• Skip to content

Salt Cancer Initiative

Thư Viện Kiến Thức Ung Thư

  • Kiến Thức Ung Thư
  • Chăm Sóc Cảm Xúc
  • Chăm Sóc Thể Chất
  • Ủng Hộ
Ung Thư và Hệ miễn dịch

SCI Writer /

Ung Thư và Hệ miễn dịch

Chia sẻ bài viết này trên:

  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

Dịch thuật: Hương Trần – Đăng Minh – Anh Khương


(SCI Blog) – Hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể chúng ta chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Tuy nhiên, ung thư và các phương điều trị ung thư đôi khi lại làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cho cơ thể chúng ta càng dễ bị tấn công, nhiễm trùng hay mắc các bệnh truyền nhiễm. Hiện nay, có nhiều liệu pháp điều trị ung thư mới đã có thể kết hợp các cơ chế của hệ miễn dịch đồng thời tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư như sử dụng kháng thể đơn dòng, tiêm vắc-xin hỗ trợ miễn dịch hay cấy tế bào thay đổi gen của bạch cầu. 

Chức năng của hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật và nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Hệ miễn dịch là một tập hợp các phản ứng mà cơ thể tác động lên các tế bào bị hư hỏng hoặc nhiễm trùng. Đôi khi các phản ứng này được còn được gọi là phản ứng miễn dịch.

Hệ miễn dịch rất quan trọng đối với bệnh nhân ung thư do:

  • ung thư có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch
  • các liệu pháp điều trị ung thư có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch
  • hệ miễn dịch chính là hàng rào giúp cơ thể chống lại ung thư

Ung thư và việc điều trị ung thư gây suy yếu hệ miễn dịch

Ung thư có thể làm suy yếu hệ miễn dịch bằng cách lây lan vào tủy xương, nơi tạo ra các tế bào máu giúp chống nhiễm trùng. Hiện tượng này thường xảy ra nhất trong bệnh bạch cầu cấp hay ung thư hạch, tuy nhiên đôi khi nó cũng xảy ra với các bệnh ung thư khác. Bên cạnh việc xâm nhập vào tuỷ, ung thư còn có thể ngăn tủy xương tạo ra các tế bào kháng thể. 

Một số phương pháp điều trị ung thư có thể tạm thời làm suy yếu hệ miễn dịch khi vô tình làm giảm số lượng tế bào bạch cầu được tạo ra trong tuỷ xương. Những phương pháp điều trị ung thư có nhiều khả năng làm suy yếu hệ thống miễn dịch này bao gồm:

  • hóa trị liệu
  • thuốc điều trị ung thư
  • xạ trị
  • steroid liều cao

Hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại ung thư

Một số tế bào trong hệ miễn dịch có thể nhận diện tế bào ung thư là các tế bào bất thường và tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, chỉ dựa hoàn toàn vào các tế bào này để chống lại ung thư vẫn chưa đủ mà chúng ta cần phải kết hợp với một số phương pháp điều trị ung thư mới như liệu pháp miễn dịch. Hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta gồm có 2 phần chính là miễn dịch tự nhiên (bẩm sinh) và miễn dịch thu nhận.

Miễn dịch tự nhiên

Cơ chế miễn dịch tự nhiên (còn được gọi là miễn dịch bẩm sinh) luôn sẵn sàng và thường phản ứng rất nhanh để bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Cơ chế này được tạo nên bởi:

  • da xung quanh cơ thể hình thành một hàng rào bảo vệ
  • lớp lót bên trong của ruột và phổi tạo ra chất nhầy để bẫy vi khuẩn xâm nhập
  • lông chuyển di chuyển chất nhầy và vi khuẩn ra khỏi phổi
  • axit dạ dày giúp giết chết vi khuẩn
  • vi khuẩn có ích phát triển trong ruột ngăn chặn các vi khuẩn có hại xâm nhập
  • nước tiểu đưa vi khuẩn ra khỏi bàng quang và niệu đạo
  • các bạch cầu trung tính có khả năng tìm và tiêu diệt vi khuẩn

Tuy nhiên, cơ chế miễn dịch tự nhiên có thể bị ảnh hưởng do một số tác nhân như:

  • tổn thương da, ví dụ như có đường truyền tĩnh mạch ở tay hay vết thương da sau phẫu thuật
  • vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang qua ống thông bàng quang và gây nhiễm trùng
  • Thuốc kháng acid để trị ợ nóng làm trung hòa axit dạ dày cản trở việc tiêu diệt vi khuẩn

Một số phương pháp điều trị ung thư cũng có thể làm suy yếu các cơ chế bảo vệ này. Hóa trị liệu có thể tạm thời làm tụt giảm số lượng bạch cầu trung tính trong cơ thể, khiến cơ thể chúng ta khó chống lại nhiễm trùng. Xạ trị phổi có thể làm tổn hại lông chuyển và chất nhầy tạo ra các tế bào có khả năng tiêu diệt vi khuẩn.

Bạch cầu trung tính

Các tế bào bạch cầu đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống lại nhiễm trùng cho cơ thể. Khi cơ thể bị nhiễm trùng, các tế bào bạch cầu sẽ di chuyển tới vùng bị tổn thương để tiêu diệt hay nuốt chửng các vi khuẩn xâm nhập, virus hoặc nấm. 

Số lượng bạch cầu trung tính bình thường ở cơ thể sống là từ 2.000 đến 7.500 trên mỗi mm3 máu. Nếu cơ thể bạn không có đủ bạch cầu trung tính, các bác sĩ có thể sẽ chẩn đoán bạn bị suy giảm bạch cầu trung tính.

Hóa trị liệu, thuốc điều trị đích ung thư và một số phương pháp xạ trị có thể làm giảm số lượng bạch cầu trung tính. Do vậy, bạn có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn hoặc nấm sau điều trị. Hãy ghi nhớ những điều này khi điều trị ung thư:

  • nhiễm trùng có thể đe doạ tính mạng khi bạn có số lượng bạch cầu trung tính quá thấp
  • khi bị sốt cao hoặc cảm thấy mệt mỏi hãy gọi cho trung tâm điều trị ung thư hoặc đi tới bệnh viện ngay để được điều trị bằng thuốc kháng sinh (nếu cần)
  • bạn có thể cần dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng nếu các chỉ số máu của bạn quá thấp
  • khả năng bị bệnh từ chính các loại vi khuẩn, virus có hại trong cơ thể chúng ta còn cao hơn là khả năng lây từ những người khác, do vậy bạn không cần tránh tiếp xúc với gia đình và bạn bè sau điều trị.

Bạn có thể liên hệ với bác sĩ điều trị  hoặc điều dưỡng của mình về những biện pháp phòng ngừa chống nhiễm trùng cho cơ thể.

Miễn dịch nhân tạo

Miễn dịch nhân tạo là cơ chế miễn dịch mà cơ thể học được sau khi mắc một số bệnh nhất định. Sau lần mắc bệnh lần đầu tiên, cơ thể chúng ta đã học cách nhận biết loại vi khuẩn, virus hoặc nấm. Vì vậy, khi căn bệnh quay trở lại lần thứ 2, hệ miễn dịch đã sẵn sàng và có thể chống lại căn bệnh một cách dễ dàng hơn. Đây là lý do tại sao chúng ta thường chỉ mắc một số bệnh truyền nhiễm như sởi hay thuỷ đậu chỉ một lần trong đời.

Tiêm phòng vắc-xin cũng có thể kích hoạt cơ chế miễn dịch nhân tạo này. Mỗi loại vắc-xin chứa một lượng nhỏ protein từ một căn bệnh. Lượng protein này không có hại, nhưng đủ để cho phép hệ miễn dịch nhận biết được và tạo ra phản ứng miễn dịch để bảo vệ cơ thể nếu như có bị mắc lại. Cũng có một số loại vắc-xin sử dụng một lượng nhỏ vi khuẩn thay vì sử dụng protein để kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể. Loại vi khuẩn này đã được khống chế, làm yếu đi rất nhiều, thậm chí là đã bị giết chết nên sẽ không thể gây ra nhiễm trùng khi được tiêm vào cơ thể. 

Tế bào T và tế bào B trong bạch cầu lympho

Tế bào lympho là loại tế bào bạch cầu có mặt trong cơ chế miễn dịch nhân tạo, nó bao gồm 2 loại tế bào chính là tế bào lympho B và tế bào lympho T.

Tủy xương tạo ra tất cả các tế bào máu, bao gồm cả tế bào lympho B và T. Giống như các tế bào máu khác, chúng phải trưởng thành hoàn toàn trước khi chúng có thể giúp đáp ứng miễn dịch.

  • Tế bào B: trưởng thành trong tuỷ xương, phản ứng chống lại vi khuẩn hoặc virus xâm nhập bằng cách tạo ra các protein kháng thể. Các kháng thể đánh dấu và tiêu diệt các mầm bệnh khác nhau bằng cách bám trên bề mặt của vi khuẩn hoặc virus xâm nhập, giúp cơ thể nhận biết được vi khuẩn hoặc virus này nguy hiểm cho cơ thể. Kháng thể cũng có thể phát hiện và tiêu diệt các tế bào bị hư hại. Tế bào B chính là một phần của bộ nhớ hệ miễn dịch, tạo ra các loại kháng thể phù hợp cho loại vi trùng xâm nhập để giúp quá trình miễn dịch xảy ra nhanh chóng và hiệu quả trong những lần bị nhiễm sau đó.
  • Tế bào T: trưởng thành trong tuyến ức, được chia thành nhiều loại gồm tế bào T hỗ trợ và tế bào T tiêu diệt. Các tế bào T hỗ trợ tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập và ngăn cản vi trùng sinh sản và lây nhiễm trong các tế bào. 

Điều trị ung thư sử dụng hệ miễn dịch

Một số phương pháp điều trị ung thư mới sử dụng các yếu tố của hệ miễn dịch.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch được sử dụng để điều trị cho một số loại ung thư, ví dụ như ung thư hắc tố tiến triển. Liệu pháp này sử dụng các thành phần có trong cơ thể tự nhiên, hoặc thuốc được làm từ các chất tự nhiên có trong cơ thể, để điều trị ung thư.

Liệu pháp miễn dịch rất hữu ích trong điều trị ung thư vì các tế bào ung thư tương đối khác với các tế bào bình thường, và một hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn có thể phân biệt được và tiêu diệt các tế bào bất thường một cách hiệu quả hơn.

Các nhà khoa học có thể chế tạo ra các loại chất khác nhau kích thích phản ứng miễn dịch, nên cũng có nhiều liệu pháp miễn dịch khác nhau được thực hiện như:

  • kháng thể đơn dòng (MABs) có khả năng nhận biết và tấn công một số protein trên bề mặt tế bào ung thư
  • vắc-xin hỗ trợ hệ miễn dịch nhận biết và tấn công ung thư
  • cytokine giúp tăng cường hệ thống miễn dịch
  • cấy tế bào để thay đổi gen trong các tế bào bạch cầu

Cập nhật ngày 30/03/2020
Nguồn: The lymphatic system and cancer

Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm

Các bài viết liên quan

Filed Under: Featured-KTUT, Hiểu Về Ung Thư, Kiến Thức Ung Thư Tagged With: Kiến Thức Ung Thư

DMCA.com Protection Status

Copyright © 2019 Salt Cancer Initiative