Dịch thuật: Nguyễn Ngọc Trâm, Trần Lý, Phan Hiếu
(SCI Blog) – Hiểu về những biểu hiện bình thường của cơ thể giúp bạn dễ dàng nhận ra những thay đổi khác biệt của chúng. Phát hiện ung thư ở thời kỳ sớm có thể cứu sống bạn. Với những bộ phận bạn có thể nhìn thấy và sờ chạm, bạn có thể tự kiểm tra. Đối với những bộ phận không thể chạm vào hoặc quan sát được, hãy đi khám bác sĩ khi có những biểu hiện bất thường kéo dài như ho lâu ngày, chảy máu vết thương, ợ nóng dai dẳng hay bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác. Vì vậy, bạn có thể tự kiểm tra các bộ phận cơ thể mình nhưng không cần thiết phải thực hiện thường xuyên.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÔI TỰ KIỂM TRA UNG THƯ?
Khi biết về những biểu hiện bình thường của cơ thể đồng nghĩa bạn dễ dàng nhận ra những thay đổi khác lạ. Phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu có thể cứu sống bạn.
Tôi nên tìm kiếm triệu chứng gì?
Hiện nay, có trên 200 loại ung thư khác nhau với nhiều triệu chứng khác nhau và không thể biết hết tất cả những triệu chứng đó. Nhưng điều bạn có thể hiểu rõ là cơ thể của chính mình và khi nào thì cơ thể đang có những biểu hiện bình thường, khỏe mạnh.
Một vài bộ phận cơ thể chúng ta có thể nhìn thấy và chạm vào – bạn biết khi ở tình trạng khỏe mạnh, các bộ phận này sẽ có hình dáng và cảm giác ra sao. Đây là cách tốt nhất có thể biết những bộ phần có bình thường hay không. Tuy vậy, bạn cũng không cần phải kiểm tra quá thường xuyên.
Vậy còn những bộ phận cơ thể tôi không thể nhìn thấy hay chạm vào thì sao?
Những biến đổi diễn ra ở những bộ phận cơ thể mà chúng ta không thể nhìn thấy khó phát hiện và mô tả hơn. Nhưng khi bạn chủ động biết rằng ở tình trạng bình thường bạn sẽ cảm thấy thế nào, điều này có thể giúp bạn chú ý hơn khi có gì đó khác biệt xảy ra – cho dù đó là một cơn ho kéo dài vài tuần, có máu trong phân, ợ nóng dai dẳng hoặc bất kỳ một dấu hiệu bất thường nào khác. Điều quan trọng là không nên để nó kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ ngay.
Còn việc tự kiểm tra như thế nào?

Nhiều người nói về vai trò của việc tự kiểm tra vú và tinh hoàn nhằm cố gắng phát hiện sớm ung thư. Nhưng phương pháp kiểm tra vú, tinh hoàn hay bộ phận nào khác trên cơ thể một cách quá thường xuyên có thể có hại nhiều hơn lợi ích. Để hiểu hơn về việc tự kiểm tra để tầm soát ung thư, hãy đọc thêm về tầm soát ung thư.
Tôi có nên kiểm tra vú của mình hay không?
Việc quan sát và cảm nhận vú của bạn là nên làm. Tuy nhiên, không cần thiết phải kiểm tra quá thường xuyên. Bên cạnh đó, bạn cần theo bước tuần tự. Có nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tử vong vì ung thư vú giảm không đáng kể, giữa phụ nữ thường xuyên tự kiểm tra vú và người không làm như vậy. Những người thường xuyên kiểm tra có khả năng phát hiện một khối u gấp 2 lần người không làm, nhưng hầu hết không phải là ung thư.
Tuy nhiên, hiểu về tình trạng toàn bộ cơ thể (không chỉ có vú) và theo dõi mọi sự thay đổi trong cơ thể là cần thiết .
Tôi có nên kiểm tra tinh hoàn của mình không?
Các nhà khoa học đã xem xét các bằng chứng và chưa tìm thấy nghiên cứu nào có đủ chất lượng để biết liệu tự kiểm tra tinh hoàn có hiệu quả hay không. Việc tự kiểm tra tinh hoàn thường xuyên có thể dẫn đến lo lắng không cần thiết khi tìm thấy các khối u không phải là ung thư. Tuy nhiên, việc tự kiểm tra vẫn là điều cần thiết, nhưng bạn cần thực hiện nó theo các bước tuần tự và không cần thực hiện nó định kỳ.
Mời bạn xem thêm:
Cập nhật ngày 29/03/2020
Nguồn: How do I check for cancer?
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm