• Skip to content

Salt Cancer Initiative

Thư Viện Kiến Thức Ung Thư

  • Kiến Thức Ung Thư
  • Chăm Sóc Cảm Xúc
  • Chăm Sóc Thể Chất
  • Ủng Hộ

SCI Writer /

Thuốc Giảm Đau Nhóm Opioid  –  Thông Tin Chung

Chia sẻ bài viết này trên:

  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

Dịch thuật: Dương Quỳnh Như, Nguyễn Bá Tùng
Nguyễn Minh Đạt, Lê Đào Anh Khương


Thuốc giảm đau nhóm Opioid có nhiều loại và tùy vào mức độ nặng nhẹ của cơn đau do ung thư mà loại thuốc hoặc liều dùng sẽ thay đổi phù hợp. Nhóm thuốc này phù hợp đối với cơn đau nhẹ, trung bình và nặng.

Khi nào cần dùng thuốc giảm đau nhóm Opioid?

Các thuốc giảm đau nhóm Opioid là lựa chọn thông dụng đối với những cơn đau do ung thư. Loại thuốc được bác sĩ kê toa tùy vào kiểu đau và mức độ đau mà bạn đang gặp phải.

Bạn cần thăm khám và có chỉ định của Bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thuốc giảm đau nhóm opioid nào — Hình: VeryWellHealth

Thuốc giảm đau nhóm Opioid

Loại Opioid dành cho cơn đau từ nhẹ đến trung bình là Codeine. Một vài loại có sẵn ở hiệu thuốc.

Loại thuốc dành cho cơn đau nặng bao gồm:

  • Morphine
  • Diamorphine
  • Fentanyl và Alfentanil
  • Buprenorphine
  • Hydromorphone
  • Methadone
  • Tramadol

Bạn chỉ có thể mua những thuốc này khi có toa của bác sĩ.

Tác dụng phụ của thuốc giảm đau nhóm Opioid

Tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc này bao gồm:

  • Táo bón
  • Mệt mỏi

Tác dụng phụ sẽ khác nhau ở từng người và có thể phụ thuộc vào loại thuộc và liều dùng của bệnh nhân.

Bất cứ khi nào gặp tác dụng phụ nêu trên, bạn cần trao đổi với bác sĩ và y tá để có cách can thiệp hiệu quả và bạn cũng cần liên hệ y tá nếu có gặp bất cứ vấn đề trong khi dùng thuốc.

Chúng ta có thêm nhiều thông tin chi tiết liên quan đến các thuốc giảm đau nhóm opioid về cách dùng cũng như những tác dụng phụ có thể gặp.

Những lo ngại về khả năng nghiện thuốc

Bạn có thể lo ngại sẽ bị nghiện morphine và những thuốc giảm đau nhóm opioid khác. Đây là lo ngại thường gặp. Tuy vậy, khi dùng với vai trò thuốc giảm đau trong những cơn đau do ung thư, bạn hiếm khi bị nghiện thuốc.

Các bác sĩ thường bắt đầu với những thuốc tác dụng nhẹ và sau đó sẽ chuyển sang thuốc tác dụng mạnh nếu cần. Bạn thường sẽ bắt đầu với liều thấp opioid, sau đó bác sĩ sẽ tăng liều lên khi cần. Đôi lúc, bạn cần liều rất cao để kiểm soát cơn đau.

Liều cao khá an toàn nếu bạn thực sự cần. Điều dưỡng và Bác sĩ sẽ theo dõi sát sao những tác dụng phụ.

Bác sĩ có thể kê thêm những thuốc nhóm không opioid song song với thuốc giảm đau nhóm opioid. Sự phối hợp này giúp giảm nhẹ cơn đau cho bạn.


Mời bạn xem thêm

https://blog.saltfightcancer.org/dau-do-ung-thu-lo-ngai-khi-su-dung-thuoc-giam-dau/

Morphine

Có nhiều dạng bào chế của morphine mà bạn có thể dùng với những cách khác nhau. Bao gồm:

  • Viên nén hoặc dung dịch phóng thích tức thì, bạn có thể dùng mỗi 2 đến 4 giờ.
  • Viên nén phóng thích kéo dài, viên nang hoặc thuốc dạng bột dùng mỗi 12 đến 24 giờ.
  • Dung dịch tiêm tĩnh mạch hoặc truyền giọt.
  • Dung dịch tiêm dưới da
  • Thuốc đặt hậu môn.
  • Viên nén ngậm đặt dưới lưỡi (thuốc thẩm thấu qua đường niêm mạc)
  • Miếng dán trên da.

Hiệu chỉnh liều

Khi bắt đầu sử dụng morphine, bạn thường được kê thuốc có tác dụng ngắn, phóng thích nhanh. Ví dụ như Oramorph. Bạn có thể uống thuốc mỗi 2 đến 4 giờ. Với cách này, nhân viên y tế có thể điều chỉnh nhanh chóng và dễ dàng liều thuốc đến khi cơn đau được kiểm soát. Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ hướng dẫn bạn lượng thuốc và thời điểm dùng thuốc. Điều chỉnh thuốc linh hoạt nhằm giúp bạn dùng đủ thuốc để kiểm soát cơn đau.

Cơn đau của bạn có thể tái phát giữa hai lần dùng thuốc nếu bạn dùng không đủ liều. Quan trọng, hãy ghi chú lại số lượng thuốc và thời gian đã dùng. Sau đó bác sĩ hoặc điều dưỡng có thể tính toán lại liều thuốc bạn cần trong 24 giờ.

Khi bác sĩ hoặc điều dưỡng xác định lượng morphine bạn cần dùng, họ sẽ kê cho bạn những viên phóng thích chậm chứa lượng thuốc đủ để giảm đau cho bạn từ 12 đến 24 giờ.

Hiện có vài dạng viên thuốc phóng thích chậm còn được gọi là morphin phóng thích kéo dài. Các loại thuốc này phóng thích thuốc chậm và kiểm soát cơn đau trong khoảng thời gian dài. Cách thức này tiện lợi hơn việc dùng thuốc mỗi 4 giờ.

Một vài ví dụ của morphin tác dụng dài gồm:

  • Zomoroph
  • MST
Hình: Pain Specialists of Austin

Lưu ý rằng bạn buộc phải uống thuốc phóng thích chậm đúng chỉ định để đảm bảo tác dụng của thuốc. Có thể mất đến 48 giờ sau khi dùng thuốc để nồng độ thuốc đạt trạng thái ổn định trong máu. Đây không phải là thuốc mà bạn có thể thỉnh thoảng dùng.

Cơn đau tiến triển đột ngột

Bạn nên dự phòng cho mình thuốc morphine tác dụng nhanh. Bạn sẽ cần dùng trong trường hợp bạn có thêm những cơn đau trong thời gian dùng thuốc tác dụng kéo dài.

Những cơn đau thêm này có thể là cơn đau tiến triển đột ngột hoặc do hoạt động hằng ngày. Cơn đau tiến triển đột ngột xảy ra khi thuốc đang dùng không thể kiểm soát được cơn đau. Trong khi đó, cơn đau do hoạt động hàng ngày xuất hiện nhanh chóng, chẳng hạn như khi bạn cần thay đồ hoặc đi lại.

Hãy lưu ý kiểu đau của mình để báo cho bác sĩ hoặc điều dưỡng. Nếu thường xuyên cần dùng thêm liều, bạn có thể cần tăng liều của thuốc tác dụng chậm — Hình: Pain Specialists of Austin

Cùng với morphine, bạn còn có thể dùng thêm những thuốc khác giúp giảm đau. Chẳng hạn như thuốc kháng viêm để kiểm soát những cơn đau xương hoặc giảm phù nề — yếu tố làm tăng thêm cơn đau do bệnh.

Diamorphine

Diamorphine là một dạng morphine dễ tan trong lượng nước nhỏ .

Vì thế, bác sĩ có thể dùng nó khi bạn cần dùng morphine đường tiêm, đặc biệt là với bơm tiêm tự động. Bơm tiêm tự động là loại bơm chạy bằng pin. Nó truyền dung dịch từ ống tiêm qua một ống nhỏ được đặt ngay dưới da.

Bơm này có thể truyền lượng thuốc nhỏ liên tục. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định dùng khi cần kiểm soát cơn đau, ổn định đối với bệnh nhân gặp khó khăn trong việc dùng thuốc uống.

Các bác sĩ còn dùng bơm tiêm tự động khi bệnh nhân cận tử, nhưng được chăm sóc tại nhà. Điều dưỡng có thể đến thay ống tiêm mỗi 24 hoặc 48 giờ.

Fentanyl và Alfentanil

Fentanyl là thuốc giảm đau nhóm opioid tổng hợp phóng thích chậm. Alfentanil là một loại fentanyl, còn được gọi là Rapifen.

Cách sử dụng Fentanyl

Thuốc này có thể ở dạng miếng dán (được gọi là Durogesic hoặc Matrifen), loại này sẽ được dán lên da và giải phóng thuốc từ từ. Nhờ vậy, bạn không cần phải uống hay tiêm thuốc. Thông thường, bạn cần dán ở phần trên cẳng tay để có thể dễ dàng với tới.

Khi vừa bắt đầu dùng fentanyl, có thể mất đến 72 giờ để thuốc đạt đến nồng độ cần thiết trong máu. Vì thế, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn duy trì sử dụng loại thuốc giảm đau đang dùng trong một khoảng thời gian.

Trong thời gian sử dụng miếng dán, bạn cần dự phòng thuốc phóng thích nhanh như morphine hoặc oxycodone hoặc dùng trong trường hợp có những cơn đau mới xuất hiện

Sau khi ngưng sử dụng thuốc dán fentanyl, cần 72 giờ để thuốc đào thải thuốc khỏi cơ thể. Vì thế nếu bạn cần dùng thêm thuốc giảm đau khác, bác sĩ của bạn sẽ cần xác định thời gian dùng thuốc mới khi fentanyl đã được thải khỏi cơ thể.

Một nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng người bị sút cân nghiêm trọng (suy mòn) có thể hấp thu fentanyl kém hơn người khác. Bác sĩ có thể sẽ kê một thuốc khác cho bạn.

Fentanyl còn có dưới dạng giống kẹo mút (được gọi là Actiq), bạn sẽ chà xát thuốc vào niêm mạc miệng. Dạng thuốc này cho tác động nhanh và giảm đau trong thời gian ngắn. Vì thế nó có ích với những cơn đau diễn ra trong thời gian ngắn, như khi bạn thay đồ hoặc đi lại. Nhưng khoang miệng bạn phải ẩm để thuốc có thể cho tác động nhanh , do đó thuốc không hiệu quả với tất cả những bệnh nhân có cơn đau do ung thư.

Fentanyl còn có dưới dạng viên nén được đặt giữa nướu răng và niêm mạc má. Thuốc sẽ từ từ hòa tan. Loại viên nén này có tên là Effentora và Abstral. Ngoài ra còn có dạng xịt mũi với tên gọi là PecFent. Hai loại này sẽ được dùng khi cơn đau xuất hiện nếu thuốc đang dùng không thể kiểm soát được cơn đau (cơn đau tiến triển đột ngột).

Cách Sử dụng Alfentanil

Alfentanil hòa tan trong nước nên bác sĩ có thể chỉ định dùng khi bạn cần dùng fentanyl đường tiêm, đặc biệt là bơm tiêm tự động. Bơm tiêm tự động là loại bơm chạy bằng pin. Nó truyền dung dịch từ ống tiêm qua một ống nhỏ được đặt ngay dưới da.

Bơm này có thể truyền lượng nhỏ thuốc liên tục. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định dùng khi họ cần kiểm soát cơn đau chính xác, ổn định đối với bệnh nhân có bệnh hoặc gặp khó khăn trong việc dùng thuốc uống. Các bác sĩ còn dùng bơm tiêm tự động khi bệnh nhân cận tử và, được chăm sóc tại nhà.

Buprenorphine

Buprenorphine là thuốc giảm đau nhóm opioid mức độ trung bình đến mạnh.

Bạn có thể sử dụng nó dưới dạng miếng dán Hapoctasin hoặc Prenotrix, mỗi 3 ngày

Còn có những miếng dán thay mỗi 4 ngày, ví dụ như :

  • Bupeaze
  • Buplast
  • Relevtec
  • Transtec

Và một số có thể thay mỗi tuần. Bao gồm:

  • Butec
  • BuTrans
  • Panitaz
  • Reletrans
  • Sevodyne

Những loại này sẽ có ích khi bạn thấy khó khăn trong việc uống thuốc.

Thông tin thêm về Buprenorphine

Cần ít nhất 24 giờ để thuốc đạt nồng độ chuẩn trong máu. Nếu bạn dùng miếng dán thay mỗi tuần, thời gian đạt nồng độ chuẩn có thể lên đến 3 ngày.

Bạn có thể cần tiếp tục dùng thuốc giảm đau khác trong thời gian này. Hãy tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trong thời gian sử dụng một trong số những loại thuốc dán trên, bạn nên dự trữ sẵn thuốc phóng thích tức thì như morphine hoặc oxycodone. Bạn cần dùng những thuốc này khi xuất hiện những cơn đau thêm.. Cần vài ngày để thuốc đào thải khỏi cơ thể khi bạn ngưng sử dụng nó.

Buprenorphine còn có dưới dạng viên nén có tên là Tephine. Thuốc được hòa tan khi ngậm dưới lưỡi và được dùng mỗi 6 đến 8 giờ.

Oxycodone

Thuốc giảm đau nhóm opioid này sẽ hữu dụng khi bạn có cả cơn đau ở xương và đau do thần kinh. Oxycodone đặc biệt có ích ở những bệnh nhân đã dùng morphine nhưng không cho hiệu quả giảm đau hoặc gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.

Oxycodone có dưới dạng :

  • Dung dịch tiêm
  • Dung dịch uống
  • Viên nang

Còn có viên nén phóng thích chậm. Ví dụ như:

  • OxyContin
  • Abtard
  • Leveraxo
  • Longtec

Bạn nên dự phòng oxycodone dạng phóng thích tức thì. Bạn sẽ cần dùng nó khi có những cơn đau xuất hiện thêm trong thời gian dùng thuốc phóng thích chậm.

Hydromorphone

Hydromorphone là một thuốc giảm đau nhóm opioid mạnh. Nó còn được gọi là Palladone. Được bào chế dưới dạng:

  • Viên nang phóng thích tức thì
  • Viên nang phóng thích chậm, dùng mỗi 12 giờ (Palladone SR)
  • Dung dịch tiêm

Với những viên nén phóng thích chậm, bạn nên dự phòng thêm hydromorphone phóng thích tức thì. Bạn có thể dùng nó nếu xuất hiện cơn đau mới.

Methadone

Methadone là thuốc giảm đau nhóm opioid mạnh rất hiệu quả trong kiểm soát cơn đau thần kinh và có các dạng bào chế như:

  • Viên nén
  • Dung dịch uống
  • Dung dịch tiêm

Codeine

Codeine là một thuốc giảm đau nhóm opioid yếu và được xem là lựa chọn đầu tiên khi mà những loại thuốc giảm đau không opioid chưa thể kiểm soát cơn đau.

Một vài viên nén chứa codeine và paracetamol như: co-codamol, co-dydramol.

Tramadol

Tramadol là một thuốc giảm đau nhóm opioid yếu với các dạng bào chế:

  • Viên nén hoặc viên nang (như là Zamadol)
  • Viên nén hoặc viên nang phóng thích chậm, bạn có thể dùng mỗi 12 giờ (như là Tramquel hoặc Zeridame)
  • Viên nén hòa tan dưới lưỡi (Zamadol hòa tan)

Trong thời gian sử dụng viên nén phóng thích chậm, bạn nên dự phòng tramadol dạng phóng thích tức thì phòng khi có những cơn đau mới xuất hiện

Cập nhật 16/03/2019
Nguồn tham khảo: Opioids

Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm

Các bài viết liên quan

Filed Under: Chăm Sóc Thể Chất, Kiểm Soát Cơn Đau Tagged With: Chăm Sóc Thể Chất, Kiểm Soát Cơn Đau

DMCA.com Protection Status

Copyright © 2019 Salt Cancer Initiative