Dịch thuật: Khánh Từ, Trần Hoàng Khang
(SCI Blog) – Hội chứng suy mòn không đơn thuần chỉ là sụt cân thông thường mà nó là một vấn đề phức tạp. Hội chứng này thường xuất hiện trong giai đoạn ung thư tiến triển mạnh. Một khi mắc phải thì cơ thể không thể phục hồi lại hoàn toàn.
Hội chứng suy mòn là gì?

Hội chứng này không chỉ đơn thuần là mất cảm giác ngon miệng hoặc chứng biếng ăn thông thường. Đây là một vấn đề phức tạp và liên quan đến sự thay đổi trong cách thức cơ thể sử dụng protein, carbohydrate và chất béo. Hội chứng này dẫn đến nhiều vấn đề kể cả teo cơ.
Hội chứng này rất khác với so với sụt cân thông thường. Một khi mắc phải, cơ thể không thể phục hồi lại hoàn toàn dù cho bạn thèm ăn.
Cố gắng ăn nhiều hoặc truyền thức ăn qua ống thông có thể không giúp khôi phục tình trạng trước khi xuất hiện hội chứng này. Những người mắc phải hội chứng suy mòn dường như không cảm thấy đói.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng suy mòn trong ung thư
Chúng ta không biết chính xác nguyên nhân dẫn đến ‘hội chứng suy mòn’. Các nhà khoa học nghĩ rằng ung thư giải phóng những chất hóa học vào máu và chính những chất hóa học này góp phần làm teo mỡ và cơ.
Những chất hóa học này có thể làm tăng tốc quá trình trao đổi chất, do đó bạn sử dụng năng lượng nhanh hơn. Vì cơ thể của bạn sử dụng năng lượng nhanh hơn bình thường, bạn có thể bị sụt cân nghiêm trọng ngay cả khi bạn ăn uống bình thường.
Triệu chứng

Hội chứng suy mòn thường phổ biến ở bệnh nhân ung thư phổi hoặc những bệnh lý ung thư thuộc hệ tiêu hóa. Hội chứng này thường có những triệu chứng sau đây:
- Sụt cân nghiệm trọng, bao gồm teo mỡ và cơ
- Mất cảm giác ngon miệng
- Cảm thấy buồn nôn
- Cảm thấy no sau khi chỉ mới ăn một lượng nhỏ thức ăn
- Thiếu máu (tế bào hồng cầu thấp)
- Suy nhược và mỏi mệt
Ai có thể mắc phải hội chứng suy mòn?
Trong những giai đoạn đầu của ung thư, hội chứng suy mòn thường ít gặp. Nhưng khi ung thư tiến triển mạnh, có đến 6 trong 10 bệnh nhân (60%) xuất hiện hội chứng này.
Hội chứng này xuất hiện trong giai đoạn ung thư tiến triển mạnh có thể gây ra nhiều khó khăn và làm bạn cảm thấy rất kiệt quệ. Tuy nhiên, hội chứng này không chỉ xuất hiện ở bệnh nhân ung thư.
Thực tế, hội chứng này còn xuất hiện vào những giai đoạn tiến triển mạnh của nhiều bệnh khác nữa, ví dụ như bệnh tim mạch, HIV và bệnh thận.
Mất cơ và mỡ có thể làm cho bạn trông “mòn mỏi”. Tình trạng của bạn còn có thể xấu hơn nữa vì tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư mà bạn đang trải qua.
Cập nhật ngày: 04/06/2019
Tham khảo nguồn: Cachexia
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm