• Skip to content

Salt Cancer Initiative

Thư Viện Kiến Thức Ung Thư

  • Kiến Thức Ung Thư
  • Chăm Sóc Cảm Xúc
  • Chăm Sóc Thể Chất
  • Ủng Hộ
Ung Thư và Hệ Nội tiết

SCI Writer /

Ung Thư và Hệ Nội tiết

Chia sẻ bài viết này trên:

  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

Dịch thuật: Hương Trần – Đăng Minh – Anh Khương


(SCI Blog) – Hệ nội tiết là một hệ thống các tuyến không ống dẫn và các cơ quan trong cơ thể sản sinh ra hormone, giúp kiểm soát việc thích ứng của cơ thể với các thay đổi trong môi trường xung quanh. Ung thư và các liệu pháp điều trị ung thư thường làm thay đổi nồng độ hormone và gây ra các tác dụng phụ có thể kiểm soát được cho cơ thể. Trong điều trị ung thư, việc sử dụng liệu pháp hormone cho một số loại bệnh ung thư có thể giúp kiểm soát hoặc giảm nguy cơ tái phát bằng cách thay đổi nồng độ một vài loại hormone cụ thể trong cơ thể. 

Hệ nội tiết

Hệ nội tiết là hệ thống các tuyến không ống dẫn và các cơ quan trong cơ thể sản sinh ra hormone. 

Các bộ phận chính của hệ nội tiết

Cơ chế hoạt động của nội tiết tố (hormone)

Nội tiết tố (hay còn gọi là hormone) là các chất được tiết ra tự nhiên bởi các tuyến và các cơ quan của hệ nội tiết, được máu đưa đi lưu thông khắp cơ thể. Mỗi tuyến nội tiết sản sinh ra một hoặc nhiều loại hormone khác nhau.

Cơ thể chúng ta có rất nhiều loại hormone, chuyên hoạt động để vận chuyển các tín hiệu hóa học giữa các bộ phận trên cơ thể. Mỗi loại hormone hoạt động trên một tế bào tương thích có thể tiếp nhận và đáp ứng lại các tín hiệu đó.

Các loại hormone mang các nhiệm vụ khác nhau để kiểm soát việc thích ứng của cơ thể chúng ta với những thay đổi trong môi trường xung quanh, bao gồm:

  • sinh trưởng và phát triển
  • hoạt động cơ thể
  • tâm trạng, cảm xúc
  • chức năng tình dục
  • sinh sản

Các tuyến nội tiết sản sinh và giải phóng hormone vào máu. Từ tuyến nội tiết, các hormone sau đó di chuyển đến các tế bào đích và liên kết với một phần của các tế bào đó, bộ phận này được gọi là thụ thể. Sự liên kết giữa hormone và tế bào sẽ kích hoạt các loại phản ứng tế bào khác nhau, tùy theo từng loại hormone. Vùng dưới đồi và tuyến yên nằm trong não bộ kiểm soát toàn bộ hệ nội tiết và mức độ hormone trong cơ thể. 

Vùng dưới đồi

Vùng dưới đồi là khu vực thuộc não bộ chứ không nằm trong hệ nội tiết. Cơ quan này hoạt động cùng tuyến yên để kiểm soát hoạt động của các tuyến khác.

Sơ đồ vùng dưới đồi và tuyến yên

Vùng dưới đồi thông báo về những thay đổi về lượng hormone trong cơ thể. Khi lượng hormone giảm xuống, vùng dưới đồi sẽ báo hiệu cho tuyến yên để tăng lượng hormone và ra lệnh cho các tuyến khác để sản sinh thêm đủ hormone cần thiết cho cơ thể. Một ví dụ là tuyến giáp chỉ tạo ra hormone tuyến giáp khi vùng dưới đồi phát hiện ra mức độ hormone tuyến giáp thấp. Vùng dưới đồi lúc này sẽ yêu cầu tuyến yên tiết ra hormone kích thích tuyến giáp. Hormone này sau đó sẽ kích thích tuyến giáp sản xuất hormone tuyến giáp.

Khi các hormone tuyến giáp đạt mức thích hợp, vùng dưới đồi báo hiệu đến tuyến yên để ngừng sản xuất hormone kích thích. Tuyến giáp sau đó ngừng tiết ra hormone tuyến giáp. Các bác sĩ gọi đây là cơ chế điều hòa ngược và cũng là một trong những cách cơ thể kiểm soát mức độ hormone.

Tuyến yên

Tuyến yên nằm ở đáy não, mang nhiệm vụ sản xuất một số hormone và kiểm soát nhiều chức năng của cơ thể. Các hormone của tuyến yên báo hiệu cho các bộ phận khác của hệ nội tiết khi nào thì sản xuất hoặc ngừng tiết hormone. Bên cạnh đó, tuyến yên còn giám sát:

  • quá trình sinh trưởng qua hormone tăng trưởng
  • quá trình trao đổi chất bằng cách sản xuất các hormone kích thích tuyến giáp
  • nồng độ steroid bằng cách sản xuất hormone tuyến thượng thận
  • việc sản xuất sữa mẹ sau khi sinh bằng prolactin (hormone kích thích bài tiết sữa mẹ)

Tuyến yên cũng kiểm soát việc sản xuất trứng ở phụ nữ và tinh trùng ở nam giới bằng cách tạo ra hormone kích thích nang trứng và hormone tạo hoàng thể. Hai loại hormone này kiểm soát nồng độ estrogen và progesterone ở phụ nữ, và nồng độ testosterone ở nam giới. Hormone kích thích nang trứng và hormone tạo hoàng thể đều lần lượt được kiểm soát bởi vùng dưới đồi.

Tuyến tùng

Tuyến tùng là một tuyến rất nhỏ nằm sâu trong não, có nhiệm vụ sản xuất melatonin giúp kiểm soát chất lượng giấc ngủ của chúng ta.

Tuyến giáp và tuyến cận giáp

Tuyến giáp và tuyến cận giáp nằm ở đáy cổ.

Tuyến giáp

Tuyến giáp sản xuất ra các hormone T3, T4 và calcitonin. 

Các hormone T3 và T4 giúp kiểm soát mức độ hoạt động của cơ thể, hay còn được gọi là chỉ số trao đổi chất. Nếu tuyến giáp không tạo ra đủ các hormone này, cơ thể sẽ tăng cân nhanh, luôn cảm thấy rất mệt mỏi và thiếu năng lượng. Khi này, bạn sẽ được chẩn đoán mắc suy tuyến giáp. 

Ngược lại, khi cơ thể giảm cân nhanh chóng, liên tục có cảm giác thèm ăn cùng các cảm giác lo lắng, căng thẳng, khó thư giãn, thì có thể tuyến giáp của bạn đang sản xuất quá nhiều hormone T3 và T4. Đây là trường hợp tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp).

Calcitonin là hormone kiểm soát lượng canxi trong cơ thể. 

Tuyến cận giáp

Tuyến cận giáp là 4 tuyến rất nhỏ bên cạnh tuyến giáp, có nhiệm vụ sản sinh ra hormone tuyến cận giáp. Hormone tuyến cận giáp hoạt động cùng calcitonin trong tuyến giáp và vitamin D để kiểm soát mức độ canxi trong máu. 

Tuyến thượng thận

Cơ thể chúng ta có 2 tuyến thượng thận, mỗi tuyến nằm ở trên một bên thận.

Các tuyến thượng thận tạo ra một số hormon như cortisol kích thích nồng độ đường trong máu, hay aldosterone giúp điều hòa huyết áp và cân bằng lượng nước và muối trong cơ thể. Các tuyến thượng thận cũng sản xuất một lượng nhỏ hormone nam và nữ, bao gồm estrogen và testosterone.

Hai hormone quan trọng khác được tạo ra ở tuyến thượng thận là adrenaline và noradrenaline – hormone giúp chúng ta phản ứng nhanh khi bị căng thẳng.

Tuyến tụy

Tuyến tụy nằm ở giữa vùng bụng và được bao quanh bởi dạ dày, gan, lá lách, túi mật và ruột non; nằm sau dạ dày sát thành sau của ổ bụng. 

Tuyến tụy dài khoảng 15cm và có hình dạng như một chiếc lá, có nhiệm vụ sản xuất insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Nó cũng tạo ra các hormone khác giúp tiêu hóa, bao gồm glucagon, somatostatin, và polypeptide tuỵ. 

Buồng trứng

Buồng trứng sản xuất 2 hormone nữ quan trọng kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt là estrogen và progesterone.

Estrogen giúp phát triển các đặc tính sinh dục nữ ở tuổi dậy thì, bao gồm sự phát triển của vú, tử cung và âm đạo. Trong khi đó, progesterone là hormone cần thiết trong việc duy trì thai kỳ.

Tinh hoàn

Tinh hoàn sản sinh ra testosterone, loại hormone ảnh hưởng tới các đặc tính ở nam giới như giọng nói trầm hay kích thích mọc râu. Testosterone cũng giúp nam giới kiểm soát các chức năng tình dục. 

Hormone và ung thư

Một số tế bào ung thư có thể sản xuất hormone lưu thông trong cơ thể và gây khó chịu cho cơ thể, được gọi là hội chứng cận ung. Mức độ của từng triệu chứng còn phụ thuộc vào loại hormone được tế bào ung thư trong hệ nội tiết sản xuất ra, ví dụ như một số tế bào ung thư phổi tiết ra các chất hormone có thể gây ra những triệu chứng sau đây: 

  •  Cảm giác bồn chồn, nóng bức trong người
  •  Tê ở ngón tay hay ngón chân
  •  Yếu cơ
  •  Chóng mặt

Hormone và điều trị ung thư 

Điều trị ung thư sử dụng liệu pháp hormone có thể thay đổi lượng nội tiết tố mà cơ thể sản xuất. Liệu pháp này sẽ giảm lượng hormone có ảnh hưởng xấu tới cơ thể bằng cách ngăn chặn sự bài tiết hormone của các tế bào ung thư trong hệ nội tiết, đồng thời cũng làm giảm một số loại hormone khác mà cơ thể tạo ra. Phương pháp điều trị này có thể làm giảm nguy cơ ung thư tái phát sau điều trị hay cũng có thể ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư trong một thời gian.

Hormone giới tính là loại hormone thường bị ảnh hưởng nhất bởi ung thư và các phương pháp điều trị. Nồng độ hormone giới tính thấp trong quá trình điều trị ung thư có thể dẫn đến các tác dụng phụ như bốc hỏa, vã mồ hôi, giảm trí nhớ, gây yếu xương hơn và rối loạn giấc ngủ. Có rất nhiều phương pháp có thể hỗ trợ bạn điều trị các tác dụng phụ này.  

Đôi khi, các phương pháp điều trị ung thư có thể khiến cơ thể bạn thiếu hụt hoàn toàn một loại hormone trong cơ thể. Ví dụ, các bác sĩ có thể phải loại bỏ tuyến giáp, bộ phận sản xuất ra hormone tuyến giáp. Trong trường hợp này, bạn sẽ cần phải sử dụng hormone thay thế trong suốt quãng đời còn lại.

Mời bạn xem thêm:

Ung Thư và Hệ tuần hoàn Máu

Cập nhật ngày 30/03/2020
Nguồn: Hormon system and cancer

Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm

Các bài viết liên quan

Filed Under: Chăm Sóc Thể Chất

DMCA.com Protection Status

Copyright © 2019 Salt Cancer Initiative