• Skip to content

Salt Cancer Initiative

Thư Viện Kiến Thức Ung Thư

  • Kiến Thức Ung Thư
  • Chăm Sóc Cảm Xúc
  • Chăm Sóc Thể Chất
  • Ủng Hộ

SCI Writer /

Tế Bào Ung Thư  – Đặc Tính, Quá Trình Sinh Trưởng

Chia sẻ bài viết này trên:

  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

Dịch thuật: Vũ Văn Vượng, Trần Hoàng Khang, Hương Trần


Tế bào ung thư (tế bào UT) có cấu trúc và đặc tính hoàn toàn khác biệt so với tế bào bình thường. Trong khi các tế bào khỏe mạnh phát triển một cách có tổ chức, các tế bào UT lại bỏ qua quá trình trưởng thành để tăng trưởng một cách chóng mặt, lây lan sang các bộ phận khác do thiếu sự kết dính.

Các đặc tính của tế bào khỏe mạnh

Các tế bào cơ thể khỏe mạnh có một số đặc tính quan trọng. Chúng có thể:

  • Phân chia đúng lúc và tại vị trí cần thiết
  • Liên kết với nhau tại vị trí chính xác trong cơ thể
  • Tự hủy khi chúng trở nên hư hỏng hoặc già đi
  • Trở nên chuyên biệt (trưởng thành)

Tế bào ung thư không ngừng sinh trưởng và phân chia

Khác với các tế bào khỏe mạnh, các tế bào ung thư không ngừng sinh trưởng và phân chia. Vì vậy, khi các tế bào tiếp tục nhân đôi, chúng tạo thành một cục bướu (khối u) ngày càng lớn.

te bao ung thu dang phan chia
Hậu quả là một khối u ác tính được tạo thành từ hàng tỷ bản sao của các tế bào UT ban đầu.

Ung thư tế bào máu (leukaemias) không hình thành khối u, nhưng chúng làm cho nhiều tế bào máu bất thường tích tụ trong máu.

Bỏ qua tín hiệu từ các tế bào khác

Các tế bào liên tục trao đổi tín hiệu tới nhau. Các tế bào khỏe mạnh tuân theo các tín hiệu báo dừng sinh trưởng để không gây ra tổn thương khi số lượng tế bào đã đạt đến giới hạn.

Riêng với Ung thư, một vài lỗi trong các tế bào đã ngăn hệ thống tín hiệu vận chuyển thông tin. Đoạn phim sau sẽ minh họa rõ hơn quá trình này.

Đặc tính không liên kết với nhau

Với Ung thư, các tế bào có thể đánh mất các phân tử trên bề mặt có tác dụng giữ các tế bào bình thường ở đúng vị trí. Vì vậy, chúng có thể tách rời khỏi các tế bào xung quanh. Điều này giải thích việc ung thư di căn tới các bộ phận khác trong cơ thể.

te bao ung thu khong lien ket voi nhau

Tế bào ung thư không biệt hóa

Không giống như các tế bào khỏe mạnh, các tế bào UT không tiếp tục trưởng thành hay trở nên chuyên biệt. Các tế bào bình thường sẽ trưởng thành để chúng có thể thực hiện chức năng của chúng trong cơ thể. Các nhà khoa học gọi đó là quá trình biệt hóa trưởng thành của tế bào. Còn với ung thư, các tế bào thường được sản xuất rất nhanh và không có cơ hội trưởng thành.

Bởi vì các tế bào không trưởng thành, chúng không thể hoạt động đúng chức năng. Và bởi vì các tế bào hư hỏng này phân chia nhanh hơn bình thường, nên có nhiều khả năng chúng sẽ tiếp nhận thêm nhiều sai sót trong gen của chúng. Điều này có thể làm cho chúng thậm chí còn hư hỏng hơn và khiến chúng phân chia và phát triển nhanh hơn nữa.

Không tự sửa chữa hoặc chết

Các tế bào bình thường có thể tự sửa chữa nếu gen của chúng bị hỏng. Điều này được gọi là sự tự sửa chữa ADN. Nếu tổn thương quá nặng, chúng sẽ tự hủy. Các nhà khoa học gọi quá trình này là sự chết của tế bào (apoptosis).

Với ung thư, các phân tử quyết định liệu tế bào có nên tự sửa chữa hay không. Ví dụ, một protein có tên p53 thường xác định việc tế bào tự sửa chữa hay yêu cầu tế bào tự chết. Tuy nhiên, nhiều bệnh ung thư có chứa p53 bị lỗi, do vậy các tế bào này không thể tự sửa chữa chính xác được.

Khi các tế bào không thể tự sửa chữa tổn thương của gen, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Sự hình thành của các lỗi gen mới (đột biến) có thể làm cho các tế bào phát triển nhanh hơn, lan sang các bộ phận khác của cơ thể hoặc trở nên kháng trị.

Chúng có thể bỏ qua các tín hiệu yêu cầu tự hủy. Vì vậy, chúng không trải qua sự chết theo chu trình trong khi chúng đáng ra nên vậy, điều này thường được các nhà khoa học gọi là tế bào ung thư ‘bất tử’.

Hình dạng tế bào ung thư khác tế bào bình thường

Dưới kính hiển vi, các tế bào UT có thể trông rất khác so với các tế bào khỏe mạnh. Chúng có nhiều kích thước khác nhau, đôi khi có thể lớn hơn tế bào bình thường và thỉnh thoảng lại nhỏ hơn. Chúng thường có hình dạng bất thường và trung tâm điều khiển của tế bào (nhân tế bào) cũng có thể biến dạng.


Cập nhật 17/03/2019
Nguồn tham khảo: Cancer Cells

Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm

Các bài viết liên quan

Filed Under: Hiểu Về Ung Thư, Kiến Thức Ung Thư Tagged With: Hiểu Về Ung Thư, Kiến Thức Ung Thư

DMCA.com Protection Status

Copyright © 2019 Salt Cancer Initiative