Dịch thuật: Phương Đông, Bá Tùng, Anh Khương
(SCI Blog) – Ung thư và các phương pháp điều trị ung thư có thể gây ra các vấn đề về miệng chẳng hạn như đau và loét miệng, khô miệng, thay đổi vị giác, các vấn đề về răng, cứng hàm, hôi miêng, tăng tiết nước bọt… Dưới đây là nguyên nhân và cách điều trị các vấn đề này.
Ung thư và các phương pháp điều trị ung thư (ví dụ hóa trị) có thể gây ra các vấn đề về miệng. Dưới đây là nguyên nhân và cách điều trị chúng.
Tìm hiểu về các vấn đề miệng
Ung thư và phương pháp điều trị có thể dẫn đến các vấn đề về miệng.
Các vấn đề về miệng do các phương pháp điều trị ung thư thường sẽ biến mất sau một hoặc vài tuần kết thúc điều trị. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ có thể kéo dài lâu hơn.
Khả năng gặp phải các vấn đề này phụ thuộc vào vị trí của ung thư và phương pháp điều trị. Một số người gặp vấn đề về miệng trong hoặc sau quá trình thực hiện hóa trị, liệu pháp miễn dịch. Các vấn đề này sẽ phổ biến hơn nếu thực hiện hóa trị liệu liều cao và ghép tế bào gốc.
Hầu hết các trường hợp xạ trị vùng đầu và cổ sẽ gặp phải các vấn đề về miệng.
Những vấn đề này thường ở mức độ nhẹ nhưng đôi khi chúng có thể trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến các sinh hoạt hằng ngày. Chúng có thể gây khó khăn cho việc ăn, nói và nuốt. Cảm giác ngon miệng sẽ biến mất nếu chúng ta không thể ăn một cách thoải mái và điều này có thể làm cân nặng giảm sút.
Mời bạn xem thêm:
Mời bạn nhấp vào các nội dung dưới đây để tìm hiểu chi tiết hơn:
Các vấn đề về miệng phổ biến
Đau và loét miệng
Hóa trị, xạ trị và các loại thuốc điều trị ung thư trúng đích hoạt động bằng cách tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng phát triển.
Tuy nhiên, chúng có thể ảnh hưởng đến một số tế bào khỏe mạnh, đặc biệt là các tế bào lót miệng vì chúng rất nhạy cảm với tác động của các phương pháp điều trị ung thư.
Một số phương pháp điều trị có thể làm cho niêm mạc miệng bị viêm và đau (viêm niêm mạc).

Một số loại thuốc cũng có thể gây loét miệng. Đây là những vết loét nhỏ nhưng đôi khi rất đau ở các mô ẩm bên trong miệng.
(Ảnh: Sưu tầm)
Bạn cũng có thể bị loét miệng nếu bạn kiệt sức hoặc ăn uống không đúng cách.
Ngăn ngừa loét miệng
Các bác sĩ có thể áp dụng một số cách khác nhau để ngăn chặn loét miệng và nhiễm trùng phát triển sau khi hóa trị và xạ trị. Có một bài tổng quan của Cochrane cho thấy một số cách có thể giúp ngăn ngừa và giảm mức độ nghiêm trọng của loét miệng do điều trị ung thư.
Chúng bao gồm:
- Sử dụng bột nhão kháng sinh hoặc pastilles.
- Mút đá trước hoặc trong khi điều trị hóa trị.
Bạn có thể tìm hiểu thêm bài viết này trên thư viện của Cochrane về việc giúp ngăn ngừa loét miệng. Các bài viết phục vụ cho các nhà nghiên cứu và chuyên gia và được viết bằng tiếng Anh, do đó có thể gây khó khăn cho bạn trong việc tìm hiểu.
Khô miệng
Xerostomia (phát âm là xero-sờ-tô-mi-a) là hiện tượng khô miệng. Miệng cũng có thể bị đau.
Nguyên nhân gây khô miệng bao gồm:
Xạ trị vùng đầu và cổ
Xạ trị vào vùng đầu và cổ có thể ảnh hưởng đến tuyến nước bọt và gây khô miệng.
Tình trạng này có thể dần cải thiện sau điều trị vài tháng. Nhưng đôi khi nó có thể là vĩnh viễn. Một số cách có thể hỗ trợ khi miệng khô nhưng không hoàn toàn hiệu quả.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây khô miệng, bao gồm các loại thuốc giảm đau như morphin, thuốc dùng để điều trị cao huyết áp, một số loại thuốc trị trầm cảm (thuốc chống trầm cảm) và một số loại thuốc chống buồn nôn.
Thở qua đường miệng
Miệng của bạn có thể bị khô và đau nếu bạn thở bằng miệng hoặc khó thở. Thở oxy qua mặt nạ có thể làm miệng bạn rất khô.
Mời bạn xem thêm:
Những lý do khiến bạn khó thở bao gồm:
- Ung thư phổi.
- Một loại ung thư khác đã lan đến phổi của bạn.
- Một tình trạng phổi như khí phế thũng hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
- Tràn dịch màng phổi.
Không ăn, uống đầy đủ
Không ăn, uống là một trong những nguyên nhân chính gây khô, đau miệng ở những người bị ung thư di căn.
Khả năng bạn bị khô miệng sẽ cao hơn nếu không uống đủ và khó thở. Môi của bạn có thể trở nên khô và nứt nẻ. Miệng của bạn có thể trở nên khô đến mức lớp biểu mô lót bên trong bị nứt, điều này gây cảm giác rất đau.
Cách tốt nhất để tránh điều này là chăm sóc miệng thường xuyên. Khi bệnh nhân bệnh nặng và lúc nào cũng ngủ hoặc nửa tỉnh nửa mê, họ cần được làm sạch miệng và làm ẩm ít nhất mỗi 2 giờ.
Mất nước
Mất nước là tình trạng cơ thể thiếu chất lỏng. Da, mũi và miệng sẽ rất khô khi cơ thể mất nước.
Cơ thể bị mất nước nếu không bổ sung đầy đủ chất lỏng. Hoặc mất quá nhiều chất lỏng vì bị bệnh (nôn mửa), tiêu chảy nặng hoặc đi tiểu nhiều.
Nôn nhiều có thể gây mất nước, vì vậy làm cho miệng trở nên rất khô. Axit dạ dày trong chất nôn có thể ảnh hưởng đến răng và làm cho miệng bạn cảm thấy khô và khó chịu.
Mất nước có thể nguy hiểm vì ảnh hưởng đến cân bằng hóa học của cơ thể.
Hãy thông báo với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị nôn mửa hoặc tiêu chảy nghiêm trọng trong hơn 48 giờ. Nếu dùng thuốc để giúp giảm chất lỏng (thuốc lợi tiểu), chúng có thể hoạt động quá tốt khiến cơ thể bị mất nước. Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc y tá nếu bạn lo lắng điều này có thể xảy ra.
Mời bạn xem thêm:
Thay đổi vị giác
Xạ trị và một số loại thuốc điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến vị giác.
Bạn có thể nhận thấy những thay đổi trong vị giác. Một số người nói rằng thực phẩm của họ có vị kim loại, vị đắng hoặc mặn. Những người khác nói rằng tất cả các loại thực phẩm có hương vị giống nhau.
Với hóa trị liệu hoặc thuốc trị ung thư trúng đích, thay đổi vị giác chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định.
Một số loại thuốc điều trị ung thư trúng đích như interferon và interleukin 2 có thể làm thay đổi khẩu vị. Nhưng đây không phải là một tác dụng phụ được công nhận.
Với xạ trị vùng đầu và cổ, những tác dụng phụ này có thể kéo dài lâu hơn và đôi khi là vĩnh viễn. Trước khi bắt đầu điều trị, hãy hỏi bác sĩ nếu điều đó làm ảnh hưởng đến khẩu vị của bạn.
Các vấn đề về răng
Xạ trị miệng có thể dẫn đến sâu răng.
Đôi khi cần phải nhổ răng trước khi điều trị, đặc biệt là những chiếc răng yếu. Vì vậy, chuyên gia xạ trị của bạn có thể sắp xếp một cuộc hẹn với bác sĩ nha khoa trước khi bạn điều trị ung thư.
Răng giả có thể sẽ hơi khó chịu nếu miệng bạn bị đau. Hãy hỏi nha sĩ để được tư vấn. Loại bỏ răng giả trong thời gian dài không phải là một ý tưởng tốt. Điều này có thể làm cho nướu thay đổi hình dạng làm răng giả của bạn không còn phù hợp.
Cứng hàm
Các cơ trên khuôn mặt của bạn giúp hàm di chuyển. Những cơ này có thể bị cứng trong quá trình xạ trị hoặc phẫu thuật vùng đầu hoặc cổ.
Hôi miệng
Hôi miệng còn được gọi là chứng hôi miệng. Hầu hết mọi người đều bị hôi miệng vào một số thời điểm nào đó. Nhưng ung thư và các phương pháp điều trị có thể làm cho nó trở nên tồi tệ hơn.

Hôi miệng có thể do:
- Ung thư vùng miệng, ung thư thanh quản, ung thư thực quản hoặc ung thư dạ dày
- Khô miệng
- Răng giả không được làm sạch
- Thức ăn bị mắc kẹt trong miệng và răng
- Nhịn ăn trong thời gian dài
- Nhiễm trùng mũi và xoang mũi
- Bệnh nướu răng
- Hút thuốc
- Nhiễm trùng phổi (hiếm gặp)
- Suy thận (hiếm gặp)
- Suy gan (hiếm gặp)
Khó nuốt
Ung thư miệng hoặc cổ họng có thể gây ra vấn đề với việc nuốt. Quá trình điều trị đôi khi có thể làm cho mọi thứ tồi tệ hơn trong một thời gian.
Một số người cần đưa thức ăn qua ống thông trong quá trình xạ trị ung thư thực quản hoặc ung thư đầu và cổ. Nguyên nhân là do cổ họng bị sưng nặng hơn trước khi hồi phục.
Nhiều người cũng sử dụng ống truyền thức ăn sau phẫu thuật ung thư hộp giọng (thanh quản). Cần phải chăm sóc miệng thường xuyên ít nhất 2 giờ một lần nếu không thể nuốt.
Nhiễm trùng khoang miệng
Ung thư có thể dẫn đến nhiễm trùng khoang miệng vì nhiều lý do.
Đôi khi hóa trị hoặc thuốc trị ung thư trúng đích có thể khiến miệng bị loét dẫn đến nhiễm trùng.
Ngoài ra, những người bị ung thư di căn hoặc đang trong tình trạng kiệt sức thường bị nhiễm trùng miệng gọi là bệnh tưa miệng. Bệnh này làm xuất hiện các mảng trắng trong miệng. Vùng da bên dưới có thể rất đỏ và đau.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Khi bị nhiễm trùng miệng, hãy tiếp tục chăm sóc miệng thường xuyên. Sử dụng tất cả các loại thuốc mà bác sĩ đã cho bạn, chẳng hạn như nước súc miệng và các viên ngậm.
Thuốc chống nấm có thể giúp ngăn ngừa bệnh tưa miệng. Một đánh giá về điều trị cho thấy các loại thuốc chống nấm mà cơ thể hấp thụ qua đường ruột như miconazole và fluconazole giúp ích nhiều. Bên cạnh đó cũng còn nhiều loại thuốc khác cũng có hiệu quả.
Bạn có thể đọc một bài viết của Thư viện Cochrane về phòng chống bệnh tưa miệng. Nó được viết cho các nhà nghiên cứu và chuyên gia, vì vậy bạn có thể cảm thấy hơi khó hiểu.
Tăng tiết nước bọt
Hiện tượng này được gọi là tiết nước bọt quá mức và đây không phải là một vấn đề rất phổ biến. Nhưng nó có thể làm cơ thể không thoải mái và một số người cảm thấy xấu hổ.
Nguyên nhân có thể bao gồm:
- Đau miệng
- Tác dụng phụ của thuốc
- Ung thư miệng
- Phẫu thuật cắt bỏ xương hàm
- Khó nuốt
- Thay đổi tuyến nước bọt sau xạ trị
Tăng tiết nước bọt sẽ còn khó chịu hơn nữa nếu bạn gặp khó khăn khi nuốt. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một nhà trị liệu ngôn ngữ nếu bạn gặp khó khăn khi nuốt.
Bác sĩ cũng có thể xem xét lại các loại thuốc bạn đang dùng. Họ có thể kê đơn thuốc để giảm lượng nước bọt tạo ra.
Tổn thương xương hàm
Tổn thương xương hàm do phương pháp điều trị ung thư được gọi là hoại tử xương. Đây là một tình trạng hiếm gặp. Nguyên nhân chính xác của hoại tử xương vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên, nó có thể xảy ra khi bạn có các phương pháp điều trị sau:
- Sử dụng thuốc chống loãng xương bisphosphonate, denosumab.
- Xạ trị vùng đầu và cổ.
Các phương pháp điều trị ung thư khác cũng có thể gây tổn thương cho xương hàm. Bác sĩ sẽ khuyên bạn đến gặp nha sĩ trước khi bắt đầu điều trị nếu việc điều trị ung thư của bạn có thể gây tổn thương xương hàm.
Cập nhật ngày 10/05/2020
Tham khảo nguồn: Types and causes of mouth problems
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm