Dịch thuật: Đức Hạnh, Hoàng Khang, Lê Khương
(SCI Blog) – Những cơn đau cấp tính và mạn tính do ung thư, thường có nhiều nguyên nhân khác nhau và được chia thành nhiều loại như: đau dây thần kinh, đau xương, đau mô mềm, đau ảo giác và đau quy chiếu.

Cơn đau khi mắc ung thư có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào loại ung thư, vị trí đau, giai đoạn ung thư và mức độ tổn thương dây thần kinh. Khi bị đau, bạn không nên cố gắng chịu đựng cơn đau mà hãy đón nhận sự hỗ trợ từ đội ngũ y tế,bác sĩ, điều dưỡng để giảm nhẹ cơn đau
Đau do ung thư có nhiều nguyên nhân khác nhau và được chia thành nhiều loại. Bạn có thể kiểm soát cơn đau và nhận được sự hỗ trợ nhằm giúp bạn kiểm soát những cơn đau có thể xảy ra.
Nguyên nhân đau khi mắc ung thư
Hầu hết các cơn đau khi mắc ung thư xuất phát từ các khối u chèn ép lên xương, dây thần kinh hoặc các bộ phận khác trong cơ thể.
Đôi khi cơn đau bắt nguồn từ quá trình điều trị ung thư. Chẳng hạn, một số loại thuốc hóa trị có thể gây tê và ngứa ở tay và chân hoặc gây cảm giác nóng rát ở ngay vị trí tiêm thuốc. Xạ trị cũng có thể gây kích ứng và đỏ da.

Đau cấp tính và mạn tính
Đau khi mắc ung thư có thể là đau cấp tính hoặc mạn tính
Đau cấp tính
Đau cấp tính là cơn đau ngắn hạn gây ra bởi vết thương. Ví dụ, vết thương do phẫu thuật có thể dẫn đến đau cấp tính và cơn đau sẽ hết khi vết thương lành. Thuốc giảm đau thường được dùng để kiểm soát cơn đau cấp tính.
Đau mạn tính
Đau mạn tính xuất phát từ 3 nguyên nhân chính sau: (1) do những thay đổi ở dây thần kinh do tế bào ung thư chèn ép lên dây thần kinh, (2) do các hóa chất sinh ra từ khối u, (3) do quá trình điều trị ung thư.
Những cơn đau kéo dài dai dẳng kể cả sau khi vết thương lành và kết thúc điều trị và có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng. Đôi khi cơn đau đến một cách nhanh chóng, ví dụ như khi bạn thay băng hoặc di chuyển thường gọi là đau do cử động.
Đau mạn tính còn được gọi là cơn đau dai dẳng.
Mời bạn xem thêm:
Phân loại đau khi mắc ung thư
Y bác sĩ rất cần xác định nguyên nhân và phân loại cơn đau để xây dựng kế hoạch điều trị đúng đắn vì các loại đau khác nhau cần phương pháp điều trị khác nhau.
Đau dây thần kinh
Đau dây thần kinh gây ra bởi áp lực chèn ép lên dây thần kinh. tủy sống hoặc do tổn thương dây thần kinh.
Khi bị đau dây thần kinh, mọi người thường cảm thấy nóng rát, nhức, ngứa hoặc có cảm giác có gì đó đang bò dưới da. Bệnh nhân khá khó để diễn tả chính xác cảm giác khi bị đau dây thần kinh và loại đau này đôi khi khó điều trị hơn những loại đau khác.
Một số người bị đau dây thần kinh sau khi phẫu thuật. Nguyên nhân là do dây thần kinh bị cắt trong quá trình phẫu thuật và cần thời gian để lành lại. Thường thì loại đau này cũng hết khi dây thần kinh lành lại.
Đau dây thần kinh cũng có thể xảy ra sau khi điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị hoặc hóa trị.
Đau xương

Ung thư có thể lan vào xương và gây đau khi phá hủy các mô xương. Ung thư có thể ảnh hưởng đến một khu vực cụ thể hoặc nhiều khu vực khác nhau của xương.
Đau mô mềm
Đau mô mềm là đau từ một bộ phận trong cơ thể hoặc cơ bắp. Ví dụ, bạn có thể bị đau lưng do tổn thương thận.
Khó có thể xác định loại đau này nhưng nó thường được mô tả là đau nhói, quặn thắt. Đau mô mềm còn được gọi là đau nội tạng.
Đau ảo giác
Đau ảo giác có nghĩa là có cảm giác đau ở một bộ phận cơ thể đã bị cắt bỏ. Ví dụ như cảm giác đau ở vùng vú sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú.
Cảm giác đau rất thật và đôi khi mọi người chia sẻ rằng nó đau không chịu nổi.
Các bác sĩ vẫn đang cố gắng lý giải hiện tượng này. Một giả thuyết cho rằng mặc dù phần ý thức của não biết rằng bộ phận đó đã bị cắt bỏ, nhưng phần cảm giác của não vẫn chưa hiểu điều này. Những nguyên nhân khác có thể là chưa kiểm soát tốt cơn đau tại thời điểm phẫu thuật.
- Hơn 5 trong số 10 người (hơn 50%) gặp hiện tượng đau ảo giác sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ chân hoặc tay.
- Khoảng ⅓ số phụ nữ (1 trong số 3 phụ nữ) phẫu thuật cắt bỏ ngực trải qua hiện tượng này.
Cơn đau thường giảm dần sau năm đầu tiên. Nhưng một số người vẫn cảm thấy đau ảo giác hơn 1 năm sau đó. Đối với hầu hết mọi người, hiện tượng này sẽ mất đi sau một vài tháng.
Các bác sĩ/điều dưỡng cần biết về cơn đau ảo giác của bạn vì họ có thể kiểm soát bằng thuốc giảm đau
Đau quy chiếu
Đau quy chiếu hay xuất chiếu là cảm giác đau ở vị trí khác với vị trí tổn thương.
Ví dụ như gan bị sưng có thể gây cảm giác đau ở vai phải, mặc dù gan nằm dưới xương sườn bên phải. Hiện tượng này xảy ra do gan chèn ép các dây thần kinh kết nối với vai.
Mức độ đau
Mức độ đau khi mắc ung thư phụ thuộc vào:
- Loại ung thư
- Vị trí đau
- Giai đoạn ung thư
- Mức độ tổn thương dây thần kinh do ung thư hoặc quá trình điều trị ung thư
Các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến cảm giác đau của bạn, chẳng hạn như sợ hãi, lo lắng, trầm cảm và thiếu ngủ.

Kiểm soát cơn đau mạn tính
Đau mạn tính hay còn gọi là đau dai dẳng, có thể khó điều trị nhưng thông thường có thể kiểm soát bằng thuốc giảm đau hoặc các phương pháp kiểm soát cơn đau.
Cơn đau không được kiểm soát tốt có thể phát triển thành đau mạn tính. Vì vậy, cần phải uống thuốc giảm đau theo toa của bác sĩ. Cố gắng chịu đựng cơn đau có thể khiến nó khó kiểm soát hơn trong tương lai.
Những người bị đau mạn tính do ung thư có thể gặp phải trường hợp thuốc giảm đau không phát huy được tác dụng. Đó là khi cơn đau tăng mức độ và trở nên dữ dội hơn.
Hãy nói cho bác sĩ hoặc điều dưỡng của bạn biết nếu bạn sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên mà vẫn bị đau. Họ có thể kê thêm thuốc giảm đau để bạn uống khi cần.
Tiếp nhận hỗ trợ khi bị đau do ung thư
Cơn đau khi mắc ung thư có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bạn. Đau mạn tính có thể khiến bạn gặp khó khăn trong những công việc hàng ngày như tắm rửa, mua sắm, nấu ăn, ngủ nghỉ và ăn uống.
Bạn bè và người thân có thể không hiểu được những khó khăn mà bạn đang trải qua nên bạn có thể cần sự hỗ trợ từ những người khác (bác sĩ, điều dưỡng) để đối phó với những ảnh hưởng của cơn đau đối với cuộc sống của bạn và người khác.
Mời bạn xem thêm:
Cập nhật 11/03/2019
Nguồn tham khảo : Causes and types of cancer pain
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm
Các nguồn tham khảo khác
- https://www.christopherreeve.org/vi/international/top-paralysis-topics-in-vietnamese/pain
- https://hellobacsi.com/benh/dau-man-tinh__trashed/
- https://academic.oup.com/painmedicine/article/8/suppl_1/S3/1874036
- https://www.gmjournal.co.uk/media/21752/march200p121.pdf
- http://www.benhvien103.vn/vietnamese/bai-giang-chuyen-nganh/dot-quy/tong-quan-chan-doan-va-dieu-tri-dau/1481