Dịch thuật: Hoàng Tuấn – Trần Lý – Tường Khánh – Ngọc Hạnh
(SCI Blog) – Sốt là khi nhiệt độ cơ thể tăng lên cao hơn 37.5 độ C (99.5 độ F), thường là biểu hiện của cơ thể trong quá trình chống lại nhiễm trùng. Sốt có 3 giai đoạn: nóng lên, nhiệt độ cơ thể ngừng tăng, hạ nhiệt. Tăng nhiệt độ cơ thể có thể là một vấn đề lớn đối với người già và trẻ em. Với phần lớn bệnh nhân, nguyên nhân của cơn sốt (ví dụ như nhiễm trùng), có thể gây ra nhiều vấn đề hơn bản thân cơn sốt.
Bị sốt, nghĩa là nhiệt độ cơ thể trở nên cao hơn mức bình thường. Nhiệt độ tăng lên do một số nguyên nhân bên trong cơ thể, ví dụ như nhiễm trùng.
Sốt là gì?
Khi bị sốt, nhiệt độ cơ thể tăng lên cao hơn 37.5 độ C (99.5 độ F). Điều này chứng tỏ cơ thể của bạn đang bất ổn ở đâu đó.
Một phần của bộ não gọi là vùng dưới đồi có chức năng kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Thông thường, nhiệt độ bên trong cơ thể được giữ ở khoảng 37 độ C (98.6 độ F). Nhiệt độ sẽ thay đổi tùy từng thời điểm trong ngày và sự vận động của cơ thể nhưng nhìn chung, nhiệt độ sẽ dao động từ 36.5 đến 37 độ C.
Sốt là triệu chứng thường thấy ở các bệnh nhân ung thư. Nó có thể gây khó chịu và khiến bạn cũng như những người chăm sóc bạn cảm thấy lo lắng. Nếu bạn là bệnh nhân ung thư và gặp một số triệu chứng sốt, nhiễm trùng thì có thể nó không sao cả, nhưng cũng có thể đó là biểu hiện của nhiễm trùng rất nghiêm trọng.

Bạn nên làm gì?
Nếu bạn đang điều trị ung thư và nhiệt độ cơ thể bạn cao quá 37.5 độ C, hãy gọi ngay đến đường dây tư vấn hoặc đến cơ sở y tế gần nhất. Bạn nên lưu số để liên lạc với họ 24/24.
Nhiễm trùng hoặc sốt được điều trị càng sớm, bạn càng ít gặp phải những biến chứng nghiêm trọng. Việc tìm ra nguyên nhân gây sốt đóng vai trò rất quan trọng trong việc tìm ra cách chữa trị nhanh chóng và hiệu quả nhất.
3 giai đoạn của sốt
Sốt là cách để cơ thể cho bạn biết có điều gì đó không ổn đang xảy ra. Nói một cách khác, cơn sốt giúp bạn chống lại sự nhiễm trùng.
Điều này xảy ra trong 3 giai đoạn:
Cơ thể của bạn phản ứng và nóng lên
Hệ thống máu và bạch huyết trong cơ thể tạo ra bạch cầu để chống nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng, cơ thể sẽ tạo ra nhiều tế bào bạch cầu. Các tế bào này sẽ hoạt động tích cực để chống lại nhiễm trùng.
Sự gia tăng các tế bào bạch cầu ảnh hưởng đến vùng dưới đồi của não, khiến cơ thể bạn nóng lên và gây sốt.
Trong giai đoạn đầu của cơn sốt, bạn thường cảm thấy lạnh và rùng mình. Đây là phản ứng của cơ thể đối với sự tăng nhiệt độ. Các mạch máu dưới da co lại, ép máu từ lớp biểu bì bên ngoài vào sâu trong cơ thể – nơi dễ giữ nhiệt hơn.
Lớp biểu bì bên ngoài trở nên lạnh hơn và cơ bắp của bạn sẽ co lại, khiến bạn rùng mình. Rùng mình sinh ra nhiều nhiệt hơn và làm tăng nhiệt độ cơ thể hơn nữa.
Nhiệt độ cơ thể ngừng tăng lên

Ở giai đoạn thứ hai của cơn sốt, lượng nhiệt tạo ra và mất đi là như nhau. Cơn rùng mình ngưng lại và nhiệt độ cơ thể được giữ lại ở mức cao mới.
(Ảnh: Sưu tầm)
Hạ nhiệt
Cơ thể bắt đầu hạ nhiệt và đưa nhiệt độ về mức bình thường. Mạch máu dưới da trở về kích thước ban đầu, giúp máu lưu thông tại các khu vực này. Mồ hôi giúp cơ thể hạ nhiệt, thông qua việc làm mát lớp da.

Việc hạ sốt có thể hoặc không thể xảy ra một cách tự nhiên. Bạn có thể phải cần đến thuốc để hạ sốt, cũng như chữa trị những nguyên nhân cơ bản của cơn sốt.
Đối tượng dễ bị biến chứng nhất
Nguy cơ xuất hiện những biến chứng của cơn sốt ở trẻ nhỏ và người già là rất cao. Vùng dưới đồi ở người già không hoạt động tốt như ở người trẻ.
Nhiệt độ tăng lên quá cao có thể gây ra một số vấn đề tim mạch và rối loạn nhận thức.
Trẻ em dưới 6 tuổi có thể bị co giật nếu nhiệt độ lên quá cao. Nhưng với phần lớn bệnh nhân, nguyên nhân của cơn sốt (ví dụ như nhiễm trùng), có thể gây ra nhiều vấn đề hơn bản thân cơn sốt.
Mời bạn xem thêm các bài viết cùng chủ đề:
Cập nhật ngày 26/03/2020
Tham khảo nguồn: Fever
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm