Dịch thuật: Hoàng Trọng Tuấn, Hương Trần, Minh Phạm
(SCI Blog) – Trong nghiên cứu ung thư, các bản báo cáo thường chỉ nêu lên được một số khía cạnh của cả một công trình nghiên cứu, và kết luận trong các bản báo cáo đó thường chịu ảnh hưởng rất lớn từ lập trường của những người viết báo. Để một bài nghiên cứu thật sự hữu ích cho trường hợp của chính bạn hay người thân, bạn có thể tham khảo các thống kê T-test, chi bình phương, hay giới hạn tin cậy để đánh giá mức độ hiệu quả của liệu pháp đang được nghiên cứu so với phác đồ hiện hành.

Bên cạnh đó, việc tìm hiểu rõ mục tiêu, đối tượng của bài viết, số lượng người tham gia thử nghiệm, tính hiệu quả cộng thêm mức độ tin cậy của bài nghiên cứu là vô cùng quan trọng. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra các thông tin cơ bản trong thống kê ung thư cùng một số điểm đáng lưu ý giúp bạn tham khảo tốt một bài nghiên cứu ung thư.
Chọn lựa các bài báo nghiên cứu ung thư tin cậy
Nhiều bệnh nhân ung thư luôn tìm kiếm thông tin về các phương pháp chữa trị cho căn bệnh của mình, phần lớn thông qua internet. Tuy nhiên điều then chốt mà mọi người nên biết là chỉ một bài báo không thể giúp chúng ta thấy được bức tranh toàn cảnh về nghiên cứu. Chúng ta cần đọc tất cả những những nghiên cứu có liên quan để có thể hiểu rõ về loại ung thư đó.
Sau khi hoàn tất quá trình nghiên cứu, một phương pháp điều trị có thể được công bố trên rất nhiều tờ báo. Một vài bài sẽ ca ngợi tác dụng của phương pháp điều trị này – góp phần hạn chế sự phát triển của ung thư hay thậm chí là chữa khỏi căn bệnh này. Trong khi đó, một số bài báo khác sẽ phản pháo rằng phương pháp điều trị này chẳng có gì tiến bộ so với phương pháp cũ.

Hiển nhiên, điều mà các bác sĩ hay nhà nghiên cứu mong muốn có được, đó là phương pháp điều trị mới sẽ có hiệu quả hơn phương pháp cũ. Đôi khi các nhà thống kê tập hợp tất cả các kết quả của các thử nghiệm, thực hiện phân tích tổng hợp và so sánh, để thấy được bức tranh lớn hơn. Điều này giúp tạo ra một cái nhìn rõ ràng, hơn hẳn điều mà chỉ một bài nghiên cứu có thể mang lại – rằng việc trị liệu có hiệu quả hay không.
Những kiểm định thống kê trong ung thư mang ý nghĩa gì?
Trong những nghiên cứu, các nhà khoa học thường dùng một số kiểm định thống kê như “T-test” và kiểm định chi bình phương. Những loại kiểm định này sẽ so sánh kết quả của các phương pháp điều trị khác nhau, giúp ta thấy được liệu có thật sự khác biệt về mức độ hiệu quả giữa những phương pháp điều trị không, hay mọi việc chỉ xảy ra một cách ngẫu nhiên.
Để chứng minh tính hiệu quả của phương pháp điều trị mới, các nhà nghiên cứu sử dụng yếu tố “khoảng tin cậy”. Ví dụ, độ tin cậy 95% có nghĩa là khá chắc chắn rằng kết quả không xảy ra một cách ngẫu nhiên.
Những kết quả nghiên cứu chỉ có thể hữu ích nếu bạn hiểu được các số liệu thống kê. Tuy nhiên cũng đừng quá lo lắng khi bạn cảm thấy nó quá rắc rối. Thay vào đó, hãy đọc những dòng thảo luận ở cuối bài báo để hiểu thêm về đề tài nghiên cứu đó. Những bài thảo luận thường giải thích những luận điệu trong bài nghiên cứu một cách rõ ràng hơn.

Một số điều đáng lưu ý khi đọc một bài nghiên cứu
Sau đây là một số điểm bạn cần chú ý khi tham khảo một bài báo nghiên cứu:
- Loại ung thư nào đang được nghiên cứu? Nếu đó không phải là loại mà bạn mắc phải thì phương pháp điều trị trong đó có khả năng sẽ không giúp được gì cho bạn
- Giai đoạn ung thư của những bệnh nhân trong bài nghiên cứu là gì? Phương pháp điều trị đó dành cho ung thư giai đoạn đầu hay giai đoạn tiến triển?
- Liệu đó có phải là phương án điều trị kết hợp nhiều liệu pháp hay không?
- Có bao nhiêu người tham gia thử nghiệm? Càng đông người tham gia thì kết quả sẽ càng chính xác. Nếu số lượng người tham gia ít thì có khả năng kết quả chỉ xảy ra một cách ngẫu nhiên. Những nghiên cứu chính xác nhất thường kèm theo sự hợp tác của hàng ngàn người tham gia thử nghiệm khắp nơi trên thế giới.
- Mục tiêu của thử nghiệm là gì? Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 thường so sánh phương pháp điều trị mới với phác đồ chuẩn hiện hành. Các thử nghiệm trước đây thường theo dõi sự đáp ứng của thuốc trên cơ thể và những tác dụng phụ của nó.
- Đó có phải là một thử nghiệm có đối chứng không? Điều này có nghĩa là so sánh phương pháp điều trị mới với phác đồ tiêu chuẩn. Thông thường bệnh nhân sẽ được chỉ định một phác đồ bất kỳ để tránh tạo ra thiên kiến.
- Hiệu quả của phương pháp điều trị mới như thế nào? Đôi khi những phương pháp mới trông có vẻ đầy hứa hẹn trên báo cáo, nhưng khi đọc thật chi tiết, bệnh nhân lại chỉ có thể sống thêm được vài tuần.
- Liệu thử nghiệm đó có chú trọng vào chất lượng sống của bệnh nhân không? Để một phương pháp điều trị được coi là hiệu quả, tác dụng phụ không được vượt quá lợi ích mà nó mang lại. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân luôn phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu, đặc biệt khi điều trị ung thư lúc này chỉ với mục đích kéo dài sự sống.
- Ai là người thực hiện nghiên cứu đó? Nếu đó là một tổ chức có danh tiếng thì chất lượng của nghiên cứu sẽ đáng tin cậy hơn rất nhiều.
- Nghiên cứu đó được báo cáo ở đâu? Hãy tham khảo từ bác sĩ và y tá của bạn về việc liệu nghiên cứu đó có được báo cáo ở một tạp chí uy tín?

Người đưa ra quyết định cuối cùng vẫn là bạn, tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên hiểu tường tận về những điều mà bạn sẽ đạt được.
Những câu hỏi trên thực sự rất quan trọng khi bạn đang cân nhắc một liệu pháp thay thế thay vì những phác đồ điều trị thông thường.
Nhiều nghiên cứu nhằm mục đích tìm ra những liệu pháp mới cũng có thể là phương pháp báo cáo những ca lâm sàng riêng lẻ. Tuy nhiên, đó chỉ là một hoặc hai trường hợp tham gia điều trị chứ chưa hề được xác thực hay kiểm nghiệm trên những bệnh nhân khác. Một số thử nghiệm thậm chí còn không công bố số lượng người không đáp ứng với các liệu pháp thay thế này. Vì vậy, vẫn chưa thể khẳng định liệu những phương án điều trị này có thực sự hiệu quả hay không. Và đôi khi, các báo cáo ca lâm sàng không hề dẫn chứng những trường hợp đã thất bại điều trị.
Cập nhật 30/05/2019
Nguồn tham khảo: Understanding statistics in cancer research
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm