Dịch thuật: Minh Phạm, Lê Khương
(SCI Blog) – Tràn dịch ổ bụng là một trong những triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân ung thư. Hãy cùng tìm hiểu về những phương pháp điều trị, cách thực hiện và những biến chứng có thể xảy ra trong điều trị tràn dịch ổ bụng.
Điều trị tràn dịch ổ bụng
Ung thư tiến triển đôi khi có thể làm tích tụ chất lỏng trong ổ bụng. Thuật ngữ chuyên ngành cho hiện tượng này cổ trướng. Để điều trị, bác sĩ có thể rút dịch bằng ống.
Chuyện gì đang xảy ra
Bác sĩ có thể đặt một ống nhỏ vào bụng để rút dịch. Thủ thuật này làm giảm căng bụng và làm cho bạn cảm thấy thoải mái hơn. Thủ thuật này được gọi là chọc dò ổ bụng.
Hút chất lỏng làm giảm các triệu chứng ở 9 trên 10 bệnh nhân (90%).
Chất lỏng đôi khi có thể tái tích tụ lại sau một thời gian. Vì vậy bác sĩ có thể chỉ định cho bạn dùng một số loại thuốc để làm chậm quá trình này. Bác sĩ cũng có thể chỉ định dẫn lưu dài hạn.
Điều trị
Bạn có thể được điều trị như một bệnh nhân ngoại trú hoặc bạn có thể phải ở lại bệnh viện tới vài ngày.
Bạn sẽ có giường nằm và một điều dưỡng giúp bạn chuẩn bị. Bác sĩ của bạn làm sạch da trên bụng của bạn và có thể tiêm thuốc gây tê cục bộ để làm tê khu vực này. Họ nhẹ nhàng dùng kim để đặt một ống nhỏ vào vùng có dịch. Bạn có thể được siêu âm cùng lúc đó. Siêu âm (nếu có) sẽ giúp cho bác sĩ đưa ống hút vào đúng khu vực có dịch.
Bác sĩ của bạn sau đó gắn ống dẫn lưu vào một túi dẫn lưu. Bác sĩ có thể sẽ khâu một vài mũi và đặt gạc xung qua nơi đặt ống để giữ ống cố định.
Bạn có thể chỉ cần dẫn lưu dịch trong vài giờ. Nhưng nếu dịch ổ bụng quá nhiều, bạn có thể có phải để ống dẫn lưu trong vài ngày.
Sơ đồ thể hiện dịch ổ bụng (cổ trướng) dẫn lưu từ bụng
(Ảnh: Cancer Research UK)
Các vấn đề có thể xảy ra
Huyết áp thấp
- Huyết áp của bạn có thể giảm và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi nếu chất lỏng chảy quá nhanh. Điều dưỡng của bạn sẽ kiểm tra huyết áp và mạch của bạn thường xuyên.
Đau và khó chịu
- Điều dưỡng của bạn có thể cho bạn thuốc giảm đau nếu bạn cần. Họ cũng có thể giúp bạn thay đổi vị trí của bạn để làm cho bạn thoải mái.
Chất lỏng trong các khu vực riêng biệt trong bụng
- Bác sĩ của bạn có thể cần phải đặt ống ở nhiều nơi nếu chất lỏng ở các khu vực khác nhau.
Nhiễm trùng (viêm phúc mạc)
- Nhiễm trùng thường không phổ biến. Nếu bạn bị nhiễm trùng, bạn sẽ được chỉ định thuốc kháng sinh dưới dạng viên nén hoặc dịch truyền.
Mời bạn xem thêm:
Tắc nghẽn ống
- Các ống có thể ngừng dẫn lưu. Thay đổi vị trí hoặc ngồi thẳng đôi khi sẽ giúp cải thiện sự tắc nghẽn. Nếu không, bác sĩ có thể cần phải thay ống dẫn lưu khác.
Rò rỉ chất lỏng sau khi lấy ống ra
- Bạn sẽ được đắp gạc để hấp thụ chất dịch thoát ra. Nếu như lượng dịch rò rỉ quá nhiều, bạn sẽ được đặt nhiều túi chứa dịch thay vì đáp gạc. Bạn có thể cần phải được khâu vết thương nếu vết thương vẫn rỉ dịch sau vài ngày.
Nếu chất lỏng tích tụ trở lại
- Bạn sẽ được chỉ định chọc dò hút dịch ổ bụng một lần nữa. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị đặt một shunt hoặc một ống dẫn lưu dài hạn nếu chất lỏng tái tích tụ nhanh chóng hoặc cần phải được dẫn lưu thường xuyên.
Thuốc ngăn dịch bụng tích tụ trở lại
- Một số phương pháp điều trị bằng thuốc có thể giúp ngăn chặn chất lỏng tích tụ.
Thuốc lợi tiểu
- Thuốc lợi tiểu giúp bạn đi tiểu thường xuyên hơn. Nghiên cứu cho thấy rằng thuốc lợi tiểu giúp ngăn chặn chất lỏng tích tụ trong khoảng một nửa số người dùng.
Hóa trị hoặc liệu pháp hormone
- Những phương pháp điều trị này có thể giúp thu nhỏ hoặc kiểm soát ung thư. Điều này ngăn chất lỏng tích tụ trong ổ bụng cho một số bệnh nhân. Loại hóa trị liệu hoặc liệu pháp hormone có thể giúp bạn phụ thuộc vào loại ung thư bạn mắc phải.
Bác sĩ có thể truyền thuốc hóa trị thông qua một ống truyền được đặt vào bụng. Thủ thuật này giúp kiểm soát sự tích tụ chất lỏng cho một số bệnh nhân. Nhưng hiện tại không có nhiều bằng chứng cho thấy thủ thuật này thật sự hiệu quả.
Cập nhật ngày: 12/12/2020
Tham khảo nguồn: Treating fluid in the abdomen
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm