Dịch thuật: Phương Thảo, Bá Tùng.
(SCI Blog) – Việc tiếp xúc với các yếu tố độc hại trong công việc có thể khiến bạn mắc bệnh ung thư. Chúng có thể gây bệnh sau một thời gian dài tiếp xúc, trong đó có thể kể đến amiang.
Bài viết này cung cấp thông tin cơ bản về các hoá chất và yếu tố nguy cơ của ung thư trong một số công việc và trang bị cho bạn một số kiến thức để bảo vệ bản thân trước tác hại của những yếu tố đó.
Những người làm trong một số ngành nghề nhất định có nguy cơ ung thư cao hơn do tiếp xúc với các loại bụi, khí hóa học, chất phóng xạ hoặc các yếu tố khác trong công việc của họ.
Các nhà khoa học ước tính rằng việc tiếp xúc với các yếu tố gây hại sức khỏe tại nơi làm việc là nguyên nhân của 4% số ca mắc ung thư ở Anh.
Nhưng điều quan trọng cần nhớ rằng vấn đề này chỉ ảnh hưởng đến số lượng nhỏ những người làm các công việc rất đặc thù. Những phơi nhiễm này hiện nay không còn là một vấn đề lớn ở Anh vì các hóa chất nguy hiểm nhất đã bị cấm từ nhiều năm trước, và chủ lao động được yêu cầu về mặt pháp lý phải ngăn chặn và kiểm soát sự phơi nhiễm với hóa chất và các yếu tố gây hại sức khỏe có thể dẫn đến ung thư.
Nhưng, ung thư có thể mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ đế phát triển. Vì vậy, một số người có nguy cơ mắc ung thư cao hơn bình thường bởi vì họ đã từng làm việc với các chất gây ung thư trước khi những quy định có hiệu lực.
Những loại nghề nghiệp nào có thể làm bạn có nguy cơ mắc ung thư?

Một số loại nghề nghiệp có nguy cơ cao hơn, tùy thuộc vào mức độ phơi nhiễm của mỗi người trong từng công việc cụ thể của họ, bao gồm:
- Nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp – tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng mặt trời và một số hóa chất nông nghiệp có thể làm tăng nguy cơ.
- Xây dựng và sơn – Tiếp xúc với amiang, quá nhiều ánh sáng mặt trời, silica, khí thải động cơ diesel, các sản phẩm than, sơn và dung môi hoặc bụi gỗ có thể làm tăng nguy cơ.
- Các ngành chế biến và khai thác khoáng sản – tiếp xúc với nhiên liệu hóa thạch (như dầu mỏ, sản phẩm than, benzen và khí thải động cơ diesel), amiang, silica, dung môi hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ.
- Các ngành dịch vụ – tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều, hút thuốc thụ động hoặc khí thải động cơ diesel có thể làm tăng nguy cơ.
Một số hóa chất hoặc sự phơi nhiễm có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Về mặt pháp lý, các hóa chất này phải có cảnh báo nguy hiểm và việc sử dụng chúng phải được kiểm soát chặt chẽ. Khi các hóa chất này vẫn còn được sử dụng, chúng được kiểm soát để cho công nhân tiếp xúc trong giới hạn an toàn.
Người sử dụng lao động có nghĩa vụ pháp lý phải bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của nhân viên theo ‘Đạo luật về Sức khỏe và An toàn tại nơi làm việc’ (1974) và ‘Quy định về Quản lý Sức khỏe và An toàn tại nơi làm việc (1999).
Các quy định về sức khỏe và an toàn được đặt ra để bảo vệ những người làm việc với các chất độc hại tại nơi làm việc. Cơ quan Quản lý Sức khỏe và An toàn (HSE) và Sức khỏe Cộng đồng Anh (PHE) có thể cung cấp thêm thông tin về vấn đề này.
HSE ban hành hướng dẫn để bảo vệ những người làm việc các hóa chất nguy hiểm và cung cấp hướng dẫn về công việc có khả năng mắc ung thư, chẳng hạn như tiếp xúc với bức xạ ion hóa hoặc làm việc ngoài trời.
Amiang
Amiang là một nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng trong quá khứ để cách nhiệt các tòa nhà. Nó được tạo thành từ các sợi nhỏ và nếu chúng ta hít vào có thể gây ung thư trung biểu mô (ung thư màng phổi), cũng như ung thư phổi, thanh quản và buồng trứng.
Có ba loại amiang. Mặc dù cả ba loại này đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta, nhưng Amosite (amiang nâu) và Crocidolite (amiang xanh) lại nguy hiểm hơn Chrysotile (amiang trắng). Điều này là do các sợi amiang nâu và xanh có cấu trúc ngắn và sắc nên khó bị cơ thể đào thải hơn.
Mặc dù việc sử dụng amiang đã bị cấm ở Anh từ năm 1999, những người trước đây từng làm việc với amiang hoặc những người trang trí lại hoặc sửa chữa các cấu trúc có chứa amiang có thể có nguy cơ mắc ung thư.
Cần làm gì với amiang?
Thường phải mất một thời gian dài (trung bình hơn 20 năm) để mọi người mắc ung thư sau khi họ đã tiếp xúc với amiang.
Nếu bạn mắc ung thư trung biểu mô do nhiễm amiang, bạn có đủ điều kiện để được bồi thường tại Anh
Nếu bạn lo lắng về sự hiện diện của các vật liệu có chứa amiang, điều quan trọng là phải xin lời khuyên từ một nhà thầu được phê duyệt. Bạn có thể tìm một nhà thầu bằng cách liên hệ với Hiệp hội các nhà thầu loại bỏ amiang. Amiang chỉ nguy hiểm khi các sợi của nó được giải phóng vào không khí, vì vậy đừng tác động đến amiant để tránh giải phóng các sợi đó.
Làm việc ngoài trời
Nếu bạn phải làm việc ngoài trời, có thể bạn phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều. Vì vậy, đối với người lao động ngoài trời, thực hiện các bước thích hợp để bảo vệ bản thân vô cùng quan trọng.
Lời khuyên để bảo vệ chính mình
Trong những tháng mùa hè khi ánh nắng mặt trời gay gắt, những người làm việc ngoài trời có thể làm giảm sự nhiễm tia cực tím bằng cách:
- Ở trong bóng râm, đặc biệt là từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều
- Che lại bằng quần áo; đội mũ bảo hộ che mặt và cổ cũng như áo dài tay và kính râm
- Sử dụng kem chống nắng ít nhất là SPF15, bôi lại thường xuyên và lan rộng. Nếu công việc của bạn vất vả, kem chống nắng dễ dàng bị rửa sạch do mồ hôi. Hãy thử một loại kem chống nắng có hàm lượng dầu thấp và bôi lại thường xuyên.
Nếu bị cháy nắng, hãy nói với chủ của bạn và thảo luận về những biện pháp khắc phục có thể thực hiện.
Mời bạn xem thêm Bài viết chủ đề Ánh nắng mặt trời và nguy cơ ung thư da:
Làm việc theo ca và ung thư
Trước đây, một số nghiên cứu làm dấy lên sự lo ngại rằng làm việc theo ca hoặc tiếp xúc với ánh sáng vào buổi tối có thể làm tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong số này được quan sát ở động vật, vì vậy không thể chứng minh rằng làm việc theo ca tăng nguy cơ ung thư vú ở người.
Năm 2007, Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã kết luận rằng làm việc ca tối có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Bằng chứng cho điều này không rõ ràng, một số nhà nghiên cứu cho thấy có sự liên quan trong khi những người khác thì không. Chúng ta cần nhiều bằng chứng xác thực hơn trước khi có thể nói chắc chắn liệu ca làm việc có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư vú hay không.
Hiện nay, lời khuyên của chúng tôi dành cho nhân viên làm việc theo ca cũng giống như tất cả những phụ nữ khác:
- Giảm nguy cơ ung thư vú bằng cách giảm uống rượu, năng động hơn và giữ cơ thể cân đối.
- Tìm hiểu những điều bình thường của cơ thể để giúp bạn phát hiện ra bất kỳ thay đổi bất thường nào.
- Gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy ngực của bạn có bất kỳ thay đổi bất thường hoặc dai dẳng nào.
Cập nhật ngày: 28/09/2020
Tham khảo nguồn: Cancer risks in the workplace
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm