Dịch thuật: Ngọc Trâm, Quỳnh Như, Anh Thư
(SCI Blog) – Bức xạ ion hóa là một loại bức xạ “năng lượng cao”,có thể làm ảnh hưởng lên tế bào, đột biến DNA dẫn đến ung thư. Có các loại bức xạ ion hóa khác nhau như tia gamma và tia X… Một số tia bức xạ được sử dụng trong y tế giúp chẩn đoán bệnh chính xác và hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ định sử dụng cần được bác sĩ đề nghị, bạn không nên tự ý thực hiện nhằm tránh nguy cơ ung thư do việc chẩn đoán quá liều. Các thiết bị an ninh tại sân bay như máy quét hành lý (sử dụng bức xạ ion hóa liều thấp) và quét toàn thân (sử dụng sóng vô tuyến milimet có khả năng xuyên quần áo) rất an toàn và không có nguy cơ ung thư. Việc đi du lịch bằng máy bay tạo cơ hội tiếp xúc nhiều với các tia vũ trụ hơn so với những người dưới mặt đất. Tuy nhiên, lượng bức xạ này rất thấp và không có nguy cơ ung thư ngay cả khi bạn đi máy bay thường xuyên. Đến nay, chưa có bằng chứng rõ ràng nào chứng minh việc sinh sống gần nhà máy điện hạt nhân và những người sống sót sau thảm họa hạt nhân có nguy cơ ung thư cao hơn hay không. Các nghiên cứu vẫn đang được thực hiện để làm rõ luận điểm này.
Bức xạ ion hóa là gì?
Bức xạ ion hóa là một loại bức xạ “năng lượng cao”, có thể làm ảnh hưởng lên tế bào, đột biến DNA dẫn đến ung thư. Điều này khác với bức xạ không ion hóa, nó có năng lượng thấp hơn.
Có các loại bức xạ ion hóa khác nhau như tia gamma và tia X.
Điều đáng lưu ý là chúng ta tiếp xúc với bức xạ tự nhiên mỗi ngày. Khí Radon từ lớp vỏ trái đất chiếm hàm lượng bức xạ tự nhiên lớn nhất lên hầu hết mọi người sống tại Anh. Ngoài ra, hàng ngày chúng ta cũng tiếp xúc với các tia vũ trụ từ mặt trời, các vì sao, và các không gian bên ngoài Trái Đất,cả các bức xạ tự nhiên từ thực phẩm chúng ta ăn, nước chúng ta uống và nơi chúng ta đi.
Để tránh được những ảnh hưởng sức khỏe tiềm ẩn của bức xạ ion hóa, bất kỳ những tiếp xúc nhân tạo nào đều được quy định chặt chẽ.
Tia X sử dụng trong y tế có làm tăng nguy cơ ung thư không?
Tia X và các phương pháp hình ảnh học khác rất quan trọng trong việc hỗ trợ chẩn đoán các loại bệnh khác nhau, trong đó có ung thư. Một vài loại thăm dò như X-quang và quét CT (chụp cắt lớp điện toán) sử dụng bức xạ ion hóa. Rủi ro sức khỏe từ bức xạ của những liệu pháp này là rất thấp, trong khi đó lợi ích mang lại trong việc chẩn đoán đúng và điều trị thích hợp lại vượt trội hơn cả. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy chẩn đoán bằng tia X làm tăng nhẹ nguy cơ bị chẩn đoán ung thư trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ sau đó. Có khoảng 6 trong 1000 bệnh nhân tại Anh mắc ung thư được cho là do bức xạ chẩn đoán.
Mức độ bức xạ nhận được từ các phương pháp chẩn đoán y tế thường ít hơn lượng bức xạ tự nhiên chúng ta tiếp xúc trong một vài ngày hoặc một vài năm (nó phụ thuộc vào loại kỹ thuật thăm dò sử dụng và phần cơ thể bạn chụp). Mặc dù tia X sử dụng trong y tế làm tăng thêm mức độ tiếp xúc bức xạ bên cạnh các bức xạ tự nhiên sẵn có, chúng cũng mang lại những lợi ích tích cực cho bệnh nhân. Tuy vậy, ta nên hạn chế tiếp xúc với tia X và các thăm dò y tế khi không cần thiết.
Các loại tia X y khoa phổ biến
Có nhiều loại kiểm tra hình ảnh y tế khác nhau sử dụng tia X để chẩn đoán:
- Chụp X-quang để xem xét xương gãy, răng và ngực
- Chụp nhũ ảnh để sàng lọc ung thư vú
- Chụp CT để phát hiện những bệnh khác nhau, bao gồm một vài loại ung thư
- Chụp X-quang có cản quang, chẳng hạn như chụp X-quang barium, để xem xét hệ thống tiêu hóa
Một tia X phát ra bao nhiêu bức xạ?
Những kiểm tra này liên quan đến hàm lượng bức xạ khác nhau. Mức độ rủi ro từ bức xạ bạn nhận được sẽ phụ thuộc vào:
- Loại chẩn đoán hình ảnh bạn thực hiện: ví dụ như chụp X-quang ngực có bức xạ thấp hơn là quét CT ngực.
- Diện tích cơ thể: Ví dụ như chụp X-quang nha khoa có rủi ro thấp hơn chụp X-quang ngực.
- Độ tuổi: Bệnh nhân trẻ thường có nguy cơ cao hơn. Thai nhi cũng có nguy cơ cao, vì vậy, bạn cần báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư do phóng xạ cao hơn một chút so với nam giới
Có cách nào để giới hạn bức xạ nếu tôi cần chụp X-quang không?
Khi có thể, bác sĩ sẽ đề nghị bạn những xét nghiệm hình ảnh học khác không sử dụng bức xạ, ví dụ như siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Nhưng trong một số trường hợp, chụp X-quang là cách tốt nhất để chẩn đoán bệnh.
Nếu bạn lo lắng về một lượng lớn tia X, hãy trao đổi với bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể kể về những lần thăm dò bằng tia X trước đây bạn đã thực hiện. Chúng có thể có ích trong việc chẩn đoán, quản lý hoặc điều trị cho tình trạng hiện tại của bạn. Và chúng có nghĩa là bạn không cần phải thực hiện thêm các kiểm tra X-quang.

Rủi ro của chụp hình ảnh học dịch vụ là gì?
Một số công ty thương mại cung cấp dịch vụ quét CT và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) toàn cơ thể một cách rộng rãi cho công chúng. Những người có điều kiện kinh tế sẵn sàng chi trả để thực hiện những kiểm tra này, ngay cả khi chúng không được bác sĩ khuyến cáo và không thật sự cần thiết. Việc thực hiện có hại nhiều hơn có lợi.
Chụp CT và PET toàn thân cùng một lúc có lượng bức xạ cao hơn 1000 lần so với chụp X-quang ngực. Điều này có thể cần thiết với những bệnh nhân có nhu cầu y tế thực sự. Nhưng với người khỏe mạnh, không có triệu chứng thì nguy cơ sẽ vượt trội hơn lợi ích. Trong khi những phương pháp hình ảnh học này giúp phát hiện nguyên nhân gây triệu chứng, đối với người không có triệu chứng nó có thể phát hiện những bất thường vô hại, hoặc những tình trạng không gây ảnh hưởng đến bản thân. Từ đó, dẫn đến các xét nghiệm và điều trị không cần thiết.
Du lịch hàng không có làm tăng nguy cơ ung thư không?

Di chuyển bằng máy bay rất an toàn và không có nguy cơ ung thư.
Việc di chuyển bằng máy bay có khiến con người tiếp xúc với bức xạ không?
Trái Đất nhận một lượng lớn tia vũ trụ từ không gian và lớp khí quyển giúp bảo vệ chúng ta khỏi hầu hết các tia này. Càng lên cao, lớp khí quyển càng mỏng, vì vậy, khi bay trong máy bay người ta sẽ nhận được nhiều bức xạ từ vũ trụ hơn khi họ ở dưới mặt đất.
Một hành khách sẽ nhận được một lượng bức xạ cực nhỏ, nhưng mức độ bức xạ khá thấp rất khó dẫn đến ung thư ngay cả khi họ là người đi máy bay thường xuyên.
Máy quét cơ thể tại sân bay có sử dụng bức xạ?
Máy quét cơ thể được sử dụng tại nhiều sân bay trong nước và ngoài nước Anh. Có 2 loại máy quét. Một loại sử dụng sóng vô tuyến milimet có thể nhìn thấy xuyên qua quần áo. Loại khác sử dụng bức xạ ion hóa mức thấp. Cả 2 loại đều không gây hại cho sức khỏe con người.
Loại đầu tiên sử dụng sóng vô tuyến, là một dạng bức xạ không ion hóa, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe ở cường độ thấp và được sử dụng tại sân bay.
Loại thứ hai sử dụng bức xạ ion hóa liều thấp (ở liều cao thì có thể gây hại). Tại sân bay, mức độ bức xạ sử dụng thấp hơn 100.000 lần so với lượng bức xạ tự nhiên trung bình một người Anh tiếp xúc mỗi năm. Cường độ này quá thấp nên không gây nguy cơ ung thư.
Sống tại nơi gần nhà máy điện hạt nhân có nguy cơ ung thư không?
Cho đến nay, bằng chứng chỉ ra rằng không phải những người sống gần nhà máy điện hạt nhân đều có nguy cơ ung thư cao hơn.
Bằng chứng nói gì?
Hầu hết bằng chứng đến nay từ những nghiên cứu nhỏ xem xét nhóm trẻ em ung thư, đặc biệt là bệnh ung thư máu ở trẻ em. Những nghiên cứu lớn về chủ đề này rất khó thực hiện, vì không có nhiều trẻ em sống gần nhà máy điện hạt nhân mắc ung thư máu hay những loại ung thư khác.
Gần đây, một nhóm nhà nghiên cứu kết hợp bằng chứng từ nhiều nghiên cứu nhỏ ở Châu Âu, cho rằng nhìn chung không có nguy cơ gia tăng ung thư đối với trẻ em dưới 15 tuổi sống trong bán kính 25km quanh nhà máy điện hạt nhân.
Tuy nhiên, trẻ em dưới 5 tuổi sống gần nhà máy điện hạt nhân hơn (trong bán kính 5km) thì bằng chứng lại phức tạp hơn. Một vài nghiên cứu tìm thấy một lượng nhỏ tăng nguy cơ bệnh ung thư máu, trong khi số khác thì không. Điều này có thể phải thực hiện với những thiết kế nghiên cứu khác, chẳng hạn như tìm hiểu sự khác biệt giữa các quốc gia trong nghiên cứu được thực hiện, hay những nhân tố khác có thể ảnh hưởng lên nguy cơ bệnh ung thư máu(chẳng hạn như sự nhiễm trùng).
Dựa trên bằng chứng có sẵn hiện nay, Ủy ban chính phủ về khía cạnh y tế của bức xạ môi trường (COMARE) của Anh Quốc đã kết luận “không có bằng chứng nào cho thấy rằng có sự tăng nguy cơ bệnh bạch cầu và những ung thư khác ở trẻ em tại vùng lân cận nhà máy điện hạt nhân tại Anh.”
Thảm họa hạt nhân và ung thư
Thảm họa hạt nhân là những sự kiện có thể phóng thích một lượng lớn bức xạ ion hóa. Ví dụ như các vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl và Fukushima, cũng như các vụ đánh bom hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki.
Nghiên cứu những người sống sót sau những thảm họa hạt nhân này đã phát hiện ra rằng nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp ở những người này cao hơn, đặc biệt là trẻ em dưới 18 tuổi tại thời điểm xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, ung thư thường cần thời gian để phát triển một vài năm sau khi tiếp xúc với bức xạ, nên rất khó để nói rằng những loại ung thư nào được gây ra bởi các bức xạ năng lượng cao. Và cũng có bằng chứng cho rằng ít nhất trong trường hợp Fukushima – các nỗ lực sàng lọc gia tăng có thể dẫn đến phát hiện nhiều ung thư tuyến giáp hơn, bao gồm cả những loại ung thư không phải bởi bức xạ và điều đó cũng không gây hại lên đời sống của họ – đây được gọi là sự chẩn đoán quá tay.
Không có bằng chứng cho thấy nguy cơ ung thư khác tăng đáng kể bởi tiếp xúc với bức xạ ion hóa từ thảm họa hạt nhân ở người dân nói chung – hầu hết bởi vì liều lượng nhận được quá thấp để gây hại.
Tuy nhiên, có một vài bằng chứng từ Chernobyl cho rằng những công nhân dọn dẹp thảm họa, người tiếp xúc với hàm lượng bức xạ cao, có nguy cơ mắc ung thư cao hơn, đặc biệt là bệnh ung thư máu. Đối với những người sống sót khỏi thảm họa hạt nhân, nguy cơ một số loại ung thư cũng tăng lên.
Nhiều nghiên cứu đang xem xét những ảnh hưởng dài hạn của thảm họa hạt nhân, đặc biệt là sụ cố nổ nhà máy hạt nhân Daiichi ở Fukushima vào năm 2011, nó vẫn đang tiếp tục.
Cập nhật ngày: 28/09/2020
Tham khảo nguồn: Medical scans, air travel and nuclear industries
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm