thường phải mất 1 hoặc 2 tuần để tủy xương có thể tạo ra và cung cấp thêm nhiều tế bào cho máu.
Thiếu hụt hồng cầu
Các tế bào hồng cầu trưởng thành thường tồn tại trong cơ thể khoảng 3 tháng, do đó tuỷ xương không phải thường xuyên sản xuất hồng cầu. Vì vậy trong điều trị ung thư, bạn thường không hay bị thiếu hồng cầu như với bạch cầu. Tuy nhiên, nếu số lượng hồng cầu của bạn tụt giảm dưới ngưỡng bình thường, bạn có thể sẽ cần truyền máu.
Thiếu hụt tiểu cầu
Số lượng tiểu cầu cũng có thể giảm trong điều trị ung thư. Những lúc này, bạn có thể dễ bị chảy máu mũi, xuất huyết dưới da hay bầm tím hơn. Bạn có thể cần phải truyền tiểu cầu nếu chỉ số ở dưới ngưỡng bình thường. Sau hoá trị liệu liều cao, bạn sẽ cần một khoảng thời gian dài hơn để phục hồi số lượng tiểu cầu so với việc phục hồi số lượng các tế bào máu khác.
Mời bạn xem thêm các bài viết cùng chủ đề:
Cập nhật ngày 29/03/2020
Tham khảo nguồn: Cancer, the blood and circulation
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm