• Skip to content

Salt Cancer Initiative

Thư Viện Kiến Thức Ung Thư

  • Kiến Thức Ung Thư
  • Chăm Sóc Cảm Xúc
  • Chăm Sóc Thể Chất
  • Ủng Hộ
Kiểm soát các triệu chứng của bạn lúc cuối đời

SCI Writer /

Kiểm soát các triệu chứng của bạn lúc cuối đời

Chia sẻ bài viết này trên:

  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

Dịch thuật: Nguyễn Thị Hải, Trần Anh Thư


(SCI Blog) – Trong khoảng thời gian cuối cùng của cuộc đời, sẽ rất khó khăn để đối mặt với cái chết về tâm lý và cả về thể xác. Bài viết dưới đây là những điều mà bệnh nhân ung thư có thể phải đối mặt và các phương pháp để xoa dịu chúng. Những thông tin này cũng hữu ích cho cả người thân của bệnh nhân để có thể chuẩn bị tinh thần đồng hành với người mình yêu thương đi hết chặng đường đầy khó khăn.

Trong những tuần hoặc những ngày cuối cùng, có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng trên cơ thể bạn.

Đây có phải là bài viết dành cho bạn?

Bài viết này là về việc kiểm soát các triệu chứng mà bạn có thể mắc phải trong vài tuần hoặc vài ngày cuối đời.

Mặc dù nếu bạn không ở trong giai đoạn này,  bạn vẫn có thể thấy những thông tin dưới đây là hữu ích về việc đối phó với các triệu chứng trong giai đoạn ung thư tiến triển cho loại ung thư mà bạn mắc phải.

Chăm sóc giảm nhẹ và kiểm soát triệu chứng

Khi bệnh nhân ung thư được hỏi về cái chết, hầu hết họ cho rằng những gì họ muốn là một cái chết bình yên và không đau đớn. Và điều này có thể thực hiện được với sự chăm sóc và điều trị đúng. Điều này làm cho ý nghĩ về cái chết ít đáng sợ hơn.

Bác sĩ gia đình, y tá phường xã và các bác sĩ, y tá bệnh viện đều có thể giúp bạn kiểm soát bất kỳ triệu chứng nào bạn cảm thấy. Họ sẽ cố gắng giúp cho bạn thoải mái nhất có thể hoặc giới thiệu bạn đến một chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ.

Những điều cần biết về chăm sóc giảm nhẹ

Chăm sóc giảm nhẹ là những phương pháp hỗ trợ, chăm sóc và điều trị mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân và gia đình, người thân của bệnh nhân. Nó liên quan đến việc chăm sóc các nhu cầu về thể chất, cảm xúc, tâm lý và tinh thần của bệnh nhân theo cách tốt nhất có thể. Các nhóm chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ thường được thành lập từ:

  • Các bác sĩ chuyên khoa và y tá
  • Các nhân viên hoạt động xã hội
  • Các tình nguyện viên
  • Các nhân viên chăm sóc mục vụ
  • Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác, chẳng hạn như chuyên gia dinh dưỡng, vật lý trị liệu và tư vấn viên

Các thành viên nhóm chăm sóc giảm nhẹ làm việc cùng nhau để giúp bệnh nhân giảm đi sự đau đớn và các triệu chứng khó chịu khác. Họ mang đến cho bệnh nhân sự hỗ trợ để giúp họ sống phần còn lại của cuộc đời một cách trọn vẹn và tốt đẹp nhất có thể. Họ cũng sẽ hỗ trợ bạn bè và người thân của bệnh nhân, giúp họ đối mặt với thời gian đau bệnh và sự mất mát sau khi người thân ra đi.

Mời bạn xem thêm:

Tôi có thể tham gia chăm sóc giảm nhẹ ở đâu và như thế nào?

Sự đau đớn

Một số người không bị đau. Nhưng trong trường hợp bạn cảm thấy đau đớn, sẽ có những biện pháp để kiểm soát cơn đau và các triệu chứng khác mà bạn mắc phải, nhưng lại không gây tác dụng phụ ví dụ như buồn ngủ. Và bạn sẽ không  nghiện các thuốc giảm đau mạnh trong trường hợp này.

Vì vậy, nếu bạn cảm thấy đau hoặc đang chống chọi với nó,  hãy nói cho các bác sĩ biết. Điều này giúp họ quyết định cách điều trị tốt nhất cho bạn. Họ sẽ nói chuyện với bạn để hiểu hơn và đề ra các phương pháp tốt nhất để kiểm soát cơn đau của bạn.

Thuốc giảm đau sẽ giúp bạn tránh được cơn đau hiệu quả, bạn có thể dùng nó khi cơn đau mới vừa chớm. Nếu không dùng thuốc, những liệu pháp khác có thể mất nhiều thời gian hơn để kiểm soát cơn đau.

Mời bạn xem thêm:

Hiểu Về Tác Dụng Phụ Của Thuốc Giảm Đau

Hãy nói với bác sĩ hoặc y tá bạn nếu bạn bị đau, để bạn có thể thoải mái nhất có thể.

Cảm thấy ốm yếu

Một số người trước khi chết có thể cảm thấy rất ốm yếu, điều này có thể là do ung thư gây ra hoặc đôi khi là do tác dụng phụ của thuốc họ đang dùng. Cảm thấy ốm yếu rất khó chịu và đau khổ, nhưng cũng có thể kiểm soát nó bằng một số loại thuốc.

Mời bạn tham khảo một số chủ đề về dinh dưỡng cho người ốm yếu:

Lời Khuyên Dinh Dưỡng Cho Bệnh Nhân Ung Thư

Mệt mỏi và kiệt sức – mệt mỏi

Những người sắp chết vì ung thư tiến triển thường nói rằng cảm thấy rất mệt mỏi là triệu chứng đáng lo ngại nhất mà họ có, và đó là thứ phá vỡ cuộc sống của họ nhiều nhất. Họ không thể:

  • tập trung lâu dài
  • hoàn thành công việc
  • không ngủ vào ban ngày

Điều này có thể khiến họ cảm thấy cáu kỉnh, dễ buồn bã và đầu óc kém minh mẫn. Các bác sĩ gọi đây là sự mệt mỏi.

Đối phó với mệt mỏi

Bạn nên nói cho các bác sĩ hoặc y tá chăm sóc cho bạn biết sự mệt mỏi mà bạn mắc phải. Họ có thể tư vấn cho bạn cách vượt qua các cơn mệt mỏi và cách thức sắp xếp thời gian, năng lượng của mình vào đúng những việc quan trọng mà bạn thích làm và muốn làm nhất. Những việc ít quan trọng hơn, bạn có thể giao nó cho người khác thực hiện.

Sự lú lẫn

Một số người bị ung thư có thể bị lú lẫn trong những tuần cuối đời. Có thể rất đau khổ khi thấy người thân của mình trở nên lú lẫn. Một số người bị lú lẫn nhẹ nhưng có nhiều người bị rất nặng.

Dấu hiệu nhận biết sự lú lẫn

Một người bị lú lẫn sẽ không nhận thức được những thứ ở xung quanh họ. Lời nói của họ có thể trở nên dài dòng, rời rạc và lan man. Sẽ khá khó để hiểu những gì họ đang cố gắng nói. Ngoài ra, họ có thể bị mất nhận thức về những hình ảnh, âm thanh hay  những thứ đang xảy ra xung quanh họ. Họ còn có thể bị ảo giác về những hình ảnh hoặc âm thanh không có thật. Sự lú lẫn của người bệnh sẽ có thể làm cho người thân lo lắng, buồn bã, bồn chồn hoặc thậm chí trở nên kích động.

Sự lú lẫn có thể khắc phục được

Khi người bệnh trở nên yếu hơn và mang nhiều triệu chứng bệnh khác thì họ thường bị lú lẫn. Một số trường hợp lú lẫn có thể khắc phục được là:

  • Bị sốt cao do nhiễm trùng
  • Tác dụng phụ của thuốc
  • Do cơn đau nặng
  • Vấn đề đường ruột (táo bón)
  • Mất cân bằng các chất trong cơ thể, chẳng hạn như bị tăng canxi 
  • Thiếu oxy lên não do ung thư hoặc bệnh khác 
  • Ung thư di căn đến não

Chăm sóc cho một người lú lẫn

Sự lú lẫn có thể thuyên giảm khi các bác sĩ ngăn chặn được nguyên nhân phát sinh. Nhưng đôi khi không thể khắc phục được điều này trong những tuần hoặc ngày cuối cùng của cuộc đời của bệnh nhân. Nhóm chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ có thể hướng dẫn các mẹo và phương thức chăm sóc giúp cho sự lú lẫn bớt mang lại đau khổ cho bệnh nhân và người thân. 

Ảnh minh họa: Sưu tầm

Việc nói chuyện nhẹ nhàng hoặc nắm tay người bệnh có thể giúp cho người bệnh trở nên yên tâm hơn.

Sự lú lẫn thường nặng hơn vào ban đêm, vì vậy có thể giúp bật đèn ngủ và giữ cho cửa phòng mở.

Có thể làm cho nơi ở của người bệnh trở nên yên bình, an toàn và ấm áp hơn như việc sử dụng ánh sáng yếu, nhạc nền mềm mại và mùi hương dễ chịu.

Tránh thay đổi môi trường xung quanh quá nhiều và nói cho người bệnh biết nếu có sự sắp đặt lại hoặc di dời bất cứ thứ gì đi ra khỏi tầm mắt của họ. Luôn nói cho họ biết khi có ai đó đi vào hoặc rời khỏi phòng.

Cảm giác rất bứt rứt

Sự bứt rứt khi ai đó đến gần tới cái chết được gọi là sự bứt rứt cuối đời hay sự bấn loạn. Nó có thể xảy ra trong những ngày hoặc giờ cuối cùng của cuộc đời. Các triệu chứng rất giống với sự lú lẫn, nhưng người bệnh cũng có thể trở nên rất bứt rứt hoặc kích động. Cơ bắp của họ có thể co giật hoặc co lại. Họ có thể túm chặt lấy quần áo ngủ của họ hoặc túm chặt những thứ có trên giường liên tục. Hoặc họ cũng có thể rên rỉ, gọi mớ, nói mớ.

Các nguyên nhân gây nên sự của sự bứt rứt có thể tương tự như lú lẫn. Sự bứt rứt cuối đời thường là do các cơ quan trong cơ thể hoạt động chậm lại và khiến cho chất thải không được loại bỏ khỏi cơ thể, chúng tích tụ trong máu khiến người bệnh khó chịu. 

Chăm sóc một người bứt rứt

Hãy nói với bác sĩ nếu bạn thấy người thân của bạn đang bứt rứt trong người. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp an thần qua phương pháp truyền nước. Nó giúp lượng thuốc an thần được đưa vào cơ thể bệnh nhân liên tục và ổn định để kiểm soát các triệu chứng.

Lời khuyên đối với người chăm sóc bệnh nhân

Sự bứt rứt cuối đời có thể gây đau khổ cho người thân của bệnh nhân. Nếu bạn là người thân của bệnh nhân đang trong tình trạng này, bạn có thể nói với bác sĩ, nhóm chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ để họ có thể hỗ trợ cho bạn. Vì là người chăm sóc bệnh nhân nên bạn cần tự chăm sóc bản thân tốt để có thể đối phó những tình huống xấu khác đối với người thân của bạn.

Cảm xúc của bạn, người bị bệnh

Rất dễ để hiểu được, vì đối mặt với cái chết, bạn sẽ cảm thấy những cảm xúc rất mạnh mẽ như buồn bã, trầm cảm, tức giận và lo lắng. Bạn có thể đọc về cảm xúc, phản ứng của bạn và cách đối phó trong phần  chúng tôi nói về việc đối phó với cảm xúc.

Các triệu chứng khác

Bạn có thể mắc phải các triệu chứng khác với những triệu chứng chúng tôi đã đề cập. Các loại ung thư khác nhau ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Ngay cả trong giai đoạn cuối của bệnh ung thư, bác sĩ của bạn cũng có thể đưa ra các liệu pháp điều trị cho những triệu chứng phát sinh thêm. Những triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Nồng độ canxi trong máu cao (tăng calci máu)
  • Các vấn đề đường ruột
  • Nhiễm trùng
  • Khó thở
  • Tràn dịch được gọi là cổ trướng – các bác sĩ sẽ có thể điều trị bằng cách hút dịch để giúp giảm áp lực bụng
  • Vấn đề về tiểu tiện – bác sĩ có thể đặt một ống vào bàng quang (ống thông)

Việc điều trị bệnh thường sẽ giúp bạn thoải mái hơn nhưng đôi khi ngược lại nó sẽ khiến bạn đau và mệt hơn. Vì thế, bác sĩ sẽ là người quyết định điều trị, hoặc không điều trị để mang lại cảm giác dễ chịu nhất cho bạn. 


Cập nhật ngày: 29/11/2020
Tham khảo nguồn: Managing your symptoms

Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm

Các bài viết liên quan

Filed Under: An Yên Khoảnh Khắc Cuối Đời, Chăm Sóc Cảm Xúc, Chăm sóc giảm nhẹ, Chăm Sóc Thể Chất, Đối Diện Ung Thư, Tiến triển ung thư

DMCA.com Protection Status

Copyright © 2019 Salt Cancer Initiative