Dịch thuật: Ngọc Trâm, Bá Tùng, Tường Khánh, Ngọc Hạnh
(SCI Blog) – Những phương pháp điều trị ung thư như: hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch, cấy ghép tế bào gốc hay tế bào tủy xương nhắm đến việc ngăn chặn và tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên, chúng cũng làm hệ miễn dịch của bạn yếu đi và có nguy cơ bị nhiễm trùng và bị sốt. Sự nhiễm trùng sẽ rất nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc phòng, chống nhiễm trùng khi đang điều trị ung thư.
NHIỄM TRÙNG TRONG HOẶC SAU ĐIỀU TRỊ
Bị ung thư hay điều trị ung thư có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của bạn. Do đó bạn dễ bị nhiễm trùng và bị sốt hơn.
1. Hóa trị
1.1. Hóa trị là gì?

Hóa trị là một loại hình điều trị ung thư bằng thuốc. Thuốc hóa trị sẽ đi theo hệ tuần hoàn và tiêu diệt tế bào ung thư.
Mời bạn xem thêm:
Thuốc hóa trị cũng làm ảnh hưởng đến những tế bào khỏe mạnh như tế bào bạch cầu. Tủy xương sản sinh ra tế bào bạch cầu và các tế bào này đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại sự nhiễm trùng.
Hóa trị và nhiễm trùng
Sau khi hóa trị, nếu lượng bạch cầu của bạn thấp, bạn có nhiều khả năng bị nhiễm trùng. Bất kỳ sự nhiễm trùng nào cũng có thể trở nên xấu đi một cách nhanh chóng. Bởi vì khi hóa trị, hệ miễn dịch của bạn không còn tốt như trước. Vì vậy, những nhiễm trùng đơn giản thường ngày có thể đe dọa đến tính mạng trong vòng vài giờ nếu không được điều trị.
Điều dưỡng hoặc bác sĩ sẽ cho bạn biết về những triệu chứng nhiễm trùng cần chú ý và khi nào bạn cần gọi đường dây tư vấn hoặc tái khám tại bệnh viện.
Không phải tất cả thuốc hóa trị đều ảnh hưởng đến tủy xương và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhưng đa số có gây ảnh hưởng. Việc tủy xương có bị ảnh hưởng hay không phụ thuộc vào:
- Loại thuốc bạn sử dụng.
- Liều lượng thuốc sử dụng – liều càng cao thì khả năng ảnh hưởng đến tủy xương càng cao.
- Độ tuổi – khả năng ảnh hưởng đến tủy xương tăng lên nếu bạn là người cao tuổi.
- Sức khỏe tổng quát của bạn.
- Loại và giai đoạn ung thư.
1.2. Khi bạn có nguy cơ cao nhất
Những ảnh hưởng đến tủy xương thường bắt đầu khoảng 7 đến 10 ngày sau mỗi đợt điều trị. Đấy là khi số lượng tế bào máu của bạn thường ở mức thấp nhất. Nó được gọi là điểm cực tiểu (nadir). Số lượng tế bào máu thường trở lại bình thường trong khoảng từ 21 đến 28 ngày.
Khi số lượng tế bào máu của bạn ở mức thấp nhất, bạn có thể cảm thấy rất mệt mỏi (kiệt quệ). Một vài người cũng nói rằng họ cảm thấy chán nản. Điều này có thể thật sự khó để đối phó và khiến bạn tự hỏi liệu bạn có thật sự muốn tiếp tục điều trị hay không. Tình trạng mệt mỏi là do việc điều trị cũng làm ảnh hưởng đến các tế bào hồng cầu của bạn.
Mời bạn xem thêm:
Mọi thứ sẽ khá lên khi số lượng tế bào máu của bạn tăng. Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy khỏe hơn trước lần điều trị kế tiếp. Tuy nhiên, tế bào máu sẽ lại đi xuống sau mỗi đợt điều trị. Tin vui là một khi điều trị kết thúc, số lượng tế bào máu của bạn sẽ tăng lên lại và giữ ở mức bình thường.
Để đảm bảo tủy xương của bạn đang họat động tốt, bạn sẽ phải định kỳ tiến hành xét nghiệm máu tổng quát. Đôi khi, bác sĩ có thể cho bạn thuốc kháng sinh trong suốt liệu trình hóa trị để giúp chống lại sự nhiễm trùng hoặc ngăn bạn khỏi sự nhiễm trùng.
2. Xạ trị
2.1. Xạ trị là gì?
Xạ trị sử dụng tia X để điều trị tế bào ung thư. Xạ trị phá hủy những tế bào ung thư trong diện tích điều trị. Những tế bào khỏe mạnh cũng có thể bị ảnh hưởng bởi bức xạ nếu chúng nằm trong khu vực điều trị.
2.2. Xạ trị và nhiễm trùng
Xạ trị cũng có thể ảnh hưởng đến những tế bào trong tủy xương, nơi sản sinh ra tế bào máu, bao gồm cả tế bào bạch cầu. Nhìn chung, xạ trị chỉ ảnh hưởng đến khu vực đang được điều trị và hầu như ít ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu hơn hóa trị.
2.3. Ai có khả năng bị nhiễm trùng cao nhất
Xạ trị trên một diện tích lớn của cơ thể hay xạ trị lên vùng xương của chân, ngực, bụng hay xương chậu, nghĩa là tủy xương của bạn sẽ có khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Những người được chiếu xạ toàn bộ cơ thể trước khi cấy ghép tế bào gốc hoặc ghép tủy xương sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sẽ có lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu thấp.
Bạn sẽ phải định kỳ xét nghiệm máu tổng quát trong và sau khi điều trị để kiểm tra số lượng tế bào máu.

3. Phẫu thuật
Bất kỳ loại phẫu thuật nào cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng. Hoặc bất kỳ thủ thuật nào có rạch da như đặt đường truyền trung tâm hoặc đặt dẫn lưu. Nguy cơ nhiễm trùng phụ thuộc vào loại phẫu thuật hoặc thủ thuật bạn được thực hiện.
Mời bạn xem thêm:
Bạn có thể dùng thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng sau khi phẫu thuật hoặc thực hiện thủ thuật rạch da khác. Sau khi mổ, bạn có thể được đặt ống dẫn lưu tại chỗ để ngăn dịch tụ xung quanh vị trí mổ. Điều này quan trọng vì, bên cạnh làm cho bạn cảm thấy không thoải mái hoặc đau đớn, dịch không thoát ra được có thể là một vị trí nhiễm trùng.
Phẫu thuật làm yếu sức đề kháng của bạn ít hơn hóa trị hoặc cấy ghép tế bào gốc hoặc ghép tủy xương.
Bạn sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc vết thương và khi nào bạn nên báo cho đội ngũ y tế của mình nếu có bất kỳ lo ngại gì.
4. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch sử dụng chính hệ miễn dịch của chúng ta để chống lại ung thư. Liệu pháp này trị ung thư bằng cách giúp hệ miễn dịch nhận ra và tấn công các tế bào ung thư.
Một số liệu pháp miễn dịch sử dụng những cơ chất chống lại sự nhiễm trùng. Những cơ chất này được gọi là cytokine. Chúng là một nhóm các protein trong cơ thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch.
Khi bạn bị nhiễm trùng, cơ thể sản sinh ra cytokine. Chúng giúp kiểm soát và hướng hệ miễn dịch đến vị trí nhiễm trùng. Chúng gây ra một vài triệu chứng nhiễm trùng như sốt.
Khi bạn được điều trị một số liệu pháp miễn dịch, bạn sẽ nhận được một lượng cytokine lớn hơn lượng cytokine mà bình thường cơ thể sản sinh ra. Đây là lý do tại sao các triệu chứng như sốt có thể là tác dụng phụ của những liệu pháp này.
5. Cấy ghép tế bào gốc và ghép tủy xương
5.1. Cấy ghép là gì?
Cấy ghép tế bào gốc hoặc tủy xương là một phương pháp điều trị ung thư để thử và chữa một vài loại ung thư như ung thư bạch cầu, ung thư hạch và u tủy.
Tế bào gốc là những tế bào chưa biệt hóa được tạo ra từ tủy xương. Tủy xương là một vật liệu xốp trong ống xương và là nhà máy sản sinh ra các tế bào. Những tế bào gốc này phát triển thành hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
Để chuẩn bị cho việc cấy ghép, bạn có tiếp nhận một lượng rất lớn hóa trị, đôi khi là các loại thuốc điều trị ung thư nhắm trung đích. Bạn cũng có thể xạ trị toàn bộ cơ thể. Điều này là để cố gắng và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Điều trị liều cao làm tổn hại đến tủy xương của bạn, vì vậy bạn cần truyền tủy hoặc truyền tế bào gốc để thay thế các tế bào tủy xương bạn đã mất.
5.2. Cấy ghép và nhiễm trùng
Lượng tế bào bạch cầu của bạn sẽ ở mức khá thấp trong một thời gian sau khi cấy ghép. Điều này nghĩa là bạn sẽ có nhiều nguy cơ nhiễm trùng hơn. Nhiễm trùng có thể đến từ các vi khuẩn thường vô hại mà chúng ta có trong hệ tiêu hóa hoặc trên da.
Đây là một điều trị khá chuyên sâu vì vậy bạn thường được chỉ định thuốc kháng sinh và thuốc chống nấm để ngăn ngừa nhiễm trùng. Bên cạnh đó, bạn phải tuân thủ chặt chẽ những chỉ dẫn của đội ngũ y tế về chế độ ăn uống và vệ sinh cá nhân.

5.3. Bệnh mảnh ghép chống ký chủ (Graft versus host disease -GvHD)
Bệnh mảnh ghép chống ký chủ (GvHD) là một tác dụng phụ của việc cấy ghép mà một vài người mắc phải khi họ thực hiện cấy ghép tế bào gốc hoặc tủy xương từ người khác. Bệnh mảnh ghép chống ký chủ có thể từ nhẹ đến rất nghiêm trọng. Mặc dù nó không phải là một sự nhiễm trùng, nhưng nó thường gây sốt. Những điều trị dành cho bệnh GvHD, chẳng hạn như steroid và thuốc, làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của bạn, có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Mời bạn xem thêm:
Cập nhật ngày 26/03/2020
Tham khảo nguồn: Causes of fever: Infections: Infection during or after treatment
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm