Dịch thuật: Gia Phụng, Đoàn Thị Đức Hạnh.
(SCI Blog) – Khi bạn khó thở, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và thả lỏng cơ thể. Thỉnh thoảng bạn thấy không dễ dàng thực hiện nhưng nếu bạn càng lo lắng, cơ bắp càng co lại và khiến cho bạn càng thấy khó thở hơn. Vì vậy, hãy cùng tìm hiểu kỹ thuật thở và thư giãn đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc kiểm soát tình trạng trên.
Thở bụng
Thở bụng có nghĩa là mở rộng thành bụng khi bạn thở.
Khi thở, bạn đặt tay lên bụng và đẩy bụng để thở ra và sau đó hít vào.
Thở bụng giúp bạn mở rộng phổi, và kiểm soát hơi thở đồng thời cũng tạo sự thư giãn vì bạn chỉ đang tập trung vào hơi thở mà không còn bận tâm đến tình trạng hiện tại.
Nếu bạn chưa thở ra ngoài hoàn toàn, bạn sẽ không thể hít vào đúng cách.
Thỉnh thoảng khi bạn lo lắng lấy hơi bằng bụng, bạn có thể quên thở ra, nhưng hãy chắc rằng trước khi hít vào lần tiếp theo bạn đã hoàn toàn thở ra.
(Ảnh: Cancer Research UK)
Kiểm soát hơi thở
Khi thấy khó thở, bạn nên dừng lại mọi hoạt động đang làm và ngồi thẳng lưng. Thực hiện tư thế như trên rất hiệu quả trong việc giúp phổi nhận được nhiều oxy hơn.
Hãy tự trấn an bản thân rằng khó thở sẽ dịu nhanh thôi
Bạn nên tập trung thực hiện những việc dưới đây khi gặp tình trạng khó thở
- Hít vào hầm chậm bằng mũi;
- Thở ra nhẹ nhàng bằng miệng.
Các kỹ thuật thư giãn môi
Nếu bạn không thể ngủ hoặc thấy khó thở mỗi khi thức dậy, hãy thử thực hiện kỹ thuật
- Hít vào bằng mũi;
- Chu môi lại như thể bạn đang huýt sáo;
- Thở ra từ từ, nhẹ nhàng qua môi và giữ trong vài phút để kiểm soát hơi thở.
Kỹ thuật trên giúp bạn thở ra một cách chầm chậm. Đồng thời, giúp bạn mở rộng đường thở, như vậy khí bị mắc kẹt được thoát ra ngoài và làm cho bạn thở dễ dàng hơn.
Bạn có thể kết hợp kỹ thuật trên khi đang thực hiện các động tác dễ gây khó thở như: leo cầu thang
Kỹ thuật kiểm soát hơi thở tương tự như các bài tập thư giãn. Cụ thể như khi bạn thở ra hãy thả lỏng hai vai và có thể nhờ người khác giúp bạn xoa bóp hoặc ấn nhẹ nhàng vào vai bạn.
Nếu bạn thực hành kỹ thuật trên 3 hoặc 4 lần mỗi ngày, bạn sẽ thấy rằng hơi thở của bạn sâu và chậm hơn.
Hít vào làn gió nhẹ rất hiệu quả khi bạn gặp tình trạng khó thở
Hít vào làn gió nhè nhẹ từ cửa sổ hoặc chiếc quạt máy có thể giúp bạn dễ chịu khi bị khó thở vì không khí sẽ thoáng đãng hơn.
Khi ra ngoài, nếu bạn lo lắng vấn đề khó thở có thể xảy ra bất chợt thì hãy mang theo quạt cầm tay để phòng bị.
Liệu pháp thôi miên và vận dụng trực quan
Một số người thấy hữu ích khi thực hành các kỹ thuật thư giãn như vận dụng trực quan hoặc liệu pháp thôi miên. Bạn có thể thực hành những kỹ thuật này khi xuất hiện tâm trạng lo âu.
Đối diện với những thay đổi về lối sống
Bạn cần phải chấp nhận thay đổi nhiều thứ liên quan đến lối sống hằng ngày cũng như từ bỏ các hoạt động mình yêu thích. Chắc chắn rằng giai đoạn đầu rất khó để có thể hoàn toàn thay đổi nếu như bạn là kiểu người năng động, hoạt bát và ưa thích thể thao.
Tuy nhiên, hãy cho bản thân một khoảng thời gian nhất định để dần dần thích nghi và thay đổi hoặc thử các sở thích đòi hỏi ít vận động thể chất khác mà trước đây bạn chưa có cơ hội trải nghiệm.
Tham gia nhóm hỗ trợ cũng rất hữu ích để bạn có dịp chia sẻ những vấn đề tương tự với mọi người.

(Ảnh: Salt Cancer Initiative)
Các nguồn hỗ trợ
Một số bệnh viện có phòng khám chuyên khoa về chứng khó thở. Ở đó, bạn được dạy các kỹ thuật thở. Nếu không có phòng khám chuyên khoa nào gần khu vực mà bạn sinh sống, hãy nhắn tin, hỏi rõ bác sĩ hoặc y tá các thông tin về vấn đề hô hấp.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán, đánh giá tình trạng khó thở của bạn và sẽ yêu cầu bạn thực hiện các liệu pháp phù hợp để kiểm soát tình trạng một cách hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm các sách về chứng khó thở để có thêm kiến thức hữu ích cho cá nhân và hiểu rõ hơn về tình trạng của bản thân.

Bạn cũng có thể dành thời gian tham gia lớp Yoga miễn phí hàng tuần cho bệnh nhân ung thư do Salt Cancer Initiative tổ chức trên toàn quốc, để có thể tập hít thở tốt hơn.
(Ảnh: Salt Cancer Initiative)
Mời bạn tham khảo những bài viết cùng chủ đề:
Cập nhật ngày: 10/10/2020
Tham khảo nguồn: Breathing and relaxation techniques
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm