Dịch thuật: Lưu Gia Phụng, Trần Anh Thư
(SCI Blog) – Bạn có biết?
– Tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV-Ultraviolet) từ ánh nắng mặt trời gây tổn thương DNA trong các tế bào da, dẫn đến ung thư da.
– Ở Anh quốc, có khoảng 9 trên 10 ca bị melanoma – một loại ung thư da rất nguy hiểm, nhưng có thể phòng ngừa bằng việc phơi nắng hợp lý và tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giai đoạn giữa trưa.
– Bị cháy nắng hai năm một lần có thể tăng gấp ba nguy cơ melanoma – ung thư hắc tố da.
Tia UV là gì?
Tia UV (bức xạ tia cực tím) là một dạng bức xạ điện từ đến từ mặt trời hay các nguồn nhân tạo khác, gồm hai loại tia UV chủ yếu gây ung thư da:
- Tia UVB: nguyên nhân chính gây ra cháy nắng
- Tia UVA: có thể xuyên vào sâu trong da, khiến các tế bào da bị lão hóa nhưng ít gây cháy nắng hơn
Ngoài ra, còn có tia UVC – tia bức xạ nguy hiểm nhất trong ba loại, nhưng được chặn bởi tầng ozone trong bầu khí quyển và không thể chạm tới mặt đất, do đó chúng thường không phải là yếu tố nguy cơ gây ung thư da.
Chúng ta không thể cảm nhận được tia UV, sức nóng từ mặt trời xuất phát từ tia hồng ngoại, tia hồng ngoại không khiến bạn bị cháy nắng. Tia UV mới là nguyên nhân chính khiến chúng ta vẫn có thể bị cháy nắng trong những ngày trời mát mẻ.
Tia UV gây ung thư da ra sao?
Khi tiếp xúc với bức xạ tia cực tím từ mặt trời hoặc giường phơi nắng quá nhiều có thể làm tổn thương DNA trong các tế bào da. Tích tụ đủ DNA bị hỏng trong thời gian dà, sẽ khiến các tế bào bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát và dẫn đến ung thư da. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh ung thư da, nhưng một số người có nguy cơ cao hơn.
Mời bạn xem thêm:
Lưu ý rằng da dễ bị tổn thương không chỉ vào ngày lễ hay ở những nơi nắng nóng.
Cháy nắng là tình trạng gì?
Cháy nắng là quá trình tổn thương da và đáp ứng của cơ thể, cố gắng tự động chữa lành những vết cháy nắng – đó là dấu hiệu trước mắt của những tổn thương DNA tiềm ẩn kéo dài và DNA trong các tế bào da đang bị phá hủy bởi quá nhiều lượng bức xạ UV chiếu vào. Cháy nắng 2 năm một lần có thể làm tăng gấp ba nguy cơ ung thư hắc tố da.
Mọi người thường lầm tưởng da bị bong tróc, phồng rộp mới gọi là cháy nắng. Nếu da chuyển sang đỏ ửng khi tiếp xúc với mặt trời, điều này gọi là cháy nắng. Đối với những da sẫm màu, bạn có thể chỉ thấy hơi ngứa và khó chịu.
Những điều bạn nên làm khi bị cháy nắng
Nếu da có dấu hiệu chuyển sang đỏ ửng, bạn nên lập tức tránh ánh nắng mặt trời và che đậy kỹ để da không bị tổn thương thêm. Vào lúc này, thoa thêm kem chống nắng cũng không có tác dụng và không giúp bạn có thể ở ngoài ánh mặt trời an toàn thêm.
Mặc dù kem chống nắng có thể giúp da dễ chịu hơn, chúng không thể phục hồi các DNA đã bị hỏng.
Khi bị cháy nắng một lần, không hẳn lập tức bạn sẽ mắc bệnh ung thư da. Nhưng nếu cháy nắng diễn ra càng nhiều lần thì bạn càng có nguy cơ mắc bệnh ung thư hắc tố da. Vì vậy, hãy ở những nơi có bóng mát, mặc quần áo chống nắng và thoa kem chống nắng để làm giảm nguy cơ cháy nắng và bảo vệ tốt cho da.

Ung thư da có thể xâm lấn đến đến các cơ quan khác hay không?
Câu trả lời là có.
Melanoma có thể phát triển dưới các lớp da và xâm lấn đến các mô và cơ quan khác thông qua hệ bạch huyết hay mạch máu. Đó là lý do nếu phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể dễ điều trị thành công hơn. Ngoài ra, đối với ung thư da không hắc tố- non-melanoma thường ít xâm lấn hơn.
Mời bạn xem thêm:
Cập nhật ngày: 10/10/2020
Tham khảo nguồn: How does the sun and UV cause cancer?
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm