Dịch thuật: Nguyễn Minh Đạt, Hoàng Khang, Lê Khương
Bạn thường cảm thấy buồn bã, sợ hãi thậm chí trở nên trầm cảm khi đau? Bạn đừng lo lắng vì sẽ có rất nhiều người bên cạnh có thể giúp đỡ mình.

Tại sao kiểm soát cơn đau do ung thư lại cần hỗ trợ
Sự hỗ trợ y tế vô cùng quan trọng vì nhân viên y tế sẽ giúp bạn kiểm soát cơn đau ung thư tốt hơn.
Bạn hãy báo với bác sĩ và y tá của mình về cơn đau. Hãy cho họ biết chính xác cảm giác đau bạn hiện có vì điều này giúp họ đưa ra giải pháp tốt nhất để kiểm soát cơn đau.
Bạn cũng có thể nhận được những sự hỗ trợ về mặt tình cảm và tâm lý. Bạn có thể cảm thấy:
- Tức giận vì phải chịu đựng cơn đau
- Buồn vì gia đình bạn nhìn thấy bạn đau đớn
- Muốn một mình để chiến đấu với cơn đau
- Không ai khác biết được bạn đang cảm thấy tồi tệ ra sao
- Lo lắng cơn đau có thể không bao giờ biến mất
- Lo lắng có thể không bao giờ làm những công việc hàng ngày mà không bị đau
Bạn có thể cảm thấy chán nản, vô vọng hoặc lo sợ tình trạng bệnh của mình đang tiến triển hay bạn có thể sẽ chết.
Cảm nhận này không thể phân định là đúng hay sai. Vì những cảm xúc này là một phần của quá trình mà nhiều người mắc bệnh ung thư phải trải qua. Hầu hết mọi người đều sẽ trải qua.
Một khi cơn đau giảm đi, phần lớn những cảm xúc khó chịu này có thể biến mất. Bạn sẽ ăn ngon miệng hơn, ngủ ngon hơn và tận hưởng những sở thích, hoặc dành thời gian cho bạn bè và gia đình.
Trầm cảm
Trầm cảm thường gặp ở những người bị đau. Thông thường, những bệnh nhân ung thư sẽ cảm thấy chán nản, trầm buồn.
Bạn có thể cảm thấy vô vọng, không muốn làm gì cả khi bạn bị trầm cảm. Bạn sẽ cảm thấy ăn không ngon, có thể khó ngủ hoặc không muốn thức dậy vào buổi sáng.
Cơn đau có thể làm tâm trạng bạn trở nên tồi tệ đến mức bạn cảm thấy không muốn sống nữa hay thậm chí có ý định tự tử.
Trầm cảm sẽ khiến cơ thể sinh ra các hóa chất khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn. Trầm cảm có thể gây ra những thay đổi hóa học và thể chất trong cơ thể.

Trao đổi về cơn đau
Bạn có thể nói với người thân về cơn đau của chính mình. Một số người cảm thấy khó nói về việc này . Bạn sợ gia đình mình sẽ không thể đối diện khi bạn nói về cơn đau của mình hay họ sẽ sợ vì cơn đau khiến căn bệnh tồi tệ hơn.
Chia sẻ những lo lắng của bản thân giúp cải thiện tâm trạng của bạn. Đôi khi chỉ cần gia đình lắng nghe, chia sẻ mọi thứ sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn để kiểm soát cơn đau ung thư.
Bạn có thể cần có một y tá chăm sóc giảm nhẹ để trò chuyện. Những y tá này được đào tạo về ung thư và chăm sóc cơn đau sẽ cho bạn những lời khuyên thiết thực. Ngoài ra, bác sĩ gia đình sẽ là người sẵn sàng hỗ trợ bạn.
Hỗ trợ về tâm lý giúp kiểm soát cơn đau ung thư
Đối với những cơn đau mạn tính, đôi khi sẽ tốt hơn nếu có sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Họ có thể giúp bạn giảm nhẹ và kiểm soát cơn đau ung thư.
Bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể kê toa một số thuốc chống trầm cảm cho bạn. Thuốc chống trầm cảm có thể ngăn cơ thể sản sinh ra hóa chất gây đau. Thuốc chống trầm cảm cũng hỗ trợ trong điều trị cơn đau do nguyên nhân thần kinh.
Bạn nên trò chuyện với những người sẵn sàng lắng nghe những lo lắng của mình, nhưng không liên quan đến việc chăm sóc hàng ngày của bạn. Những thông tin về ung thư trên trang Cancer research UK cũng SCI sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về:
- Các khuyến cáo
- Dịch vụ hiện có ở nơi bạn sống
- Các nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư
Một số người cảm thấy an lòng hơn khi trò chuyện với cố vấn tôn giáo, người lãnh đạo tôn giáo họ. Nhân viên bệnh viện sẽ giúp bạn vượt qua những lo lắng, các vấn đề tài chính hoặc nhận trợ giúp tại nhà.
Điều quan trọng là bạn sẽ không phải một mình chiến đấu với ung thư. Ngay cả khi bạn không có gia đình và bạn bè thân thiết bên cạnh, vẫn luôn có nhiều người khác có thể giúp đỡ bạn. Hãy báo cho bác sĩ và y tá nếu bạn cần hỗ trợ.
Cập nhật 03/06/2019
Tham khảo: Support when you have pain
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm