• Skip to content

Salt Cancer Initiative

Thư Viện Kiến Thức Ung Thư

  • Kiến Thức Ung Thư
  • Chăm Sóc Cảm Xúc
  • Chăm Sóc Thể Chất
  • Ủng Hộ

SCI Writer /

Ung Thư Sinh Trưởng Như Thế Nào?

Chia sẻ bài viết này trên:

  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

Dịch thuật: Quách Phương Đông, Minh Phạm, Hương Trần


Nhận biết khối u lành tính và ác tính

Khối u (hay còn được gọi là cục bướu) có thể là lành tính hoặc ác tính. Trong đó, u lành không phải là ung thư.

Khối u lành tính

  • Thường phát triển chậm
  • Không di căn sang các bộ phận khác của cơ thể
  • Thường có một lớp vỏ được tạo thành từ các tế bào bình thường

Các khối u lành tính thường được tạo thành từ những tế bào tương tự như các tế bào bình thường. Tuy nhiên, bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị nếu khối u này:

  • Tăng kích cỡ nhanh chóng
  • Khiến cơ thể bạn khó chịu hoặc đau đớn
  • Có thể nhìn thấy bằng mắt thường và có hình dạng bất thường
  • Chèn lên các cơ quan khác
  • Choán chỗ nội sọ (như một khối u não)
  • Giải phóng các hormone ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể

Khối u ác tính

Khối u ác tính được tạo thành từ các tế bào ung thư, đặc điểm của chúng như sau:

  • Thường phát triển nhanh hơn các khối u lành tính
  • Xâm chiếm và gây tổn thương các mô lân cận
  • Có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể qua đường máu hoặc hệ thống bạch huyết để tạo thành các khối u thứ phát. Quá trình này được gọi là sự di căn.

Ung thư sinh trưởng như thế nào?

Đầu tiên, các tế bào ung thư nằm khu trú trong mô cơ thể mà chúng bắt nguồn – ví dụ như lớp lót của bàng quang hoặc ống dẫn vú. Các bác sĩ gọi đây là sự phát triển ung thư bề mặt hoặc ung thư biểu mô tại chỗ (tiền ung thư).

Các tế bào ung thư sinh trưởng và phân chia thành nhiều tế bào cho tới khi một khối u hình thành. Những khối u ác tính này có thể bao gồm tới hàng triệu tế bào ung thư.

Tất cả các mô trong cơ thể đều có một lớp (một màng) để giữ các tế bào bên trong mô. Đây được gọi là màng nền. Các tế bào ung thư có thể phá bỏ lớp màng này và khi đó, ung thư được gọi là xâm lấn.

Nguồn máu cung cấp tới ung thư

Khi khối u ngày càng phát triển, khoảng cách giữa trung tâm của khối u và các mạch máu xung quanh khu vực chúng phát triển trở nên càng lớn. Do vậy, vùng trung tâm của khối u ngày càng thiếu oxy và chất dinh dưỡng.

ung thu ton tai va phat trien trong co the

Cũng như các tế bào khỏe mạnh, các tế bào ung thư không thể sống nếu thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Vì vậy, chúng sẽ gửi các tín hiệu, được gọi là các yếu tố tạo mạch, thúc đẩy các mạch máu mới phát triển quanh khối u. Quá trình này được gọi là sự tạo mạch. Nếu không được cung cấp đủ máu, khối u không thể phát triển lớn hơn đầu cây kim.

Khi tế bào ung thư đã kích thích được sự phát triển của mạch máu, khối u càng phát triển lớn hơn và nhanh chóng hơn. Khi đó, tế bào ung thư lại tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của hàng trăm mạch máu nhỏ mới (mao mạch) để mang về thêm nhiều chất dinh dưỡng và oxy.

Đoạn phim cho thấy làm thế nào tế bào ung thư nhận cung cấp máu.

Các nghiên cứu về sự phát triển mạch máu (sự tạo mạch)

Hiện nay khá nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu về quá trình tạo mạch. Các nghiên cứu tại thời điểm này đã phát hiện được có nhiều yếu tố tạo mạch ở các lớp vỏ của các khối ung thư.

Cũng có một số loại thuốc ung thư có khả năng ngăn chặn sự hình thành mạch máu mới, thường được các bác sĩ gọi là thuốc ức chế sự hình thành mạch máu. Những thuốc này thường không thể ngăn chặn hoàn toàn ung thư, nhưng lại có khả năng làm các khối u co lại hoặc ngừng sinh trưởng trong một số trường hợp. Hiện nay, các loại thuốc ức chế sự hình thành mạch máu đang liên tục được nghiên cứu và thử nghiệm.

Ung thư xâm lấn các mô lân cận

Khi một khối u trở nên càng lớn, nó càng choán nhiều chỗ hơn trong cơ thể. Khi đó, khối u có thể chèn ép lên các cấu trúc xung quanh hay xâm lấn các thành phần lân cận. Cách thức để khối u xâm lấn đến các mô cơ quan kế cận hiện vẫn chưa được giải thích rõ ràng.

Tế bào ung thư có thể di chuyển theo hướng ngẫu nhiên từ nơi nó khởi phát. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng các khối u ác tính thường ưu ái một số mô cơ quan hơn các vị trí khác. Ví dụ, các thành mạch máu chắc khỏe cùng các mô dày đặc bên trong mô sụn sẽ gây nhiều khó khăn cho khối ung thư di chuyển vào và xâm lấn. Do vậy, các khối u thường chọn “các con đường có ít trở ngại nhất”. Điều này có nghĩa là chúng sẽ chọn những vị trí dễ xâm nhập hơn trong cơ thể và xâm lấn vào bằng những con đường dễ dàng.

Nghiên cứu đã phát hiện 3 cách khác nhau để khối u có thể xâm lấn sang các mô lân cận. Đôi khi, khối u có thể sử dụng cả 3 cách này để sinh trưởng, tuỳ theo loại ung thư và vị trí hiện tại của nó trong cơ thể.

3 cách sau đây giải thích cách ung thư sinh trưởng trong các mô lân cận.

1. Chèn ép các khu vực lân cận

Khi khối u phát triển và choán nhiều chỗ hơn, nó sẽ bắt đầu chèn lên các mô cơ thể bình thường quanh đó. Sự phát triển khối u sẽ khiến các tế bào ung thư len lỏi vào các mô bình thường, như hình minh hoạ dưới đây.

te bao ung thu phat trien va chen ep cac te bao lan can

Khối u phát triển thành hình dạng giống như một ngón tay vì để chúng có thể luồn lách dễ dàng hơn trong cơ thể. Ví dụ, các tế bào ung thư có thể len lỏi giữa những đơn vị mô cơ thay vì phải phát triển trực tiếp trong cơ.

Khi ung thư sinh trưởng, nó sẽ chèn ép và gây tắc nghẽn các mạch máu nhỏ xung quanh. Do nồng độ oxy trong máu thấp, một số mô bình thường sẽ bắt đầu chết. Điều này càng trở nên thuận lợi hơn cho ung thư để tiếp tục xâm lấn.

2. Sử dụng enzyme

Một số tế bào bình thường có khả năng tạo ra các enzyme nhằm phá vỡ các tế bào và mô khác. Các tế bào này sử dụng enzyme để tấn công khi vi khuẩn và virus xâm nhập. Các enzyme này cũng được dùng để chữa lành các khu vực tổn thương trong cơ thể. Đây là một phần của quá trình sửa chữa tự nhiên của các tế bào.

Nhiều loại ung thư có thể chứa một lượng enzyme quá lớn. Những ung thư khác lại chứa quá nhiều tế bào bạch cầu- tế bào mà nhờ đó enzyme được sinh ra. Đây là một phần của phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với bệnh ung thư. Các nhà nghiên cứu chưa khẳng định được các enzyme này đến từ đâu, nhưng có khả năng các enzyme này đã tạo điều kiện cho ung thư sinh trưởng và tiếp tục xâm lấn sang các khu vực khoẻ mạnh.

Khi ung thư xâm lấn và phá vỡ các mô bình thường, nó có thể gây chảy máu do tổn thương các mạch máu gần đó.

3. Di căn sang các mô khác

Một trong những đặc điểm mà tế bào ung thư khác tế bào bình thường là chúng có khả năng di chuyển dễ dàng hơn. Vì vậy, có vẻ như một trong những cách mà ung thư lây lan qua các mô gần đó là do các tế bào ung thư xâm lấn trực tiếp.

Các nhà khoa học đã phát hiện một chất được tạo ra bởi các tế bào ung thư nhằm kích thích quá trình di căn của chúng. Hiện vẫn chưa có thông tin chính xác về loại chất này, nhưng khả năng cao rằng chúng đóng vai trò quan trọng trong sự xâm lấn và di cư của ung thư.

Nghiên cứu này rất đáng chú ý bởi nếu phát hiện được chất giúp các tế bào ung thư di căn, thì các nhà nghiên cứu có thể tìm ra phương cách nhằm ức chế hoạt động của chúng. Và việc ngăn chặn các tế bào ung thư tiết ra các chất như vậy cũng sẽ là điều trong tầm tay.

Các nhà nghiên cứu cũng đang cố gắng hiểu làm thế nào các tế bào ung thư có thể thay đổi hình dạng khi chúng di chuyển và lan sang các bộ phận khác của cơ thể.


Cập nhật 22/06/2019
Tham khảo
How cancers grow

Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm

Các bài viết liên quan

Filed Under: Hiểu Về Ung Thư, Kiến Thức Ung Thư Tagged With: Hiểu Về Ung Thư, Kiến Thức Ung Thư

DMCA.com Protection Status

Copyright © 2019 Salt Cancer Initiative