• Skip to content

Salt Cancer Initiative

Thư Viện Kiến Thức Ung Thư

  • Kiến Thức Ung Thư
  • Chăm Sóc Cảm Xúc
  • Chăm Sóc Thể Chất
  • Ủng Hộ

SCI Writer /

Nguyên nhân gây sốt: Ung thư và nguy cơ nhiễm trùng

Chia sẻ bài viết này trên:

  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

Dịch thuật: Ngọc Trâm, Trần Lý, Tường Khánh, Ngọc Hạnh


(SCI Blog) – Ung thư và điều trị ung thư có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở bệnh nhân. Vì lúc này, hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, tạo điều kiện cho những vi sinh vật tồn tại sẵn có trên bề mặt da, môi trường hoặc trong cơ thể phát triển gây viêm nhiễm. Sự nhiễm trùng có thể đến từ vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc động vật nguyên sinh. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc điều dưỡng nếu bạn lo lắng về nguy cơ bị nhiễm trùng.

I. Các loại nhiễm trùng

Ung thư và việc điều trị ung thư có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng ở bệnh nhân.

Mời bạn xem thêm:

Xuất phát điểm của nhiễm trùng

Nhiễm trùng gây ra bởi các sinh vật nhỏ bé (sinh vật) xâm nhập vào cơ thể và bắt đầu nhân lên. Một số sinh vật vô hại và hỗ trợ hoạt động của cơ thể. Một số khác thì gây bệnh.

Bạn có thể bị nhiễm trùng và bị bệnh nếu những sinh vật này xâm nhập vào cơ thể và hệ miễn dịch không thể chống lại chúng ngay lập tức. Có những loại nhiễm trùng rất nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt nếu bạn có sức đề kháng yếu do điều trị ung thư.

Một vài loại ung thư và việc điều trị ung thư có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch vì cản trở tủy xương sản sinh ra các tế bào máu giúp chống nhiễm trùng, làm bệnh nhân tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.

Các tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng nhất trong việc chống lại nhiễm trùng. Tình trạng số lượng bạch cầu thấp được gọi là bệnh giảm bạch cầu (neutropenia).

Tất cả chúng ta thường được bao phủ bởi vi khuẩn vô hại với chúng ta. Những người bị giảm bạch cầu sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng từ vi khuẩn hoặc virus sống trên da hoặc trong hệ tiêu hóa.

II. Tác nhân gây nhiễm trùng

Mời bạn xem thêm:

Nguyên nhân gây sốt: Nhiễm trùng (trong và sau điều trị)

2.1. Vi khuẩn

vi khuẩn là 1 nguyên nhân của nhiễm trùng

Vi khuẩn là nguyên nhân gây nhiễm trùng phổ biến nhất ở bệnh nhân ung thư.

(Ảnh minh họa: Sưu tầm)

Những loại vi khuẩn thường gặp như:

Staphylococcus

Nhiễm trùng Staphylococcus (thường gọi tắt là Staph) gây ảnh hưởng chủ yếu trên da. Hai loại Staphylococcus phổ biến là Staphylococcus epidermis và Staphylococcus aureus.

Chúng thường gây nhiễm trùng nhẹ, nhưng có thể gây nhiễm trùng nặng hơn ở bệnh nhân ung thư. MRSA là loại nhiễm Staphylococcus aureus mà kháng sinh thông dụng không thể điều trị được. MRSA là viết tắt của Methicillin Resistant Staphylococcus Aureus hay Tụ cầu kháng methicillin.

Tụ cầu khuẩn Staphylococcus thường được tìm thấy xung quanh các đường dẫn truyền trung tâm như đường PICC (Đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên).

Streptococcus

Streptococci (gọi tắt là Strep.) là những vi khuẩn phổ biến gây ra viêm amidan và nhiễm trùng da (viêm mô tế bào). Chúng thường được điều trị bằng kháng sinh như penicillin. Viêm phổi do phế cầu khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở phổi do một loại vi khuẩn Strep gây ra, và thường gặp ở những bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ lá lách.

Vi khuẩn Streptococcus thường được tìm thấy xung quanh các đường dẫn truyền trung tâm như đường PICC (Đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên).

Một loại vi khuẩn khác có thể ảnh hưởng đến những bệnh nhân ung thư là Enterococci. Chúng có thể gây ra nhiễm trùng bàng quang và nhiễm độc máu (nhiễm trùng máu)

Pseudomonas

Nhiễm trùng Pseudomonas thường hiếm gặp hơn nhưng bệnh nhân có thể mắc phải nếu hệ miễn dịch suy yếu hoặc đã nằm viện một thời gian. Các vi trùng này sống trong đất, nước và trên da.

Clostridium difficile

Nhiễm trùng Clostridium difficile (C. diffcile) phổ biến ở bệnh nhân đã dùng kháng sinh. Một số loại vi khuẩn có thể sống trong ruột của chúng ta mà không gây hại khi số lượng của chúng ở mức vừa phải Nhưng việc sử dụng kháng sinh có thể làm đảo lộn sự cân bằng và cho phép một số vi khuẩn sinh sôi và gây hại.

Các triệu chứng bao gồm tiêu chảy, đau bụng hoặc sốt.

Escherichia coli

Nhiễm trùng Escherichia coli (E. coli) làm ảnh hưởng đến ruột, gây tiêu chảy, đau bụng hoặc sốt.

Listeria monocytogenes

Listeria monocytogenes thường được gọi tắt là Listeria. Đây là nhiễm trùng gây ra do ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Nhiễm trùng loại này rất hiếm gặp, nhưng có thể gây hậu quả nghiêm trọng ở bệnh nhân có hệ miễn dịch bị suy yếu.

Bệnh nhân ung thư có thể tăng nguy cơ bị bệnh hơn người bình thường. Do đó, để giảm giảm nguy cơ nhiễm bệnh bạn có thể tránh ăn một số loại thực phẩm như:

  • Thịt đóng gói sẵn, cắt lát
  • Phô mai mềm hoặc paté
  • Cá hun khói
  • Đồ ăn chế biến sẵn
  • Bánh sandwich chế biến sẵn
  • Sữa chưa tiệt trùng

2.2. Virus

Con Quái Vật, Màu Xanh, Internet, Tấn Công, Tường Lửa

Virus là những tiểu phân nhỏ không thể tự sống. Để sinh sản, chúng cần xâm nhiễm vào một tế bào sống, chẳng hạn như tế bào trong cơ thể con người.

(Ảnh minh họa: Sưu tầm)

Bệnh cảm cúm là bệnh do vi rút gây ra. Các loại Virus phổ biến nhất gây bệnh ở bệnh nhân ung thư: 

Virus cảm lạnh thông thường

Virus cảm lạnh thông thường khá phổ biến ở người khỏe mạnh và thường không gây ra vấn đề lớn. Nhưng những vi rút này có thể gây bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm phổi, nếu hệ miễn dịch của bạn suy yếu. Nếu liệu pháp điều trị ung thư làm suy yếu hệ miễn dịch, bạn nên cố gắng tránh xa những người bị cảm, mặc dù việc này có vẻ khó khăn.

Herpes sinh dục

Herpes sinh dục là một loại vi rút gây lở loét và mụn rộp sinh dục.

Những lây nhiễm này thường nhẹ khi bạn có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nhưng Virus này có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng cho những người có hệ miễn dịch yếu, bao gồm bệnh nhân ung thư.

Varicella zoster

Varicella zoster thuộc họ Virus herpes. Varicella zoster cũng là virus gây bệnh thủy đậu. Nó có thể gây nhiễm trùng rất nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong ở bệnh nhân ung thư (chẳng hạn như viêm phổi).

Virus này cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng đau đớn gọi là bệnh zona. Bạn chỉ có thể mắc bệnh zona nếu bạn đã bị thủy đậu trong quá khứ. Điều này là do sau khi bạn bị thủy đậu, vi rút không biến mất hoàn toàn. Nó nằm bất hoạt trong cơ thể nhưng có thể hoạt động trở lại nếu hệ miễn dịch bị suy yếu.

Đây là lý do tại sao bệnh nhân có thể bị zona sau khi điều trị hóa trị.

Cytomegalovirus (CMV)

Cytomegalovirus (CMV) khá phổ biến và có thể gây ra nhiều loại nhiễm trùng.

Cytomegalo nghĩa là tế bào lớn, đây là chính hình ảnh của các tế bào bị lây nhiễm khi được quan sát dưới kính hiển vi (sưng và phồng to). Hầu như mọi người đều từng bị nhiễm CMV trước khi tuổi trưởng thành.

Vi rút này không quá nghiêm trọng. Nhưng nó có thể nằm bất hoạt trong cơ thể nhiều năm và gây nhiễm trùng tái phát.

Nhiễm trùng thường chỉ trở thành vấn đề đáng lo ngại ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch rất yếu. Ví dụ, vi rút này có thể gây nhiễm trùng ngực nghiêm trọng sau khi ghép tế bào gốc hay ghép tế bào tủy sống.

Cảm cúm

Cảm cúm là một bệnh nhiễm trùng do vi rút. Nó rất dễ lây nhiễm. Bạn chủ yếu bị lây nhiễm khi hít phải các giọt chất dịch mà người bệnh ho và hắt hơi vào không khí.

Cảm cúm làm bạn mệt mỏi nhanh hơn cảm lạnh. Các triệu chứng bao gồm:

  • Sốt
  • Đau nhức cơ bắp
  • Ho
  • Đau đầu

Nhiều phương pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, vì thế cơ thể bệnh nhân giảm khả năng chống lại nhiễm trùng. Bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để khỏi bệnh. Và bạn có nhiều khả năng gặp phải các biến chứng như nhiễm trùng ngực.

Bác sĩ có thể đề nghị bạn tiêm phòng cảm cúm, và sẽ thông báo cách thức và thời điểm tiêm.

2.3. Nhiễm nấm

Nấm có thể sống trong cơ thể chúng ta mà không gây bất kỳ vấn đề gì. Nhưng nếu hệ miễn dịch suy yếu, chính những loại nấm sống trong cơ thể chúng ta sẽ gây bệnh.

Bệnh nhiễm nấm phổ biến nhất ở bệnh nhân ung thư là Candida (bệnh tưa miệng). Bạn có nhiều khả năng mắc bệnh tưa miệng nếu bạn bị đau miệng do hóa trị hoặc xạ trị. Nước súc miệng Chlorhexidine có thể giúp ngăn ngừa bệnh tưa miệng. Bạn có thể nhận thấy các mảng trắng nổi lên trên vùng da đỏ và đau bên dưới.

Bệnh tưa miệng có thể được điều trị bằng (Cần tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng):

  • Một loại thuốc chống nấm dạng lỏng gọi là nystatin
  • Gel hoặc kem miconazole.
  • Thuốc fluconozole

Nếu phương pháp điều trị thứ nhất hoặc thứ hai không hiệu quả, bạn có thể được phết lấy mẫu để xét nghiệm xem bệnh tưa miệng của bạn nhạy cảm với thuốc nào.

Phụ nữ có thể bị nhiễm nấm âm đạo, có thể được điều trị bằng thuốc chống nấm hoặc viên đặt âm đạo.

Những loại nhiễm nấm ít phổ biến hơn gồm:

  • Aspergillosis
  • Pneumocytis

Aspergillus có thể gây nhiễm trùng ngực nghiêm trọng và cần điều trị bằng thuốc chống nấm qua truyền dịch.

Viêm phế quản có thể gây ra dạng viêm phổi nghiêm trọng gọi là PCP (viết tắt của Pneumocystis Carinii Pneumonia). Bác sĩ có thể dùng co-trimoxazole (Septrin) để ngăn ngừa hoặc điều trị cho bạn.

2.4. Nhiễm trùng Protozoa

Protozoa là những động vật nguyên sinh nhỏ nhất được con người biết đến. Toxoplasmosis là một bệnh nhiễm trùng do động vật nguyên sinh. Nó chỉ gây bệnh nhẹ ở người khỏe mạnh, nhưng đối với những người có hệ miễn dịch cực kỳ yếu thì nó có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng lan đến não.

Hãy nhớ rằng nhiều trong số những bệnh nhiễm trùng kể trên chỉ trở nên đáng lo ngại nếu sức đề kháng của bạn giảm xuống rất thấp. Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc điều dưỡng chuyên khoa nếu bạn lo lắng về nguy cơ bị nhiễm trùng.

Mời bạn xem thêm bài viết cùng chủ đề:

Triệu chứng nhiễm trùng

Cập nhật ngày 10/05/2020
Tham khảo nguồn: Causes of fever: Infections: Types of infections

Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm

Các bài viết liên quan

Filed Under: Đối Phó Sốt - Nhiễm Trùng, Featured-CSTC, Featured-KTUT, Kiến Thức Ung Thư Tagged With: Đối Phó Sốt - Nhiễm Trùng

DMCA.com Protection Status

Copyright © 2019 Salt Cancer Initiative