Dịch thuật: Ngọc Trâm, Bá Tùng, Đức Hạnh, Ngọc Hạnh
(SCI Blog) – Xạ trị ngực có thể gây sưng và đau cổ họng. Nuốt khó, giống như những tác dụng phụ khác, được tích lũy theo thời gian. Khi bị khó nuốt, bạn hãy trao đổi với bác sĩ, điều dưỡng hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn. Chế độ ăn mềm và đơn giản là lựa chọn tốt nhất khi bị khó nuốt. Ngoài ra, bạn có thể nhờ bác sĩ kê thêm một số thuốc giảm đau.
Nuốt khó
Bạn có thể bị khó nuốt trong và sau khi xạ trị tại vùng ngực. Bên dưới đây là những lời khuyên có thể có ích cho bạn.
Những vấn đề khi nuốt

Xạ trị vùng ngực có thể gây sưng và đau ở cổ họng. Tác dụng phụ này thường bắt đầu với cảm giác nuốt nghẹn ở cổ họng.
Tuỳ vị trí vùng điều trị của bạn và cổ họng của bạn có nằm trong vùng xạ trị hay không, cũng như liều xạ trị mà bạn sẽ bị khó nuốt hay không. Tình trạng khó nuốt có thể trở nên tồi tệ và kéo dài hơn nếu bạn hóa trị và xạ trị cùng lúc.
Tương tự những tác dụng phụ khác của xạ trị, khó nuốt có xu hướng tích lũy theo thời gian, có nghĩa là bạn có thể gặp vấn đề sau khoảng một tuần và có thể tiếp tục bị trong khoảng 2 tuần sau khi xạ trị.
Ở một số bệnh viện, bạn sẽ gặp chuyên gia dinh dưỡng mỗi tuần trong suốt quá trình điều trị. Trong trường hợp không có sẵn lịch gặp bác sĩ dinh dưỡng, bạn có thể đề nghị được gặp một bác sĩ dinh dưỡng nếu bạn gặp phải những vấn đề về nuốt.
Một số lời khuyên về dinh dưỡng
Bạn cần có sự thay đổi về thói quen ăn uống và nên áp dụng một chế độ ăn uống đơn giản, dễ tiêu hoá trong quá trình điều trị.
Thức ăn
- Hãy thử những món ăn dễ nuốt như: cháo, súp hoặc nước dùng, sữa chưa tách béo, phô mai.
- Tránh ăn những những món ăn gây kích ứng cổ họng như: thức ăn khô; thức ăn chiên; thức ăn cay; thức ăn hoặc thức uống rất nóng; rượu, đặc biệt là rượu mạnh.
Mời bạn xem thêm:
Đồ uống
Bạn có thể cần thức uống có hàm lượng calo cao để tăng hàm lượng calo như: các loại sữa dinh dưỡng Build Up, Complan, Fortisip.
Bác sĩ cũng có thể kê toa những thực phẩm bổ sung calo cao khác. Bạn có thể nhờ điều dưỡng chuyên khoa, bác sĩ xạ trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng tư vấn cho bạn.
Và nhớ là hãy cố gắng uống nhiều nước và loại thức uống khác nhau nhé!
Thuốc
Bác sĩ hoặc điều dưỡng của bạn có thể kê thuốc để làm dịu cơn đau gồm:
- Thuốc giảm đau
- Thuốc dạng lỏng
- Thuốc súc miệng với aspirin
Bạn có thể uống thuốc giảm đau khoảng nửa giờ trước bữa ăn để có thể ăn ngon hơn.
Mời bạn xem thêm các bài viết cùng chủ đề:
Cập nhật ngày 25/03/2020
Tham khảo nguồn: Difficulty swallowing-chest radiotherapy
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm