Dịch thuật: Minh Phạm, Lê Khương
(SCI Blog) – Bài viết mang lại các kiến thức dưới đây sẽ mang đến cho bạn các kiến thức tổng quan về các nguyên nhân, cơ chế và cách điều trị nấc cụt.
Nấc cụt là một vấn đề phổ biến mà ai trong chúng ta thỉnh thoảng cũng gặp phải. Đối với hầu hết mọi người, nấc cụt thường nhẹ và tự hết mà không cần điều trị y tế. Nhưng đôi khi nấc cụt cũng có thể là triệu chứng của bệnh ung thư, hoặc tác dụng phụ của điều trị ung thư, nếu hiện tượng này diễn tiến lâu dài, khiến cho người mắc mệt mỏi và khó chịu.
Nấc cụt là sự co thắt không kiểm soát của cơ hoành giữa các hơi thở bình thường. Cơ hoành là cơ có dạng hình vòm dưới lồng ngực. Thông thường, cơ hoành giúp đẩy không khí vào phổi bằng cách hạ xuống thấp khi bạn hít vào. Và khi bạn thở ra, cơ hoành của bạn nâng cao lên trên.
Nhưng khi bạn bị nấc, có 2 điều xảy ra:
- Cơ hoành của bạn co lại và hạ thấp vào thời điểm giữa hơi thở bình thường của bạn, hút không khí và
- Ngay sau đó, phần trên khí quản đóng lại nhanh chóng, để ngăn không khí vào nhiều hơn – từ đó tạo ra âm thanh ‘hic’.
Nguyên nhân gây nấc
Chúng ta vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác gây nấc cụt. Nó có thể xảy ra nếu dây thần kinh điều khiển cơ hoành (dây thần kinh hoành) bị kích thích.
Những nguyên nhân có thể gây nấc bao gồm:
- Ăn uống quá nhanh, đặc biệt là nước có ga;
- Ăn quá nhiều;
- Ợ nóng;
- Căng thẳng;
- Thay đổi đột ngột của nhiệt độ môi trường;
- Ưỡn cổ quá mức;
- Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc để điều trị chứng lo âu (thuốc benzodiazepin);
- Rượu.
Nhưng nếu bạn bị ung thư, bạn cũng có thể bị nấc nếu:
- Dạ dày của bạn ngừng hoạt động và trở nên mở rộng và đầy hơi;
- bạn bị nhiễm trùng ảnh hưởng đến ngực hoặc ống dẫn thức ăn (thực quản);
- Bạn đang điều trị bằng hóa chất, steroid hoặc thuốc giảm đau opioid như morphin;
- Ung thư đang đè lên cơ hoành;
- Bạn có triệu chứng vì một khối u não;
- Thận của bạn không hoạt động bình thường và sinh hoá máu của bạn thay đổi;
- Bạn có mức canxi trong máu cao (tăng calci máu).
Mời bạn xem thêm:
Gợi ý cho các trường hợp nấc
Hầu hết mọi người thấy rằng tình trạng nấc sẽ tự biến mất hoặc bằng cách thử một trong những gợi ý sau:
- Súc miệng hoặc uống nước đá;
- Ăn một miếng bánh mì khô một cách chậm rãi từ từ;
- Uống nước từ phần xa của ly nước – bạn sẽ có thể phải cúi xuống để làm điều này;
- Hít một hơi thật sâu, giữ nó càng lâu càng tốt và lặp lại điều này nhiều lần;
- Mút một quả chanh;
- Uống nước bạc hà;
- Kéo đầu gối của bạn lên đến ngực của bạn;
- Hít vào và thở ra với một cái túi giấy (không phải là nhựa và không làm điều này lâu hơn 1 phút).
Điều trị nấc nặng hơn
Đôi khi nấc có thể kéo dài hơn một vài ngày. Các bác sĩ gọi những nấc cụt này là nấc cụt dai dẳng. Nếu chúng kéo dài hơn một tháng, các bác sĩ gọi chúng là nấc cụt khó điều trị. Nếu chúng tồn tại lâu như vậy, nấc cụt có thể gây ra một số vấn đề khác, bao gồm:
- Giảm cân;
- Khó ngủ;
- Cảm thấy buồn nôn;
- Lúng túng;
- Cảm giác buồn hay chán nản.
Mời bạn tham khảo bài viết sau đây:
Những người bị nấc cụt dai dẳng hoặc khó điều trị cần điều trị y tế. Đầu tiên, bác sĩ sẽ cố gắng tìm hiểu những nguyên nhân gây ra nấc cụt. Nấc cụt có thể chữa khỏi bằng cách điều trị nguyên nhân, ví dụ, ngưng các loại thuốc có thể gây nấc cụt đang sử dụng.
Bác sĩ có thể điều trị nấc trực tiếp. Các loại thuốc họ có thể sử dụng bao gồm:
- Thuốc chống nôn metoclopramide (Maxolon);
- Một số thuốc an thần, chẳng hạn như haloperidol hoặc chlorpromazine;
- Một loại thuốc giãn cơ như baclofen.
Cập nhật ngày: 19/12/2020
Tham khảo nguồn: Hiccups and Cancer
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm