• Skip to content

Salt Cancer Initiative

Thư Viện Kiến Thức Ung Thư

  • Kiến Thức Ung Thư
  • Chăm Sóc Cảm Xúc
  • Chăm Sóc Thể Chất
  • Ủng Hộ
Khi liệu pháp điều trị ung thư không còn hiệu quả

SCI Writer /

Khi liệu pháp điều trị ung thư không còn hiệu quả

Chia sẻ bài viết này trên:

  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

Dịch thuật: Trọng Tuấn, Lê Khương


(SCI Blog) – Đôi khi điều trị ung thư không đem lại hiệu quả. Hãy cố gắng chia sẻ các bác sĩ, những người trong đội ngũ chăm sóc ung thư và cả gia đình, bạn bè của bạn. Bạn có thể tham khảo ý kiến từ mọi người, sau đó đưa ra quyết định của bản thân về việc tiếp tục điều trị, hoặc sử dụng phương án điều trị khác, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc đặc biệt… Điều quan trọng là bạn hãy luôn hy vọng và có thể thực hiện điều mình muốn làm, cũng như dành thời gian với người thân, bạn bè.

Liệu pháp điều trị ung thư có thể giúp ngăn chặn ung thư phát triển hoặc lan rộng. Nhưng đôi khi điều trị không đem lại hiệu quả tốt hoặc không hiệu quả.

Ban đầu, điều trị có thể thành công và đã kết thúc được một thời gian , nhưng ung thư vẫn có thể quay trở lại. Hoặc có thể phương pháp điều trị ung thư đã không có tác dụng và khối u tiếp tục phát triển. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ của bạn có thể nói rằng ung thư của bạn đã tiến triển. Có thể có những phương pháp khác có thể hiệu quả hoặc không. Sau khi đã thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau và không có bất kỳ phương pháp nào trong số đó có thể kiểm soát được ung thư, có lẽ đã đến lúc cân nhắc lợi ích và rủi ro của việc tiếp tục thử các phương pháp điều trị mới.

Quyết định tiếp tục điều trị ung thư

Dưới đây là một số điểm cần xem xét khi quyết định có nên tiếp tục điều trị ung thư hay không.

Tin tưởng đội ngũ chăm sóc ung thư 

Nói chuyện với bác sĩ và đội ngũ chăm sóc của bạn. Bạn cần đặt niềm tin, cởi mở và đồng hành với họ. Bạn sẽ tự tin hơn trong quyết định điều trị nếu bạn tin tưởng các bác sĩ đưa ra khuyến nghị. Giao tiếp là yếu tố quan trọng đối với quá trình chăm sóc, từ chẩn đoán đến điều trị và hơn thế nữa.

Hãy nói chuyện với bác sĩ và đội ngũ chăm sóc của bạn (Ảnh: Sưu tầm)
Hãy nói chuyện với bác sĩ và đội ngũ chăm sóc của bạn (Ảnh: Sưu tầm)

Hãy tránh hỏi bác sĩ và đội ngũ chăm sóc ung thư những câu hỏi như “Bác sĩ sẽ làm gì tiếp theo?” hoặc “Nếu là tôi, bác sĩ có thử phương pháp điều trị khác không?”.

Thay vào đó, hãy đặt câu hỏi như, “Xin hãy liệt kê tất cả những phương án điều trị mà tôi có thể thử?” và “Theo kinh nghiệm của bác sĩ, tôi nên làm gì?”

Nói chuyện với những người thân yêu của bạn

Hãy cởi mở với những người thân yêu về căn bệnh ung thư của bạn và những thông tin bạn có được. Cùng tìm hiểu những suy nghĩ, cảm xúc và đề nghị của họ. Nói chuyện với họ về những lựa chọn được đưa ra, cùng với những quyết định bạn đã đưa ra hoặc còn suy nghĩ. Nếu bạn cảm thấy bạn cần hỗ trợ, hãy hỏi họ. Nếu không, hãy chắc chắn rằng bạn muốn đưa ra quyết định của riêng mình.

Hãy dành thời gian nói chuyện với người thân yêu (Ảnh: Sưu tầm)
Hãy dành thời gian nói chuyện với người thân yêu (Ảnh: Sưu tầm)

Cân nhắc về những quan điểm khác

Khi phải đối mặt với quyết định có nên tiếp tục điều trị ung thư hay không, một số bệnh nhân hoặc người thân của họ có thể muốn có phương án ​​thứ hai. Ngay cả khi bạn hoàn toàn tin tưởng bác sĩ và đội ngũ chăm sóc ung thư, có thể bạn sẽ tự hỏi liệu bác sĩ khác có thể đưa ra ý kiến hoặc có thể chia sẻ nhiều thông tin hơn hay không. Thật bình thường khi nghĩ về việc nói chuyện với bác sĩ khác, và bác sĩ hiện tại sẽ hỗ trợ bạn nếu bạn quyết định có ý kiến ​​khác. Hãy nhớ rằng đội ngũ chăm sóc ung thư luôn muốn bạn chắc chắn về các quyết định mà bạn đưa ra.

Nếu có những phương án điều trị khác

Nếu ung thư tiếp tục phát triển hoặc quay trở lại sau một loại điều trị, vẫn có thể còn cách nào đó giúp giảm thiểu sự phát triển của ung thư, hoặc ít nhất là giữ nó trong tầm kiểm soát, đủ để giúp bạn sống lâu hơn và thoải mái hơn. Các thử nghiệm lâm sàng cũng có thể cho bạn cơ hội thử những phương pháp điều trị mới hơn, đôi khi mang lại kết quả tốt.

Nếu bạn muốn tiếp tục điều trị kéo dài, bạn nên cân nhắc về hướng điều trị tiếp theo có một số lợi ích (một cách cụ thể), so với các rủi ro và tác dụng phụ có thể xảy ra. Bác sĩ của bạn có thể giúp ước tính khả năng ung thư sẽ đáp ứng với điều trị mà bạn có thể đang cân nhắc. Chẳng hạn, bác sĩ có thể nói rằng việc tiếp tục điều trị có thể mang lại hiệu quả khoảng 1 trên 100 cơ hội. Cần phải có những kỳ vọng thực tế nếu bạn chọn kế hoạch này. Những lợi ích, rủi ro, tác dụng phụ, chi phí, lịch điều trị và thăm khám, và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống luôn cần được xem xét và thảo luận.

Sẽ có trường hợp đã thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau nhưng ung thư vẫn phát triển, thậm chí các phương pháp điều trị mới hơn có thể không còn hữu ích. Đây có thể là phần khó nhất trong trải nghiệm ung thư của bạn – nếu bạn đã trải qua nhiều phương pháp điều trị và không còn gì hiệu quả nữa. Đâu đó, bạn có thể cần phải nhìn nhận rằng tiếp tục điều trị không có khả năng cải thiện sức khỏe của bạn hoặc thay đổi kết quả. Điều trị trong tình huống này đôi khi được gọi là chăm sóc vô ích . Một lần nữa, bạn cần tin tưởng vào đội ngũ chăm sóc ung thư của bạn và thảo luận về tất cả các lựa chọn với những người thân yêu về quyết định tiếp tục điều trị trong khoảng thời gian khó khăn này .

Những điều có thể được thực hiện

Chăm sóc giảm nhẹ

Cho dù bạn có tiếp tục điều trị hay không, có những điều bạn có thể làm để giúp duy trì hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống. Hãy cố gắng khiến bản thân cảm thấy thoải mái nhất có thể.

Hãy đưa ra những thắc mắc và điều trị bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện, chẳng hạn như buồn nôn hoặc đau. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được thực hiện cho dù bạn đang điều trị ung thư hay không. Và nó có thể được sử dụng ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Chăm sóc giảm nhẹ được sử dụng để giúp giảm bớt các triệu chứng và tác dụng phụ.

Mời bạn xem thêm một số bài viết liên quan về Chăm sóc giảm nhẹ:

Chăm sóc giảm nhẹ trong điều trị ung thư

Chăm sóc cuối đời

Nếu quyết định ngừng điều trị, đến một lúc nào đó, bạn có thể hưởng lợi từ chăm sóc cuối đời. Vào cuối đời, chăm sóc tập trung vào chất lượng cuộc sống của bạn và giúp bạn xử lý các triệu chứng của mình. Chăm sóc cuối đời điều trị cho triệu chứng của người bệnh nhiều hơn là bệnh; nó tập trung vào chất lượng cuộc sống hơn thời gian sống. Mặc dù chăm sóc cuối đời có nghĩa là kết thúc các phương pháp điều trị như hóa trị và xạ trị, điều đó không có nghĩa là bạn không thể điều trị các vấn đề do ung thư hoặc các tình trạng sức khỏe khác gây ra. Trọng tâm của chăm sóc cuối đời là hướng đến một cuộc sống hạnh phúc và thoải mái nhất có thể trong thời điểm khó khăn này.

Luôn hy vọng

Hy vọng về một cuộc sống không ung thư có thể không mấy khả quan, nhưng vẫn còn hy vọng cho những khoảng thời gian tốt đẹp bên gia đình và bạn bè – những khoảng thời gian tràn ngập hạnh phúc và ý nghĩa. Tạm dừng điều trị cho bạn một cơ hội để tập trung vào những điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Bây giờ có thể là thời gian để làm một số việc bạn luôn muốn làm và ngừng làm những việc bạn không còn muốn làm nữa. Mặc dù ung thư có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, nhưng vẫn có những lựa chọn bạn có thể thực hiện.

Sau tất cả, bạn hãy không ngừng hy vọng và giữ vững nguồn năng lượng sống tích cực mỗi ngày. (Ảnh: Lớp vẽ của Gió - Salt Cancer Initiative)
Sau tất cả, bạn hãy không ngừng hy vọng và giữ vững nguồn năng lượng sống tích cực mỗi ngày. (Ảnh: Lớp vẽ của Gió – Salt Cancer Initiative)

Mời bạn xem thêm bài viết cùng chủ đề:

Khi nhận ra ra mình sẽ không chữa khỏi

Cập nhật ngày: 20/11/2020
Tham khảo nguồn: If Cancer Treatments Stop Working

Các bài viết liên quan

Filed Under: An Yên Khoảnh Khắc Cuối Đời, Chăm Sóc Cảm Xúc, Chăm sóc giảm nhẹ, Chăm Sóc Thể Chất, Tiến triển ung thư

DMCA.com Protection Status

Copyright © 2019 Salt Cancer Initiative