Dịch thuật: Phan Thị Hiếu, Ngọc Trâm, Hoàng Khang, Đăng Khoa
(SCI Blog) – Xạ trị kéo dài có thể dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn như những thay đổi về da, tóc, hội chứng viêm tại một số cơ quan điều trị, đôi khi dẫn đến xuất huyết… Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn đã hoặc đang xạ trị. Ngày nay, các nghiên cứu mỗi lúc một hoàn thiện để tìm ra cách xạ trị tốt hơn – ít ảnh hưởng hơn đến các mô lành xung quanh vị trí xạ trị.
Xạ trị có thể gây ra một số tác dụng phụ kéo dài như rụng tóc và những thay đổi về da.
I. Những tác dụng phụ phổ biến:
Sau khi xạ trị, cơ thể bạn có thể bị ảnh hưởng, điều này phụ thuộc vào vị trí và kích thước vùng cần xạ trị:
- Da bị sạm hơn ở vị trí xạ trị – tương tự bị cháy nắng.
- Khi chạm vào da có thể thấy khác.
- Tóc có thể bị đổi màu hay xơ cứng.
- Bạn có thể bị rụng tóc vĩnh viễn tại vùng xạ trị.
- Bạn có thể có những vết đỏ trên da (tĩnh mạch mạng nhện – telangiectasia) do một số mạch máu bị vỡ.
- Phù bạch huyết do kênh bạch huyết đến tay hoặc chân có thể bị tắc nghẽn một phần gây sưng.
- Vô sinh nếu bộ phận sinh dục của bạn nằm trong vùng xạ trị.
Bạn nên nhớ rằng xạ trị chỉ ảnh hưởng lên phần cơ thể được điều trị. Điều đó có nghĩa, xạ trị không gây biến đổi ở những phần cơ thể khác.
Mời bạn xem thêm:
II. Ảnh hưởng dài hạn lên mô:
Xạ trị làm cho các mô ít co giãn hơn. Bác sĩ gọi đây là hiện tượng xơ hóa. Mức độ ảnh hưởng của nó sẽ phụ thuộc vào phần cơ thể được điều trị. Sự xơ hóa có thể gây ra bất kỳ triệu chứng sau:
- Đi tiểu thường xuyên do bàng quang ít co giãn hơn và giữ ít nước hơn sau khi xạ trị vùng bụng.
- Vú trở nên săn hơn hoặc cứng hơn sau khi xạ trị vú.
- Âm đạo trở nên hẹp hơn và ít co giãn hơn sau khi điều trị vùng chậu.
- Tay có thể bị phù sau khi điều trị vùng vai.
- Chân có thể bị phù sau khi điều trị vùng háng.
- Khó thở do phổi ít co dãn sau khi điều trị phổi hoặc ngực.
- Khó nuốt do hẹp thực quản sau khi điều trị vùng cổ hoặc ngực.
III. Ảnh hưởng dài hạn lên vùng chậu:
Xạ trị vùng chậu có thể dẫn đến:
- Rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy – thuốc có thể làm giảm triệu chứng này.
- Viêm bàng quang gây đau và có cảm giác mắc tiểu.
- Đau bụng do nhiễm trùng đường tiểu, rối loạn tiêu hóa hoặc do những tổn thương nhỏ trong xương chậu.
- Hệ thống tiêu hóa không hấp thu vitamin B12 vào máu – nó gây thiếu hụt vitamin B12
- Xuất huyết bàng quang, ruột hoặc âm đạo – bạn cần gặp bác sĩ ngay nếu xảy ra triệu chứng này.
- Cảm giác ngứa ngáy khó chịu, tê rần ở 1 hoặc 2 bên chân – nó rất hiếm và được gọi là bệnh cơ thắt lưng do xạ trị (RILP)
- Xương chậu yếu hơn – bạn có thể chụp X quang (DEXA scan) để kiểm tra.
Những thay đổi này có thể dần dần xuất hiện trong một thời gian dài, đôi khi vài năm. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn đã xạ trị trước đây và lo lắng về tác dụng phụ.
Mời bạn xem thêm một số tác dụng phụ của xạ trị vùng chậu:
III. Những phương thức mới trong xạ trị:
Xạ trị trở nên chính xác hơn bao giờ hết. Các kỹ thuật xạ trị hiện tại, như xạ trị phù hợp và xạ trị điều biến cường độ (IMRT), giúp định hình chính xác chùm bức xạ để phù hợp với bệnh ung thư. Điều này đồng nghĩa sẽ ngày càng ít các mô khỏe mạnh bị nhận tia bức xạ và vì thế những tác dụng phụ sẽ ít hơn.
Mời bạn xem thêm:
Các nghiên cứu vẫn tiếp tục được xem xét để tìm cách làm cho xạ trị ngày càng chính xác hơn.
Cập nhật ngày 28/04/2020
Tham khảo nguồn: Long term side effects of radiotherapy
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm