Dịch thuật: Hoàng Trọng Tuấn, Hương Trần, Phạm Trường Đăng Minh
(SCI Blog) – Bạn – một bệnh nhân ung thư, đã điều trị được một thời gian và dường như căn bệnh này vẫn chưa buông tha cho bạn. Hẳn điều này sẽ là một cơn ác mộng với nhiều người nhưng mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó.

Đôi khi ung thư có thể quay trở lại - Vì sao?
Ung thư tái phát có thể vì phương pháp điều trị ban đầu không loại bỏ được tất cả các tế bào ung thư và những tế bào ung thư còn lại sau đợt điều trị lại phát triển tạo thành khối u mới. Một khả năng khác là tế bào ung thư đã lan ra những bộ phận khác trong cơ thể và bắt đầu “đóng đô” ở đó, hình thành một khối u.
Ung thư tái phát sau phẫu thuật (hậu phẫu)
Trường hợp ung thư tái phát sau phẫu thuật:
- Một vài tế bào ung thư vẫn còn sót lại trong quá trình phẫu thuật
- Một vài tế bào ung thư đã “vượt biên” khỏi nơi “đóng đô” ban đầu và quá nhỏ để bị phát hiện (vi di căn)
Các bác sĩ phẫu thuật luôn cố gắng loại bỏ tối đa các tế bào ung thư có thể, tuy nhiên luôn có xác suất mà một nhóm nhỏ tế bào ung thư vẫn còn sót lại. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đề nghị điều trị tăng cường nếu họ cảm thấy khả năng tái phát cao.
Phương pháp điều trị tăng cường có thể là hóa trị, xạ trị, liệu pháp hormone hoặc liệu pháp điều trị nhắm đích bằng thuốc. Mục đích chung của những phương pháp này là kiểm soát hoặc tiêu diệt hoàn toàn những tế bào ung thư còn sót lại.
Mời bạn xem thêm
Sau điều trị ung thư bằng thuốc hoặc xạ trị
Đôi khi ung thư tái phát sau đợt điều trị bằng thuốc hay xạ trị do những phương pháp này chưa thể tiêu diệt được hết các tế bào ung thư.
Hóa trị liệu tiêu diệt ung thư bằng cách tấn công những tế bào ung thư đang trong quá trình phân đôi, tuy nhiên không phải tế bào nào cũng phân chia cùng một lúc. Tương tự với các tế bào bình thường, tế bào ung thư sẽ tạm ngừng hoạt động giữa các lần phân đôi, nhưng khoảng thời gian chúng nghỉ ngơi cũng không nhiều.

Tuy nhiên, cũng không hẳn là đợt hóa trị nào cũng đem đến hiệu quả tuyệt đối. Các bác sĩ sẽ cố gắng giảm tối đa số lượng tế bào ung thư. Các tế bào còn lại sẽ bị tiêu diệt bởi hệ thống phòng thủ của cơ thể (hệ miễn dịch) hoặc có thể chết đi một cách tự nhiên.
Xạ trị tạo ra những vết đứt gãy nhỏ trong ADN của các tế bào. Những vết đứt gãy này ngăn chặn sự sinh trưởng của tế bào ung thư và huỷ diệt chúng. Khi xạ trị, những tế bào bình thường quanh khối ung thư cũng bị tổn hại nhưng thường sẽ hồi phục và trở lại hoạt động bình thường.

Thuốc điều trị nhắm đích có mục tiêu là những điểm khác biệt giúp tế bào ung thư tồn tại và phát triển, một số phương pháp có hiệu quả tuyệt đối trong khi một số khác làm co cụm lại những tế bào ung thư và kiểm soát chúng trong một khoảng thời gian từ vài tháng đến vài năm. Vì vậy sẽ có lúc tưởng chừng như ung thư đã biến mất và chẳng xuất hiện trên bất cứ đợt tầm soát hay xét nghiệm máu nào, nhưng có thể có một nhóm nhỏ nào đó vẫn tồn tại trong cơ thể. Khi những đợt điều trị dừng lại, chúng có thể bắt đầu phát triển trở lại.

Tính kháng trị của ung thư
Đôi khi sẽ xảy ra hiện tượng “nhờn” thuốc điều trị ung thư. Những tế bào bình thường sẽ trải qua quá trình biến đổi hoặc đột biến và trở thành ung thư. Những đột biến này xảy ra trong hệ gen của tế bào. Thay đổi về gen khiến tế bào ung thư có biểu hiện khác so với tế bào bình thường; những tế bào ung thư lúc này tiếp tục đột biến và càng trở nên bất thường.
Một vài đột biến có thể khiến tế bào ung thư kháng thuốc ung thư (hóa trị liệu, liệu pháp điều trị đích hoặc liệu pháp hormone). Nếu điều này xảy ra, bạn có thể phải điều trị theo một hướng khác. Tuy nhiên cũng có những lúc ung thư lại cùng lúc kháng lại rất nhiều loại thuốc và điều này được gọi là đa kháng thuốc.
Các nhà khoa học đã tìm thấy một nhóm đột biến gen được nghi vấn là có thể gây kháng thuốc. Đột biến này có nghĩa là các tế bào ung thư có thể loại trừ thuốc. Các tế bào kháng thuốc luôn chứa một lượng lớn p-glycoprotein — một loại protein hoạt động như những máy hút độc tố bảo vệ tế bào được tìm thấy trong thành tế bào. Các tế bào có nồng độ p-glycoprotein cao thường có nhiều khả năng kháng thuốc trị ung thư.
Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu phân tích tình trạng kháng thuốc từ lúc bắt đầu sử dụng thuốc để điều trị ung thư. Để thuốc điều trị ung thư hiệu quả hơn, chúng ta cần tìm cách khắc phục tình trạng kháng thuốc.
Chữa khỏi hoàn toàn hay điều trị thuyên giảm
Ngày nay, nhiều loại ung thư đã có thể được chữa khỏi hoàn toàn, tuy một vài loại khác có thể trở lại sau vài năm điều trị. Vì vậy, thật dễ hiểu khi bác sĩ của bạn thường không thông báo bạn đã được “chữa khỏi”, mặc dù cơ thể bạn không còn dấu hiệu nào của ung thư. Họ thường nói rằng ung thư đang tạm thời lui bệnh, tương đương với việc không thấy bất kỳ tế bào ung thư nào đang hoạt động trong cơ thể bạn nữa. Nếu vẫn sót một ít tế bào ung thư nào đó, đó có thể là do:
- Các tế bào quá nhỏ hoặc quá ít để phát hiện
- Các tế bào ít đến nỗi không thể gây ra bất cứ triệu chứng nào
- Chúng đang trong trạng thái bất hoạt và không phát triển
Các bác sĩ không thể khẳng định bệnh ung thư đã khỏi hoàn toàn sau đợt điều trị. Vì vậy, họ có thể sẽ khuyên bạn sử dụng một vài phương pháp điều trị bổ trợ dài hạn, ví dụ như liệu pháp hormone hay liệu pháp điều trị đích.
Điều trị bổ trợ cũng có thể là một chu kỳ hóa trị hoặc xạ trị sau phẫu thuật. Mục đích của loại điều trị này là ngăn ngừa ung thư tái phát.
Đối diện với sự vô thường của cuộc sống
Mặc dù được thông báo là chắc chắn 95% ung thư trong người bạn đã được loại bỏ, đôi lúc bạn vẫn sẽ thấy buồn vì việc lành bệnh là không hề chắc chắn, và bạn phải đối diện với nỗi sợ hãi hằng ngày rằng bệnh ung thư có thể tái phát.
Nhiều người cảm thấy bản thân chẳng thể thoát khỏi những suy nghĩ đó kể cả sau khi đợt điều trị kết thúc. Đôi lúc bạn còn thấy khủng hoảng vì những dự định trong tương lai, cũng có thể là sự chán nản hay suy sụp.
Với những người đang trong tình huống này, mỗi ngày khỏe mạnh trôi qua tương đương với nguy cơ bệnh tái phát của bạn giảm thấp hơn. Hầu hết các ung thư tái phát thường xảy ra trong khoảng 2 năm đầu sau điều trị. Sau mốc 5 năm, khả năng ung thư tái phát càng thấp hơn. Đối với một số loại ung thư, sau cột mốc 10 năm, các bác sĩ sẽ tuyên bố bệnh của bạn đã được chữa khỏi.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ung thư tái phát sau nhiều năm kể từ ngày bệnh được chẩn đoán. Nhiều người cảm thấy bất lực khi đối mặt với sự thật này, và dưới đây là một số điều bạn có thể làm.
Tiếp nhận sự hỗ trợ
Đôi khi bạn sẽ thấy hữu ích lắng nghe những người có hoàn cảnh tương tự nếu bạn chưa thể đối diện với sự thật rằng bạn mắc bệnh ung thư. Hay bạn cũng có thể trao đổi với những người có chuyên môn. Điều này có thể giúp bạn tìm cách chống lại nỗi sợ và sự lo âu.
Bạn có thể kết nối với những chuyên gia tâm lý bằng cách liên lạc với tổ chức có chuyên môn.
Bạn cũng có thể xem những bài viết về kiểm soát cảm xúc trước ung thư sẽ được đăng tải sớm tại Thư viện Kiến thức Ung thư Việt Nam của SCI
Bạn cũng có thể tìm hiểu và chia sẻ những kinh nghiệm cùng các chiến binh khác trên các diễn đàn hỗ trợ bệnh nhân ung thư Việt Nam như SCI Support Group.
Cập nhật 18/03/2019
Nguồn tham khảo: Why some cancers come back
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm