Dịch thuật: Quỳnh Như, Đức Hạnh
(SCI Blog) – Có nhiều nguyên nhân gây khó thở, không chỉ ung thư. Cảm giác bất an, lo âu cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng khó thở. Một số triệu chứng khó thở được đề cập đến bao gồm tăng nhịp tim, khò khè, đau ngực… Khi khó thở và cảm thấy hoảng loạn, bạn có thể sử dụng một số kỹ thuật thở và thư giãn để kiểm soát hơi thở tốt hơn.
Các triệu chứng khó thở có thể gồm:
- Khó khăn khi hít vào hoặc thở ra (thở hụt hơi)
- Thở nghe tiếng
- Thở nhanh, nông
- Tăng nhịp tim
- Khò khè
- Đau ngực
- Làn da tái nhợt, xanh xao, đặc biệt là vùng da quanh miệng
- Da lạnh, ẩm
- Cần dùng vai và cơ ngực trên để thở
- Cảm giác bất an hoặc hoảng loạn
Ban đầu, bạn có thể cảm thấy khó thở khi di chuyển hoặc leo cầu thang. Rồi cũng đến lúc bạn có thể thấy khó thở ngay cả khi đang ngồi xuống và nghỉ ngơi.
Các nguyên nhân có khả năng

Không chỉ ung thư, một số bệnh khác cũng có thể gây khó thở như:
- Nhiễm trùng các cơ quan trong lồng ngực
- Nồng độ huyết sắc tố thấp (thiếu máu)
- Vấn đề về tim
- Bệnh phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
- Hen
Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn cảm thấy lo lắng về các triệu chứng hoặc tình hình dần trở nên tồi tệ hơn.
Cảm giác bất an
Vấn đề về hô hấp thường mang đến sự khó chịu. Bạn có thể cảm thấy rất hoảng loạn nhưng hãy để ý xem sự kiện nào xảy đến trước.
Đôi khi, bệnh nhân lo âu quá độ sẽ thở gấp, dẫn đến khó thở. Nhưng trong trường hợp này, chính sự lo âu khiến bệnh nhân khó thở.
Nếu bạn khó thở và bạn cảm thấy hoảng loạn, một số kỹ thuật thở và thư giãn có thể giúp bạn kiểm soát được hơi thở tốt hơn.
Cập nhật ngày: 28/07/2020
Tham khảo nguồn: Signs and symptoms of breathlessness
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm