Dịch thuật: Đức Hạnh, Hoàng Khang, Lê Khương
(SCI Blog) – Bạn có thể hỗ trợ cảm xúc bệnh nhân ung thư bằng nhiều cách khác nhau. Hiểu cảm xúc của họ sẽ giúp bạn thấu hiểu và hỗ trợ họ tốt hơn. Qua một số gợi ý hỗ trợ cảm xúc sau, bạn có thể áp dụng để lắng nghe và hỗ trợ bệnh nhân. Về mặt thể chất, bạn có thể giúp họ một số công việc hàng ngày như làm vườn, dọn dẹp, mua sắm,…. Sẵn sàng giúp khi họ cần.
Khi một người bạn hoặc người thân bị ung thư, bạn sẽ muốn tìm cách tốt nhất để giúp đỡ họ. Sau đây là một số cách khác nhau bạn có thể áp dụng.
Tôi nên nói gì?
Lúc đầu bạn có thể không biết nên nói hoặc làm gì, bạn cần cởi mở và nhạy cảm với cảm xúc của bệnh nhân. Biết bạn ở bên họ sẽ giúp họ rất nhiều.

Mỗi bệnh nhân ung thư sẽ có những trải nghiệm khác nhau nên bạn cố gắng đừng quy chụp cảm xúc cho họ. Họ có thể vui buồn bất chợt, nên bạn cần để tâm đến tâm trạng của họ.
Hãy nhớ rằng không phải lúc nào họ cũng muốn nói hay nghĩ về căn bệnh ung thư của mình. Bạn nên trò chuyện về những chủ đề đời thường và nói đùa trong lúc trò chuyện sẽ giúp họ thoải mái hơn.
Đừng cảm thấy tổn thương nếu họ không muốn nói về ung thư và nên tôn trọng nhu cầu riêng tư cũng như dành cho họ những khoảng thời gian tĩnh lặng.
Những cảm xúc họ có thể trải qua
Bạn có thể nhận thấy tâm trạng của họ thường xuyên thay đổi. Đó là một phản ứng bình thường khi biết mình bị ung thư. Có rất nhiều cảm xúc mà họ có thể trải qua, bao gồm:
- Phẫn nộ
- Buồn chán
- Hoang mang
- Sợ hãi
- Tội lỗi
- Thất vọng
- Cô đơn
- Cô lập
- Oán giận
- Đau buồn
Hiểu được những cảm xúc này có thể giúp bạn hỗ trợ họ tốt hơn.
Hỗ trợ về mặt cảm xúc
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự hỗ trợ về mặt cảm xúc từ gia đình và bạn bè có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư.
Mọi người thường sợ lỡ miệng nói điều không đúng với bệnh nhân ung thư. Sau đây là một số gợi ý có thể giúp bạn.

Hãy thực hiện những điều sau:
- Nói ra nếu bạn cảm thấy lúng túng – vì như vậy chứng tỏ là bạn thừa nhận những gì đang xảy ra chứ không giả vờ như không có gì
- Hãy nắm tay hoặc ôm họ – điều này sẽ giúp ích nhiều
- Gọi điện, gửi bưu thiếp hoặc nhắn tin cho họ biết bạn đang nghĩ về họ
- Hãy cho họ biết bạn sẵn sàng lắng nghe nếu họ muốn nói chuyện
- Tôn trọng nhu cầu riêng tư của họ
- Hỗ trợ trong toàn bộ quá trình chẩn đoán – trước, trong và sau điều trị
- Hãy nói đùa và cười khi thích hợp
- Giữ mối quan hệ cân bằng như bình thường
Cố gắng đừng:
- Nói với họ rằng bạn biết họ đang cảm thấy như thế nào vì chúng ta không bao giờ biết chính xác cảm xúc của bệnh nhân ung thư.
- Nói với họ “Hãy mạnh mẽ” hoặc “Hãy lạc quan” vì điều đó chỉ tạo thêm áp lực cho họ.
- Cảm thấy tổn thương khi họ tức giận, buồn chán và không muốn nói chuyện.
- Đưa ra lời khuyên khi họ không yêu cầu.
- So sánh tình trạng của họ với người khác mà bạn biết, trải nghiệm của mỗi bệnh nhân ung thư rất riêng biệt.
Hãy là một người biết lắng nghe
Người biết lắng nghe là người biết nghĩ đến suy nghĩ và cảm xúc của người khác. Bạn không cần phải có tất cả câu trả lời. Chỉ cần lắng nghe những mối quan tâm và lo lắng của người khác cũng đã rất giúp ích.
Người biết lắng nghe là người thật sự tập trung lắng nghe tại thời điểm hiện tại. Lắng nghe là một phần quan trọng để hỗ trợ về mặt cảm xúc.
Sau đây là một số gợi ý để lắng nghe tốt:
- Giữ cho không gian trò chuyện riêng tư, thoải mái, không có nhiều sự phân tâm.
- Duy trì giao tiếp bằng mắt nhưng tránh nhìn chằm chằm.
- Hãy để bệnh nhân ung thư dẫn dắt cuộc trò chuyện và tránh cắt ngang.
- Tập trung hoàn toàn vào những điều họ đang nói.
- Nếu bạn cảm thấy khó khăn hoặc không thoải mái, đừng thay đổi chủ đề mà hãy cho họ biết cảm xúc của bạn, để tránh sự lúng túng.
- Nếu họ khóc, đừng cố làm họ vui. Cho họ biết rằng buồn là cảm xúc bình thường đối với những gì đang xảy ra với họ.
- Bạn có thể chạm tay họ để an ủi nhưng nếu họ không muốn thì hãy để họ có không gian riêng
- Đừng cố đưa ra lời khuyên trừ khi được hỏi.
- Đừng nói đùa trừ khi họ nói đùa.
- Những khoảng không yên lặng là bình thường, đừng cố tìm chuyện để nói.
Hỗ trợ thiết thực
Bên cạnh hỗ trợ về mặt cảm xúc, bạn có thể hỗ trợ về mặt thể chất. Hãy kiểm tra xem bạn bè, người thân của bạn có cần sự hỗ trợ đặc biệt nào không.
Một số bệnh nhân không muốn được giúp đỡ hoặc cảm thấy khó có thể chấp nhận sự giúp đỡ. Họ vẫn muốn tự lập nên đừng cảm thấy bị tổn thương hoặc xúc phạm. Tôn trọng quyết định của họ nhưng hãy cho họ biết bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần.

Bạn có thể đề nghị giúp đỡ trong tương lai hoặc có thể tạo một nhóm thay phiên nhau giúp đỡ. Hãy chắc rằng bạn có thể thực hiện những sự giúp đỡ mà bạn đã đề nghị.
Sau đây là một số gợi ý dành cho bạn:
- Chuẩn bị sẵn đồ ăn để họ có thể dùng dần
- Đưa họ đến bệnh viện để xét nghiệm máu và gặp gỡ bác sĩ
- Giúp lau chùi và giặt giũ.
- Đưa đón con của họ đến trường học
- Đem đồ ăn trưa đến cho họ và ngồi trò chuyện thêm
- Đi mua sắm giúp họ hoặc cùng đi với họ
- Đề nghị giúp họ chăm sóc vườn tược.
- Phụ bất cứ việc gì mà họ cần
- Hãy hỏi trước khi bạn đến vì có thể họ cảm thấy không khỏe để tiếp bạn.
Cập nhật 27/06/2019
Tham khảo How to support someone with cancer
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm