Dịch thuật: Đức Hạnh, Hoàng Khang, Lê Khương
Đau thường là một triệu chứng bất thường của cơ thể, có thể do tổn thương bên trong hoặc bên ngoài. Khi có bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể bị tổn thương, hệ thần kinh sẽ gửi tín hiệu đến não và não nhận được những tín hiệu này và báo hiệu cảm giác đau. Đau do ung thư cũng diễn ra theo quy trình tương tự.

Hiểu về cơn đau
Đôi lúc bạn sẽ nghĩ rằng cơn đau tiến triển đồng nghĩa với khối u đang trở nên tồi tệ hơn. Nhưng mức độ đau không nhất thiết liên quan đến sự phát triển của ung thư. Một khối u nhỏ chèn ép lên dây thần kinh hoặc tủy sống có thể khiến bạn cảm thấy rất đau, trong khi một khối u lớn ở vị trí khác lại không gây đau.
Đau sau điều trị thành công không có nghĩa là ung thư tái phát. Một số bệnh nhân vẫn thường gặp phải sau khi trải qua phẫu thuật hoặc xạ trị hoặc cũng có thể là tác dụng phụ của hóa trị.
Sau khi điều trị, bạn có thể mới bắt đầu đau và khi đó cơn đau tiến triển sau nhiều tháng hoặc nhiều năm. Bởi vì, khi đó hệ thần kinh phải khắc phục những tổn thương dây thần kinh và dây thần kinh mới gửi những tín hiệu đau đến não.
Thuốc giảm đau thông dụng thường không có tác dụng đối với loại đau này. Bác sĩ sẽ điều trị cơn đau theo cách khác, bao gồm cả việc sử dụng các loại thuốc khác nhau.

Không phải tất cả bệnh ung thư đều gây đau
Nhiều bệnh nhân ung thư không bị đau. Cơn đau chỉ xuất hiện khi có một khối u chèn ép lên dây thần kinh trong khi chính ung thư lại không có dây thần kinh nào nên nếu khối u không nằm ở vị trí không chèn ép dây thần kinh thì cơn đau sẽ không xuất hiện.
Từ 3 đến 6 người trong số 10 người bị ung thư (30 – 60%) có dấu hiệu bị đau. Đối với ung thư giai đoạn di căn, cơn đau thường sẽ xuất hiện. Ung thư giai đoạn di căn là khi nó đã lan rộng hoặc xuất hiện trở lại sau lần điều trị đầu. Một số nghiên cứu cho thấy có 9 trên 10 người bị ung thư giai đoạn di căn (90%) bị đau.

Nhận diện nguyên nhân gây đau là cách tốt nhất để kiểm soát nó. Do đó, bạn cần trao đổi ngay với bác sĩ nếu cảm thấy đau.
Ảnh hưởng của cơn đau
Cơn đau có thể ảnh hưởng về mặt thể chất và tinh thần. Mỗi người sẽ có cảm giác khác nhau. Cảm giác và lo lắng về cơn đau của người này sẽ không giống với người khác.
Mỗi người cần phải có một phương pháp điều trị riêng vì thuốc có tác dụng với người này có thể không có tác dụng với người khác.
Hãy cố gắng mô tả chi tiết về cơn đau: thời điểm xuất hiện, cảm giác của bạn. Nhờ vậy, bác sĩ chuyên về ung thư có thể giúp bạn tìm nguyên nhân và cách điều trị hữu hiệu.
Những điều cần mô tả:
- Vị trí cơn đau: tại một điểm hay một khu vực
- Cường độ cơn đau: đau nhói hay đau rát,…
- Cách giảm nhẹ cơn đau: hơi nóng, chườm lạnh, massage, thay đổi tư thế…
- Tần suất đau: thỉnh thoảng hay thường xuyên
- Thời điểm xuất hiện cơn đau: đột ngột hay từ từ
Tiếp nhận sự trợ giúp khi bị đau do ung thư

Chia sẻ với bác sĩ khi cơn đau xuất hiện là cách tốt nhất để kiểm soát nó.
Ở bất kỳ giai đoạn ung thư nào, bạn cũng đều phải đối mặt với nhiều thử thách. Cơn đau có thể khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn với bạn, cả về mặt thể chất và tinh thần.
Nhiều bệnh nhân ung thư sợ rằng mình sẽ nghiện thuốc giảm đau nên thường không yêu cầu trợ giúp. Nhưng trường hợp nghiện thuốc giảm đau lại rất hiếm đối với bệnh nhân ung thư. Nên nhớ rằng kiểm soát cơn đau quan trọng hơn cả.Một số thuốc giảm đau có thể có tác dụng phụ. Hãy nói với bác sĩ nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào để họ có thể kịp thời giúp bạn.
Cập nhật 01/06/2019
Tham khảo: About cancer pain
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm