Dịch thuật: Phương Đông, Đăng Minh, Anh Thư, Tường Khánh, Ngọc Hạnh
(SCI Blog) – Trong quá trình hóa trị liệu ung thư, nếu bạn bị bệnh tiểu đường, bạn cần theo dõi chỉ số đường huyết chặt chẽ hơn trong quá trình hóa trị. Hóa trị có thể gây nôn ói và không muốn ăn, dẫn đến hạ đường huyết và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do đó, bệnh nhân tiểu đường khi hóa trị cần phải kết hợp chặt chẽ với đội ngũ y tế để kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, chỉ số đường huyết cần được theo dõi chặt chẽ hơn trong quá trình thực hiện hóa trị.
Hóa trị có thể khiến bạn cảm thấy buồn nôn hoặc nôn ói. Bạn có thể không muốn ăn dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng ở người bệnh tiểu đường. Nếu bạn không thể ăn, lượng đường trong máu có thể giảm xuống quá thấp và có thể gây ra:

- Ngất xỉu
- Đổ mồ hôi
- Hôn mê
Hiện tượng này được gọi là hạ đường huyết.
Bạn cùng với bác sĩ điều trị ung thư có thể phải lập ra kế hoạch hóa trị cẩn thận hơn so với người không bị tiểu đường. Một số tổ hợp thuốc hóa trị bao gồm steroid có thể làm mất cân bằng lượng đường trong máu. Bạn và bác sĩ điều trị ung thư nên thảo luận với các chuyên gia bệnh tiểu đường để có kế hoạch hóa trị hiệu quả nhất.
Phân loại tiểu đường
Có hai loại tiểu đường và phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại tiểu đường mà bạn mắc phải:
- Tuýp 1: bạn cần tiêm hoặc bơm bổ sung insulin thường xuyên.
- Tuýp 2: bạn có thể kiểm soát tiểu đường tuýp 2 thông qua chế độ ăn hoặc kết hợp chế độ ăn và sử dụng thuốc. Một số người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cũng cần tiêm insulin.
Bệnh tiểu đường tuýp 1
Nếu bạn phụ thuộc vào insulin, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện đợt hóa trị đầu tiên tại bệnh viện để các y tá có thể theo dõi tình trạng của bạn. Trong trường hợp bạn cần đường khẩn cấp, bạn sẽ được truyền Glucose đường tĩnh mạch.
Bạn có thể được bệnh viện cho truyền insulin và dung dịch đường (dextrose). Để xác định liều insulin phù hợp, bác sĩ sẽ dựa trên xét nghiệm đường huyết sau mỗi 1 hoặc 2 giờ. Nhưng hầu hết mọi người không cần thực hiện việc này.
Nếu bạn không thể ăn uống như bình thường khi ở nhà, bạn có thể phải kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên hơn.
Bệnh tiểu đường tuýp 2
Bạn có thể kiểm soát lượng đường trong máu bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp hoặc sử dụng thuốc trong quá trình hóa trị mà không phải gặp quá nhiều vấn đề. Nhưng trước hết, hãy thảo luận với bác sĩ trước. Các bác sĩ sẽ đưa ra một số lời khuyên, chẳng hạn như bác sĩ sẽ khuyên bạn không nên uống thuốc trị tiểu đường vào những ngày hóa trị liệu.

Tác dụng phụ của hóa trị và tiểu đường
Bạn có thể mất cảm giác ngon miệng và cảm thấy khó duy trì chế độ ăn như bình thường. Ngoài ra, bạn có thể cảm thấy buồn nôn vì các thuốc hóa trị. Một số loại thuốc chống nôn có thể hỗ trợ hiệu quả chống lại buồn nôn.
Mời bạn xem thêm:
Điều quan trọng là bạn phải có một chế độ dinh dưỡng khoa học. Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn một loại thức uống dinh dưỡng. Chúng rất giàu calo và bạn có thể nhấm nháp chúng trong ngày. Có nhiều thương hiệu khác nhau như Complan, Fresubin và Build Up.
Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến khả năng chống lại nhiễm trùng, do đó bạn có thể có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn . Hãy chú ý đến các dấu hiệu của nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt và hãy liên hệ với bác sĩ hoặc trung tâm ung thư ngay lập tức.
Cập nhật 29/02/2020
Nguồn tham khảo: Diabetes and chemotherapy
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm