• Skip to content

Salt Cancer Initiative

Thư Viện Kiến Thức Ung Thư

  • Kiến Thức Ung Thư
  • Chăm Sóc Cảm Xúc
  • Chăm Sóc Thể Chất
  • Ủng Hộ

SCI Writer /

Các Loại Thuốc Chống Buồn Nôn Trong Điều Trị Ung Thư

Chia sẻ bài viết này trên:

  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

Dịch thuật:  Vượng Vũ, Minh Đạt, Phan Hiếu, Tường Khánh, Bá Tùng, Ngọc Hạnh


Bài viết thống kê sơ lược một số nhóm thuốc chống buồn nôn, cùng cơ chế tác động và cách sử dụng. Đây là những thông tin mang tính tham khảo. Để có kết quả điều trị tốt nhất, bạn nhớ tuân theo hướng dẫn của bác sĩ nhé!

Các loại thuốc chống buồn nôn

Có nhiều loại thuốc khác nhau được sử dụng để kiểm soát cơn buồn nôn (buồn nôn và nôn) khi điều trị ung thư.

Trong 20 năm qua, các loại thuốc được sử dụng để kiểm soát cơn buồn nôn do ung thư đã được cải tiến. Những loại thuốc này thường được gọi là thuốc chống nôn.

Hiện nay, có nhiều loại thuốc chống nôn. Loại thuốc được bác sĩ chỉ định sẽ phụ thuộc vào việc bạn buồn nôn là do ung thư của bạn hay việc điều trị bệnh gây ra, và bệnh sử của bạn. 

Trao đổi với bác sĩ hoặc điều dưỡng nếu bạn vẫn cảm thấy khó chịu hoặc có bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi dùng thuốc. Bác sĩ có thể cho thêm thuốc hoặc đổi thuốc khác cho bạn. 

Thuốc chống buồn nôn

Thuốc chống nôn hoạt động như thế nào?

Thuốc chống nôn hoạt động bằng một trong các cách sau:

  • Chặn trung tâm nôn ở não
  • Chặn các thụ thể trong ruột truyền tín hiệu đến trung tâm nôn của não
  • Tác động trực tiếp lên dạ dày bằng cách tăng tốc độ làm rỗng dạ dày và chuyển thức ăn vào ruột.

Các loại thuốc chống nôn khác nhau

Có rất nhiều loại thuốc chống nôn khác nhau với các dạng bào chế khác nhau như viên nén, viên nang hoặc dạng lỏng.

Một số được tiêm vào tĩnh mạch, hoặc tiêm bắp, hoặc tiêm dưới da. Một cách hữu ích của việc dùng thuốc chống nôn là thông qua máy bơm tiêm tự động nếu bạn nôn nhiều. Thiết bị tiêm nhỏ giọt có thể cung cấp một lượng nhỏ thuốc liên tục.

 Metoclopramide (Maxolon)

Metoclopramide hoạt động bằng cách chặn trung tâm nôn và cũng tác động trực tiếp lên thành ruột. Loại thuốc này cũng thúc đẩy dạ dày đưa thức ăn vào ruột nhanh hơn.

Metoclopramide làm dịu cảm giác nặng nề khi bạn buồn nôn.

Metoclopramide có những dạng sau:

  • Thuốc viên
  • Thuốc dạng lỏng
  • Thuốc tiêm

Bạn thường dùng metoclopramide trong tối đa 5 ngày.

 Prochlorperazine (Stemetil)

Prochlorperazine thuộc nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi gọi là phenothiazin. Thuốc phenothiazin hoạt động bằng cách chặn trung tâm nôn trong não.

Prochlorperazine có những dạng sau:

  • Thuốc viên
  • Tiêm bắp
  • Viên thuốc tan khi bạn đặt nó giữa lợi và môi trên

Các loại thuốc khác trong nhóm phenothiazine bao gồm:

  • Perphenazine
  • Trifluoperazine
  • Chlorpromazine – gây buồn ngủ vì vậy nó ít được sử dụng
Domperidone (Motilium)

Domperidone giống như metoclopramide, nó làm tăng tốc độ làm rỗng dạ dày. Ngoài ra, nó còn tác động lên một phần của bộ não được gọi là vùng kích hoạt hóa thụ thể. Domperidone ngăn chặn hiệu quả cảm giác buồn nôn đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Bạn thường dùng domperidone trong tối đa một tuần.

Thuốc chặn serotonin 

Những loại thuốc này ngăn chặn các thụ thể trong ruột và não truyền tín hiệu đến vùng kích hoạt hóa thụ thể và trung tâm nôn. Chúng còn được gọi là thuốc đối kháng thụ thể 5HT3.

Thuốc chặn serotonin hoạt động rất tốt đối với một số triệu chứng buồn nôn. Chúng hoạt động tốt nhất khi bạn sử dụng chung với thuốc nhóm steroid.

Có một số loại thuốc trong nhóm này, bao gồm:

  • Ondansetron (Zofran)
  • Granisetron (Kytril)
  • Palonosetron (Aloxi)

Những loại thuốc này có thể dùng dưới dạng viên nén hoặc thuốc tiêm. Ondansetron cũng có thể sử dụng như là thuốc ngậm tan trên đầu lưỡi. Còn Granisetron có thể sử dụng ở dạng miếng dán trên da.

 Thuốc chống lo âu

Một số loại thuốc chống lo âu có thể làm giảm triệu chứng buồn nôn. Lorazepam (Ativan) là loại thuốc thuộc nhóm này thường được sử dụng nhất trên bệnh nhân hóa trị. Bệnh nhân thường sử dụng lorazepam với các loại thuốc chống nôn khác.

Lorazepam giúp kiểm soát triệu chứng buồn nôn và nôn. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể dùng lorazepam vào buổi tối trước ngày hóa trị và buổi sáng của ngày hóa trị.

Thuốc kháng histamine

Cyclizine là thuốc kháng histamine thường được dùng để trị buồn nôn.

Cyclizine hòa tan dễ dàng và kết hợp an toàn với các loại thuốc khác trong trị liệu bằng  đường tiêm. Đặc tính này giúp ích cho những bệnh nhân bị chứng khó nuốt.

Nhóm Steroid

Steroid có thể giúp kiểm soát triệu chứng buồn nôn. Nhóm thuốc này có hiệu quả đặc biệt cao đối với các cơn buồn nôn có nguồn gốc từ:

  • Tăng áp lực nội sọ (từ một khối u não hoặc ung thư thứ phát trong não)
  • Tắc nghẽn ruột
  • Một số loại hóa trị liệu (khi được sử dụng với các loại thuốc chống nôn khác)

Steroid làm giảm phù nề vì vậy chúng giúp giảm áp lực trong hộp sọ, và giảm buồn nôn.

Thuốc nhóm steroid có thể làm giảm phù nề xung quanh khối u trong ruột và giúp cho chất lỏng đi qua dễ dàng, làm giảm nôn ói do tắc ruột. Thuốc nhóm steroid chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn. Nhưng chúng có thể làm dịu cơn buồn nôn cho đến khi bệnh nhân tiếp nhận điều trị khác. Hoặc, ít ra chúng có thể giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.

Dexamethasone là một steroid mà bệnh nhân có thể tiêm tĩnh mạch ngay trước khi hóa trị. Bệnh nhân có thể dùng thuốc steroid tại nhà một vài ngày sau khi vào thuốc hóa trị.

Dexamethasone có thể gây khó ngủ, vì vậy bạn nên dùng thuốc trước giờ ăn trưa.

 Thuốc làm giảm chất lỏng trong ruột

Tắc ruột thường đồng nghĩa với việc bệnh nhân phải dùng thuốc làm giảm lượng dịch  trong ruột. Những loại thuốc này làm tăng khả năng tái hấp thu dịch từ hệ thống tiêu hóa. Điều này làm giảm sự tích tụ chất lỏng trên vùng tắc nghẽn. Bệnh nhân sẽ không cảm thấy buồn nôn  nhiều như trước nữa nếu sự tích tụ chất lỏng này được giải tỏa.

Buscopan (hyoscine butylbromide) làm giảm dịch trong ruột và là một loại thuốc chống co thắt (chuột rút). Buscopan giúp giảm co thắt bằng cách dãn cơ trơn trong ruột và làm chậm nhu động ruột.

Octreotide (Sandostatin) giúp làm giảm các triệu chứng buồn nôn  do tắc nghẽn ruột bằng cách giảm lượng dịch tiết ra từ ruột.

Nabilone 

Nabilone là một loại thuốc được phát triển từ cần sa (marijuana). Nó được cấp phép để điều trị triệu chứng buồn nôn nghiêm trọng do hóa trị liệu khi mà những loại thuốc khác đã vô hiệu.

Nabilone phát huy tác dụng tốt trên một số người, nhưng có thể gây buồn ngủ hoặc chóng mặt ở những người khác. Những tác dụng phụ này có thể kéo dài trong một vài ngày sau khi ngừng dùng thuốc.

 Aprepitant (Emend) và fosaprepitant (Ivemend)

Aprepitant (Emend) là một loại thuốc mới hoạt động bằng cách ngăn chặn một chất trong cơ thể gọi là neurokinin. Bạn có thể dùng aprepitant với steroid và thuốc kháng serotonin để giúp kiểm soát triệu chứng buồn nôn gây ra bởi hóa trị liệu có  cisplatin.

Bệnh nhân uống một viên thuốc một giờ trước khi hóa trị và sau đó một viên mỗi ngày trong 2 ngày tiếp theo.

Fosaprepitant (Ivemend) là một loại thuốc tương tự như aprepitant. Fosaprepitant chỉ có dạng tiêm vào máu thông qua ống thông. Fosaprepitant cũng giúp kiểm soát triệu chứng buồn nôn khi có cisplastin trong hóa trị liệu.

 Thuốc an thần

Thuốc an thần có thể giúp kiểm soát sự nôn nao khó chịu. Một số loại thuốc chống loạn thần như levomepromazine (Nozinan) cũng có thể giúp kiểm soát triệu chứng buồn nôn nhưng có thể khiến người dùng buồn ngủ trừ khi chúng được sử dụng với liều thấp. Gây buồn ngủ có thể là một tác dụng hữu ích nếu dùng chúng vào ban đêm.

Haloperidol (Haldol) là một loại thuốc an thần điều trị hữu hiệu triệu chứng buồn nôn gây ra bởi việc sử dụng thuốc. Vì vậy, các bác sĩ thường sử dụng haloperidol điều trị những triệu chứng buồn nôn liên quan đến sử dụng morphin. Haloperidol cũng được dùng trong điều trị bệnh liên quan đến: 

  • Tăng calci máu huyết
  • Suy thận hoặc gan
  • Tắc ruột

Cập nhật 27/09/2019
Tham khảo
Types of anti sickness drugs

Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm

Các bài viết liên quan

Filed Under: Chăm Sóc Thể Chất, Mệt Mỏi – Buồn Nôn – Khó Thở Tagged With: Chăm Sóc Thể Chất, Mệt Mỏi – Buồn Nôn – Khó Thở

DMCA.com Protection Status

Copyright © 2019 Salt Cancer Initiative