• Skip to content

Salt Cancer Initiative

Thư Viện Kiến Thức Ung Thư

  • Kiến Thức Ung Thư
  • Chăm Sóc Cảm Xúc
  • Chăm Sóc Thể Chất
  • Ủng Hộ
Tôi có nguy cơ bị cháy nắng không?

SCI Writer /

Tôi có nguy cơ bị cháy nắng không?

Chia sẻ bài viết này trên:

  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

Dịch thuật: Trọng Tuấn, Trần Anh Thư


(SCI Blog) – Nguy cơ bị cháy nắng phụ thuộc vào độ nhạy cảm với ánh sáng mặt trời của da và cường độ tia cực tím (UV) mà bạn tiếp xúc. Hãy chú ý bảo vệ làn da bằng cách đi dưới bóng râm, che chắn bằng áo quần, nón, kính râm và bôi kem chống nắng, đặc biệt với những ai nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Những công cụ như chỉ số tia cực tím (UV index) và nguyên tắc bóng (shadow rule) có thể giúp bạn biết được lúc nào cường độ tia cực tím lên cao – thời điểm làn da phải đối diện với nguy cơ cháy nắng. Làn da sẫm màu tự nhiên có thể có ít nguy cơ cháy nắng hơn làn da sáng màu và điều này không đồng nghĩa với nguy cơ ung thư da thấp hơn.

  • Nguy cơ bị cháy nắng phụ thuộc vào độ nhạy cảm với ánh sáng mặt trời của da và cường độ tia cực tím (UV) mà bạn tiếp xúc.
  • Những công cụ như chỉ số tia cực tím (UV index) và nguyên tắc bóng (shadow rule) có thể giúp bạn biết được lúc nào cường độ tia cực tím lên cao và thời điểm làn da phải đối diện với nguy cơ cháy nắng cao.

Cháy nắng không chỉ xảy ra trong ngày nghỉ hay những nơi tràn ngập ánh sáng mặt trời. Ở Vương quốc Anh, ánh sáng mặt trời vẫn đủ mạnh ngay cả khi trời nhiều mây.

Chúng ta yêu những ngày nắng và cần mặt trời để tổng hợp vitamin D nhưng hãy thật cẩn thận khi hoạt động dưới ánh sáng mặt trời, đôi khi chỉ là những việc như dạo quanh thành phố, dọn dẹp sân vườn hay nghỉ ngơi ở công viên.

Khi nào tôi cần bảo vệ làn da của mình?

Ở Vương quốc Anh, từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 9, tia cực tím mạnh nhất vào khoảng 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều – lúc mặt trời lên cao nhất. Trong khoảng thời gian này, ánh sáng mặt trời đủ mạnh để gây cháy nắng. Nếu bạn có làn da sáng màu hay dễ cháy nắng, hãy chú ý bảo vệ da bằng cách tìm chỗ râm mát, che chắn cẩn thận với quần áo cùng nón và kính râm cũng như bôi kem chống nắng cho vùng da không được bảo vệ.

Bị cháy nắng chỉ một lần trong vòng 2 năm có thể làm tăng nguy cơ ung thư da tế bào hắc tố lên gấp ba lần. Nhận thức được thời điểm cần bảo vệ da để tránh nguy cơ cháy nắng. Những công cụ như chỉ số tia cực tím (UV index) và nguyên tắc bóng (shadow rule) có thể giúp bạn biết được lúc nào cường độ tia cực tím lên cao và thời điểm làn da phải đối diện với nguy cơ cháy nắng cao.

Chỉ số tia cực tím

Chỉ số tia cực tím cho biết cường độ tia cực tím và thời điểm chúng ta có nhiều nguy cơ cháy nắng. Chỉ số càng cao, nguy cơ cháy nắng càng lớn và thời gian làn da bạn còn được an toàn càng ngắn.

Khi chỉ số tia cực tím lớn hơn hoặc bằng 3, ánh sáng mặt trời đủ mạnh để gây hại cho làn da của bạn. Vì vậy hãy cẩn trọng, bảo vệ làn da của bạn, và đặc biệt khi bạn dễ bị cháy nắng.

Ảnh minh họa: Cancer Research UK

Nguyên tắc bóng

Một mẹo bỏ túi giúp bạn làm việc ngay cả khi nắng gắt là “nguyên tắc bóng”. Nguyên tắc này rất đơn giản và chính xác khắp mọi nơi trên Trái Đất. Bạn chỉ cần nhìn xuống bóng của mình, và nếu nó ngắn hơn chiều cao thực của bạn, điều này có nghĩa là cường độ tia cực tím rất cao. Khi đó, bạn dễ dàng bị cháy nắng hơn, đặc biệt với những ai có làn da nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.

Ảnh minh họa: Cancer Research UK

Đối tượng có nguy cơ cháy nắng

Bất kỳ ai cũng có thể bị cháy nắng và hình thành ung thư da nhưng nếu có một số đặc điểm dưới đây, bạn sẽ có nguy cơ cao hơn,  bạn cần cẩn thận hơn với ánh sáng mặt trời:

  • Sở hữu làn da dễ cháy nắng
  • Có làn da, tóc, mắt nhạt màu
  • Có nhiều nốt ruồi và tàng nhang
  • Có tiền sử bị cháy nắng
  • Bản thân hoặc gia đình có tiền sử bị ung thư da

Bạn là người hiểu rõ nhất về tác động của ánh sáng mặt trời với làn da của mình. Nếu bạn dễ bị cháy nắng, bạn càng cần phải cẩn thận. Nên nhớ, da của bạn không cần phải tróc ra – nếu da bạn đỏ hoặc hồng lên dưới ánh mặt trời, đó là cháy nắng, và nó nguy hiểm đấy. 

Nếu có một làn da sẫm màu, liệu tôi có nguy cơ cháy nắng không?

Những người với làn da nâu hay đen tự nhiên ít bị cháy nắng hơn và nguy cơ ung thư da cũng thấp hơn. Những người có da sẫm màu vẫn có thể bị cháy nắng, không cần da phải tróc ra – nếu da của bạn trở nên nóng rát và ngứa, nó là cháy nắng.

Mời bạn xem thêm:

Làm nâu da nhân tạo và tiêm Melanotan

Những người với làn da sẫm màu vẫn có nguy cơ mắc ung thư da, đặc biệt với loại ung thư không liên quan đến tia cực tím, ví dụ như những vùng không chứa sắc tố như lòng bàn chân.

Nguy cơ cháy nắng có thể được thay đổi như thế nào?

11 giờ sáng đến 15 giờ chiều là thời điểm tia cực tím mạnh nhất. Khung thời gian này sẽ thay đổi ở những vùng khác trên thế giới.

Những điều ảnh hưởng đến cường độ tia cực tím:

  • Thời gian trong năm – Ở gần xích đạo, tia cực tím sẽ mạnh quanh năm.
  • Mây – hơn 90% tia cực tím có thể xuyên qua những đám mây mỏng và gây cháy nắng.
  • Địa điểm và độ cao – tia cực tím mạnh hơn ở những vùng gần xích đạo. Tia cực tím cũng mạnh hơn ở những vùng cao. Vì vậy, những người tham gia trượt tuyết và leo núi sẽ dễ gặp rắc rối.

Phản chiếu – lên đến 80% tia cực tím bị phản chiếu qua tuyết, 15% qua cát, 10% qua bê tông và lên đến 30% qua nước (tùy thuộc vào độ gợn sóng của mặt nước).


Cập nhật ngày: 19/12/2020
Tham khảo nguồn: Am I at risk of sunburn?

Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm

Các bài viết liên quan

Filed Under: Chăm Sóc Ngoại Hình, Chăm Sóc Thể Chất Tagged With: Ngừa ung thư, nguy cơ ung thư

DMCA.com Protection Status

Copyright © 2019 Salt Cancer Initiative