Dịch thuật: Gia Phụng, Dương Quỳnh, Đức Hạnh
(SCI Blog) – Khó thở diễn ra khi cơ thể không nhận đủ khí ô-xy và phổi phải cố gắng lấy thêm khí bù vào, cứ 10 bệnh nhân sẽ có 5 hoặc 7 bệnh nhân (50% – 70%) gặp triệu chứng trên vài lần trong giai đoạn mắc bệnh. Đối với bệnh nhân mắc ung thư phổi tiến triển, tỷ lệ này là 9 trên 10 bệnh nhân (90%).
Chúng ta hít thở như thế nào?
Khi hít thở bằng mũi hoặc miệng, khí đi xuống phổi thông qua khí quản. Khí quản sau đó sẽ chia thành hai đường dẫn khí – được gọi là phế quản phải và phế quản trái, dẫn khí vào mỗi bên phổi. Đường dẫn khí chia thành những ống nhỏ hơn và cuối mỗi đường là các túi nhỏ chứa đầy khí, được gọi là phế nang.
Tại đây, oxy hít vào được vận chuyển vào dòng máu. Đồng thời, phế nang sẽ lấy khí thải CO2 từ máu sau đó thải ra ngoài khi chúng ta thở ra.
Cơ hoành
Chúng ta dùng cơ hoành và các cơ quanh xương sườn để hít vào và thở ra.
Cơ hoành là một vách gân – cơ, ngăn giữa vị trí khoang ngực và ổ bụng. Khi cơ hoành co thì vòm hoành hạ xuống, giúp cho lồng ngực giãn và không khí được hít vào trong. Khi hít vào, cơ hoành co lại và hạ xuống, giúp lồng ngực giãn ra.
Các cơ xung quanh xương sườn cũng giúp giãn rộng lồng ngực ra bằng cách đẩy khung sườn lên trên và ra ngoài. Sau đó, phổi sẽ mở rộng để lấp đầy khoảng trống và không khí đi vào.
Nếu bị khó thở, bệnh nhân cũng có thể dùng cơ ở vai và ngực trên để giúp duy trì hơi thở. Thông thường bệnh nhân sẽ dùng các cơ này để nâng vật nặng nên rất dễ bị mỏi. Vì vậy, tập thở theo cách này có thể khiến bệnh nhân nhanh hết hơi và tiêu hao nhiều năng lượng.
Những ai sẽ thường gặp phải các triệu chứng khó thở?
Bạn có thể gặp các vấn đề về hô hấp khi mắc các bệnh:
- Ung thư phổi;
- Ung thư trung biểu mô;
- Ung thư di căn đến phổi.
Ngoài ra, một số loại ung thư khác cũng có thể gây khó thở.
Khó thở có thể gây cảm giác rất khó chịu và đôi lúc tình trạng này trở nên nguy hiểm. Khi gặp khó khăn trong việc thở bạn sẽ cảm thấy lo sợ và hoang mang. Khi lo sợ và hoang mang, bạn sẽ càng thở khó hơn.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây khó thở ở bệnh nhân ung thư. Vì vậy, sau khi chẩn đoán nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ thực hiện liệu pháp phù hợp để điều trị.
Khó thở ảnh hưởng như thế nào đến bạn ?
Khó thở có thể ảnh hưởng lớn đến số lượng công việc thường ngày của bạn.
Bạn có thể thấy khó thở khi tắm rửa, nấu ăn hoặc đơn giản chỉ là ăn uống. Thỉnh thoảng bệnh nhân ung thư phổi không thể tự thực hiện các công việc sinh hoạt hàng ngày và thấy rằng không thể thở được rất đáng sợ.
Nhiều người thấy lo lắng và cho rằng khi gặp chứng khó thở, nghĩa là bệnh tình đang có chuyển biến tiêu cực. Suy luận trên có thể chính xác, nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy. Vì vậy, khi gặp các triệu chứng khó thở, hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn các liệu pháp phù hợp.
Mời bạn xem thêm các liệu pháp Oxy cho bệnh nhân khó thở:
Cập nhật ngày: 13/12/2020
Tham khảo nguồn: About shortness of breath
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm