Dịch thuật: Ngọc Trâm, Quỳnh Như, Anh Thư
(SCI Blog) – Đến nay, chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy sóng vô tuyến phát ra từ điện thoại di động có khả năng gây ung thư. Các công nghệ 4G hay 5G hiện nay tuy sử dụng sóng vô tuyến có mức năng lượng cao hơn nhưng chúng vẫn khá yếu để có làm tổn hại DNA gây ung thư. Một nghiên cứu có tính xác thực cao phải đảm bảo:
1. Được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu đang công tác tại các trường đại học hay viện nghiên cứu có tên tuổi.
2. Nghiên cứu phải có số lượng mẫu thử đủ lớn và thời gian dài để theo dõi được các tác động dài hạn có thể có.
3. Nghiên cứu phải được công bố trên tạp chí khoa học, tại đây các nghiên cứu sẽ được một nhóm các chuyên gia khác không tham gia nghiên cứu cùng xem và đánh giá độ tin cậy về số liệu và thông tin công bố trước khi bài viết được công bố trên tạp chí.
Câu trả lời là không.
Cho đến nay, bằng chứng khoa học tốt nhất cho thấy sử dụng điện thoại di động không làm tăng nguy cơ ung thư.
Cũng không có bất kỳ giải thích hợp lý nào về giả thiết điện thoại di động có thể gây ung thư. Điện thoại di động hay trạm truyền sóng điện thoại sử dụng bức xạ điện từ tần số vô tuyến, đó là bức xạ không ion hóa và có năng lượng rất yếu nên không đủ năng lượng để làm tổn hại DNA và không thể trực tiếp gây ung thư.
Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn tiếp tục để chắc chắn rằng sử dụng điện thoại di động lâu dài không có bất kỳ tác hại tiềm ẩn nào. Vì thế, chúng tôi tiếp tục theo dõi bất kỳ bằng chứng mới nào.
Mạng di động 4G, 5G có thể gây ung thư không?
Mạng 4G, 5G dựa trên sóng vô tuyến và làm việc tương tự như mạng di động trước đó. Khác biệt ở chỗ mạng 4G, 5G sử dụng bước sóng có tần số cao hơn nhưng chúng vẫn không đủ năng lượng để làm tổn hại DNA gây ung thư.
Vì công nghệ 4G, 5G vẫn còn khá mới nên các nghiên cứu về lĩnh vực này vẫn đang tiếp diễn.
Có nhiều nghi ngờ ung thư chưa được chứng minh. Tuy nhiên, có những nguyên nhân gây ung thư đã được chứng minh và những điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ.

Tổ chức nghiên cứu ung thư Anh quốc đánh giá bằng chứng như thế nào?
Chúng tôi thường xem xét và đánh giá những nghiên cứu mới được công bố về nguyên nhân gây ung thư để định hình các bài viết về sức khỏe của trang. Và có những điều quan trọng chúng tôi tìm kiếm để đánh giá bất kỳ nghiên cứu mới nào.
Đó là loại nghiên cứu nào?
Đó có phải là nghiên cứu về các mô tế bào, động vật hoặc con người không? Các nghiên cứu trên động vật và tế bào có thể giúp các nhà khoa học hiểu khái quát về bệnh ung thư nhưng chúng không thể mô phỏng cách thức chúng hoạt động trên cơ thể người.
Vì thế, chúng tôi tập trung nhiều vào nghiên cứu ở người, nó cho ta kết quả chính xác hơn về nguyên nhân gây ra ung thư ở người. Ngoài ra, những nghiên cứu tốt nhất cũng có thể chỉ ra những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư như họ có hút thuốc lá hay uống rượu không.
Bao nhiêu người tham gia nghiên cứu và họ được theo dõi trong bao lâu? Những nghiên cứu trên số ít người không đáng tin cậy vì kết quả có nhiều khả năng là sự trùng hợp. Và các nghiên cứu chỉ theo dõi trong một khoảng thời gian ngắn cũng có thể bỏ lỡ bất kỳ các tác động tiềm ẩn nào. Do đó, chúng tôi chủ yếu xem xét các nghiên cứu theo dõi hàng trăm hoặc thường là hàng ngàn người trong một thời gian dài vì chúng cho kết quả đáng tin cậy.
Ai thực hiện nghiên cứu và nó được công bố ở đâu?
Điều quan trọng là nghiên cứu đó phải được công bố trên tạp chí khoa học và được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu đang làm việc cho một trường đại học hoặc viện nghiên cứu nổi tiếng. Nguyên nhân là trước khi nghiên cứu được công bố trên một tạp chí, bài viết sẽ được xem xét bởi nhóm các chuyên gia không tham gia nghiên cứu để đánh giá tính chính xác của nó.
Làm thế nào để nghiên cứu phù hợp với những bằng chứng trước?
Một số nghiên cứu cho kết quả mâu thuẫn với những nghiên cứu đi trước nhưng chúng tôi đánh giá bất kỳ nghiên cứu mới nào trong bối cảnh của tất cả nghiên cứu có sẵn và sẽ chú ý hơn đến các nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt nhất.
Làm thế nào để phát hiện một tin giả về ung thư?
Đôi khi các kênh tin tức có thể thổi phồng quá mức những câu chuyện về ung thư, cho dù đó là một phương pháp điều trị mới hay tin tức về những gì có thể làm giảm hay làm tăng nguy cơ bệnh. Bạn có thể sử dụng những câu hỏi tương tự mà chúng tôi thảo luận phía trên để đánh giá tính xác thực của một nghiên cứu và một mẩu tin tức.
Mời bạn xem thêm:
Cập nhật ngày: 28/09/2020
Tham khảo nguồn: Do mobile phones cause cancer?
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm