Dịch thuật: Trần Anh Thư
(SCI Blog) – Nỗi đau là một trải nghiệm rất cá nhân. Bạn có thể trải qua một chuỗi những cảm xúc khác nhau, và đôi khi sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi chúng. Hai điều sẽ giúp ta vượt qua giai đoạn này, chính là Thời gian và Sự hỗ trợ.
Nỗi đau là gì?
Khi một người bạn hoặc người thân của bạn qua đời, bạn sẽ trải qua một quá trình bình thường được gọi là đau buồn. Chúng ta thấy đau buồn sau bất kỳ mất mát nào trong đời. Nhưng nó mạnh mẽ nhất khi chuyện xảy đến với người ta yêu thương.
Đau buồn không chỉ là một loại cảm giác, nó thường bao gồm nhiều loại cảm giác khác nhau. Theo thời gian, nó có thể giúp bạn chấp nhận và hiểu được mất mát của mình.
Mỗi người đều cảm thấy đau buồn theo cách khác nhau và không có cách phản ứng đúng hay sai. Sau đây là một số thông tin chung về các phản ứng khác nhau mà mọi người thường có. Có thể sẽ giúp ít nếu ta biết rằng những người khác cũng mang những cảm xúc tương tự.
Mời bạn xem thêm bài viết cùng chủ đề:
Tiến trình của nỗi đau
Một số người nói rằng khi bạn đau buồn, bạn sẽ trải qua các giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế của bạn có thể khác.
Bạn có thể chuyển đổi qua lại giữa cảm giác rất khó chịu và sau đó cảm thấy tốt hơn hoặc tập trung vào việc khác. Vì vậy, đôi khi bạn sẽ phải đối mặt với mất mát của mình và đối mặt với cảm xúc mạnh mẽ về nó. Vào những lúc khác, bạn sẽ tránh những cảm giác này và bạn có thể tập trung vào các hoạt động khác.
Đây có thể là một cách đối phó và có thể ngăn bạn trở nên quá tải. Vài tác nhân khác cũng ảnh hưởng đến cách bạn đau buồn. Chúng bao gồm mối quan hệ của bạn với người đó, cách họ ra đi và kinh nghiệm sống của chính bạn.
Những cảm xúc có thể đến với bạn
Khi người bạn thân hay người nhà qua đời, bạn sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, và chúng đều là một phần thuộc tiến trình của nỗi đau.
Bị sốc và tê liệt
Ngay sau cái chết của một người bạn thân hoặc người thân, bạn có thể cảm thấy tê liệt. Một số người cảm thấy sốc đến mức họ không thể chấp nhận rằng người đó đã ra đi. Họ thậm chí còn phủ nhận rằng đây là sự thật.
Mời bạn xem thêm:
Cảm giác này thường qua đi khi họ bắt đầu chia sẻ với người khác về cái chết.
Kích động và khao khát
Khi cơn tê liệt qua đi, bạn có thể cảm thấy vô cùng kích động hoặc khao khát được cảm thấy sự hiện diện của người đã mất. Cảm giác nhớ người ấy có thể khiến bạn khó thư giãn hoặc tập trung.
Bạn có thể thấy mình mơ thấy người đó như khi họ vẫn còn sống. Bạn thậm chí có thể bước vào một căn phòng và tưởng tượng bạn đã nhìn thấy người thân yêu của mình đang đứng đó.
Một số người thấy điều này đáng lo, nhưng những người khác lại thấy an ủi. Nó dường như xảy ra bởi vì chúng ta muốn gặp lại người đó rất nhiều.
Tức giận
Cảm giác tức giận là điều bình thường. Bạn có thể nghĩ rằng thật không công bằng khi ai đó gần gũi với bạn đã chết. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy rất tức giận với mọi thứ và mọi người.
Thậm chí, không có gì lạ khi bạn cảm thấy tức giận với người đã chết vì đã rời bỏ bạn. Hoặc bạn có thể cảm thấy tức giận với những người khác chẳng hạn như bác sĩ, vì đã không ngăn cho cái chết đừng đến.
Tội lỗi
Một số người cảm thấy tội lỗi, họ nghĩ ra vô vàn những điều họ ước gì đã nói hoặc làm trước khi người đó ra đi. Bạn có thể cảm thấy tội lỗi vì mình vẫn còn sống hoặc bạn không thể ngăn người đó lìa đời.
Hoặc bạn có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi người đó qua đời, có lẽ vì họ đã rất lâu không khỏe – và cảm giác nhẹ nhõm đó khiến bạn cảm thấy tội lỗi.
Điều quan trọng là hãy nhớ rằng cảm giác tội lỗi là rất phổ biến, và hãy cố gắng đừng dằn vặt mình với suy nghĩ về nó.
Buồn bã hoặc trầm cảm
Đầu tiên, bạn có thể có những khoảng thời gian vô cùng buồn bã, khi bạn vô cùng nhớ người ấy và khóc thật to vì họ. Khi thời gian trôi qua, những khoảng thời gian này có thể trở nên ít thường xuyên hơn. Nhưng bạn vẫn có những lúc buồn lặng lẽ.
Nhiều người có thể cảm thấy rất buồn sau cái chết của người thân thiết với họ. Dành thời gian nghĩ về người bạn đã mất có thể là một phần yên tĩnh nhưng thiết yếu để đối mặt với những sự ra đi.
Trầm cảm là một cảm giác dữ dội hơn nhiều. Nó có thể ngăn bạn liên tưởng đến những thứ mà trước đây bạn cảm thấy là quan trọng. Bạn có thể cảm thấy rằng bạn không còn thiết tha với những việc hàng ngày như ăn, ngủ, vệ sinh, các hoạt động xã hội và công việc.
Trống rỗng
Bạn có thể cảm thấy như thể bạn đã đánh mất một phần của chính mình, rằng có một lỗ hổng lớn trong cuộc sống của bạn, do người đã mất để lại.
Cảm giác đau đớn và trống rỗng này có thể rất dữ dội khi bắt đầu. Nó có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn. Nhưng khi thời gian trôi qua, bạn có thể bắt đầu cảm thấy toàn vẹn trở lại, dù đâu đó vẫn cảm thấy một phần thiếu thốn trong tâm hồn.
Chấp nhận
Không phải lúc nào sự chấp nhận cũng có nghĩa là bạn sẽ cảm thấy vui vẻ trở lại. Nhưng điều đó có nghĩa là bạn sẽ bắt đầu cảm thấy có thể đương đầu với cái chết của người thân yêu.
Hầu hết những ai đã mất một người thân thiết với họ đều chia sẻ rằng họ không bao giờ hoàn toàn vượt qua được. Nhưng họ tìm ra cách để đối phó với nó. Và họ có thể tận hưởng lại những điều trong cuộc sống và cảm thấy cuộc đời thật đáng sống. Nghe điều này thậm chí có thể giúp những người đang trải qua những giai đoạn đau buồn nặng nề hơn.
Cuối cùng bạn sẽ có thể nghĩ về người đã khuất và điều đó sẽ không còn đau đớn như trước đây. Mọi người đều đạt đến điểm này vào những thời điểm khác nhau. Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy muốn lập kế hoạch trước và mong đợi những thời điểm tốt đẹp hơn.
Điều này không có nghĩa là bạn bớt cảm giác nhớ thương người đã mất. Bạn sẽ luôn nhớ và yêu họ vì những điều đã được chia sẻ cùng nhau.
Nỗi đau tồn tại đến bao lâu?
Đau buồn bao lâu là một điều rất riêng. Có thể vài tháng, hoặc thậm chí nhiều năm. Nhưng nó không phải lúc nào cũng dữ dội như vậy. Đừng lo lắng nếu bạn vẫn cảm thấy cảm xúc rất mãnh liệt nhiều tháng sau khi cái chết xảy ra. Giáng sinh đầu tiên và sinh nhật của người thân yêu của bạn sau khi họ qua đời thường rất buồn.
Bạn có thể thấy rằng những ngày kỷ niệm quan trọng ảnh hưởng đến bạn trong nhiều năm sau khi ai đó qua đời. Một số người thấy hữu ích khi lên kế hoạch làm gì đó vào những ngày đó, chẳng hạn như đi thăm một nơi đặc biệt. Những người khác cảm thấy quá đau đớn khi làm điều này. Bạn cần phải tìm ra cách của riêng mình và làm những gì phù hợp với bạn.
Một số cảm xúc có thể rất khó đối mặt và một số người có thể cố gắng tránh cảm giác đau buồn. Họ luôn bận rộn để phân tâm khỏi mất mát đau thương. Và một số người uống nhiều rượu hơn bình thường hoặc sử dụng các loại thuốc khác để làm tê cơn đau. Tuy nhiên, điều này có thể làm chậm quá trình khôi phục và gây ra các vấn đề mới.
Gợi ý về cách bạn có thể tự giúp mình khi đau buồn
Phần quan trọng nhất của việc chữa lành là thừa nhận rằng bạn đang đau buồn. Hai điều giúp ích nhiều nhất cho sự đau buồn là thời gian và sự hỗ trợ. Bạn không thể ép mình cảm thấy tốt hơn.
Điều quan trọng là bạn đau buồn cho người thân của mình và cho phép bản thân cảm nhận theo cách của bạn. Dưới đây là một số gợi ý có thể hữu ích:
- Đừng cố gắng chống lại cảm xúc của bạn. Dành thời gian cho những suy nghĩ và cảm xúc của bạn, cả tích cực và tiêu cực.
- Nói chuyện với người mà bạn tin tưởng về việc bạn bè hoặc người thân của bạn đã ra đi và cảm giác của bạn như thế nào.
- Đừng sợ phải khóc nhiều. Khóc là một phần quan trọng của đau buồn và sẽ giúp bạn giải thoát.
- Nếu bạn phải dọn dẹp nhà của người đó hoặc kết thúc bất kỳ công việc kinh doanh nào mà họ để lại, bạn nên cố gắng thực hiện sớm hơn là muộn. Hãy nhờ bạn bè hoặc người thân giúp đỡ.
- Nhớ chăm sóc bản thân. Ăn uống điều độ, nghỉ ngơi nhiều và tập thể dục.
- Một số người thấy rằng việc viết ra cảm xúc của họ, hoặc viết về người thân của họ sẽ rất hữu ích.
- Một số người cảm thấy hữu ích khi đến một nhóm hỗ trợ và nói chuyện với những người đã hoặc đang có trải nghiệm mất mát tương tự.
- Hãy kiên nhẫn với chính mình. Sẽ mất thời gian, và một số ngày sẽ dễ dàng hơn những ngày khác.
Hãy gặp bác sĩ đa khoa của bạn nếu bất cứ lúc nào bạn cảm thấy mọi thứ quá sức. Họ có thể đề nghị bạn nhận một số lời khuyên về nỗi buồn. Hoặc bạn có thể thấy hữu ích khi liên hệ với một tổ chức cung cấp hỗ trợ và lời khuyên cho những người trong tình huống này.
Nỗi đau phức tạp
Mất mát có thể là một trong những trải nghiệm đau đớn nhất mà bạn từng trải qua. Cảm xúc của bạn có thể vô cùng mạnh mẽ và tràn ngập. Mặc dù vậy, đây là một phần bình thường của cuộc sống và mọi người thường không cần bác sĩ giúp đỡ.
Nhưng một số có thể cần. Thật khó để biết điều gì là bình thường, vì quá trình đau buồn của mọi người là khác nhau và mang tính cá nhân đối với họ. Nhưng bạn có thể thấy rằng bạn bắt đầu đau buồn và sau đó gặp khó khăn. Vì vậy, cảm giác sốc và hoài nghi ban đầu có thể tiếp diễn. Hoặc bạn có thể cảm thấy rất tức giận và không thể chấp nhận được cái chết. Đôi khi việc không thừa nhận cảm xúc sẽ dẫn đến nhiều vấn đề. Một số người phát triển các triệu chứng thể chất hoặc có giai đoạn trầm cảm trong những năm tiếp theo.
Những tình huống này được gọi là đau buồn phức tạp. Chúng cũng có thể được gọi là đau buồn chưa giải quyết được hoặc đau buồn trì hoãn. Hãy gặp bác sĩ đa khoa của bạn nếu điều này xảy ra, hoặc nếu bất kỳ lúc nào bạn cảm thấy mọi thứ quá sức. Họ có thể đề xuất:
- Giúp bạn liên lạc với những người khác đã trải qua trải nghiệm tương tự
- Tư vấn đau buồn
- Sử dụng thuốc ngủ trong một thời gian ngắn
- Thuốc chống trầm cảm
Bạn có thể thấy hữu ích khi liên hệ với một tổ chức cung cấp hỗ trợ và lời khuyên cho những người trong hoàn cảnh này.
Bạn cũng có thể tìm đến Salt Cancer Initiative – Tổ chức Sáng kiến Ung thư Muối, một cộng đồng mang đến những giải pháp thể chất, tinh thần và kiến thức ung thư cho những chiến binh K toàn quốc.
Chi tiết tham khảo tại Fanpage: https://www.facebook.com/saltcancerinitiative/
Cập nhật ngày: 19/12/2020
Tham khảo nguồn: Coping with grief
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm