Dịch thuật: Gia Phụng, Hoàng Khang, Tường Khánh
(SCI Blog) – Khi mắc ung thư, chăm sóc răng miệng là vấn đề vô cùng quan trọng. Bạn nên thực hiện một số lời khuyên hữu ích sau đây để chăm sóc răng miệng đúng cách.
Hãy luôn giữ khoang miệng sạch và ẩm:
- Trong suốt quá trình điều trị ung thư
- Nếu gặp vấn đề trong ăn uống
- Nếu có nguy cơ bị nhiễm trùng
I. Chăm sóc răng miệng hằng ngày:
- Nếu bị loét miệng, bạn hãy đến khám ngay bác sĩ hoặc y tá chuyên khoa để kịp thời điều trị.
- Làm sạch nhẹ nhàng lợi răng và vòm miệng mỗi sáng, tối hoặc sau mỗi bữa ăn.
- Dùng bàn chải mềm hoặc loại dành cho trẻ em.
- Dùng nước súc miệng không chứa cồn thay cho kem đánh răng nếu kem đánh răng gây khó chịu cho miệng hoặc buồn nôn khi đánh răng.
- Nếu bác sĩ đồng ý, bạn có thể dùng chỉ nha khoa mỗi ngày. Nhưng hãy cẩn thận vì chúng dễ gây tổn thương nướu.
- Nếu bị loét miệng, bác sĩ và y tá chuyên khoa sẽ chỉ định dùng nước súc miệng chứa thuốc gây tê cục bộ.
- Làm sạch răng giả mỗi sáng, tối và sau mỗi bữa ăn.
- Dùng son dưỡng ẩm để giữ ẩm môi.
- Nếu bạn cảm thấy ăn không ngon miệng, hãy làm ẩm miệng ít nhất hai tiếng một lần bằng nước súc miệng hoặc nước bọt.
Hãy nhớ báo với bác sĩ hoặc y tá chuyên khoa khi bạn gặp bất kỳ vấn đề về răng miệng.
II. Nhận sự tư vấn chăm sóc điều trị từ bác sĩ, hoặc nha sĩ:
Khi thực hiện xạ trị đến khu vực miệng, bác sĩ sẽ khuyên bạn đến nha khoa để kiểm tra ít nhất hai tuần trước khi bắt đầu điều trị.

Nha sĩ sẽ kiểm tra kỹ các vấn đề sâu răng và nướu, sau đó điều trị khỏi hẳn trước khi bạn bắt đầu xạ trị.
Trong khi thực hiện điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu dùng nước súc miệng không chứa cồn cách bốn tiếng một lần để ngừa nhiễm trùng.
Bạn có thể dùng thuốc chống nấm dạng viên, dạng nhỏ giọt hoặc dạng nước súc miệng và hãy nhớ sử dụng theo chỉ định.
Nếu miệng bị loét nặng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng nước súc miệng có chứa thuốc gây tê cục bộ nhiều lần trong ngày. Khi cần bất kỳ sự tư vấn nào, bạn hãy hỏi ngay bác sĩ.
Hoặc có thể dùng thuốc giảm đau hoặc dung dịch thuốc morphine. Hãy nhớ báo với bác sĩ điều trị nếu miệng của bạn quá đau nhé.
III. Sử dụng chỉ nha khoa:
Nha sĩ thường khuyên bạn dùng chỉ nha khoa để giữ miệng sạch sẽ, nhưng nó có thể làm đau nướu.
Hãy lưu ý vì tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông cầm máu. Thông thường, bệnh nhân thực hiện hóa trị sẽ có mức tiểu cầu thấp, điển hình là bệnh nhân ung thư bạch cầu và ung thư hạch phải tiếp nhận hóa trị liều cao. Do đó, đối với bệnh nhân có mức tiểu cầu thấp, bác sĩ sẽ không chỉ định dùng chỉ nha khoa vì dễ gây đau và chảy máu. Hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Tuy nhiên, có những loại dụng cụ thay thế khác như tăm xỉa, hoặc dụng cụ vệ sinh làm sạch răng miệng. Bạn nên lưu ý cẩn thận khi sử dụng. Khi đưa bất kỳ dụng cụ nào vào giữa răng cũng có thể gây chảy máu nướu răng, từ đó dễ dẫn đến nhiễm trùng.
IV. Những lời khuyên giúp bạn chăm sóc tốt răng miệng:
1. Khô miệng:
Một số thuốc ung thư, giảm đau và liệu pháp xạ trị có thể làm khô miệng. Sau khi thực hiện xạ trị đến vùng đầu cổ, bạn có thể bị khô miệng kéo dài.
Nếu không thể ăn uống bình thường vì cơ thể không khỏe, khô miệng cũng có thể xảy ra.
Một số lời khuyên giúp bạn giảm tình trạng khô miệng:
- Chọn các món ăn có nhiều nước.
- Dùng nhiều loại nước sốt để nuốt thức ăn dễ dàng hơn.
- Thường xuyên uống nước trong khi ăn để nhai và nuốt thức ăn thuận lợi hơn.
- Cố gắng uống ít nhất một lít rưỡi nước mỗi ngày.
- Chọn các loại thức uống tốt cho sức khỏe như: sữa, nước lọc, nước ép trái cây và rau quả.
- Ngậm các kẹo đá viên để làm sạch răng miệng.
- Nhai kẹo cao su không đường.
- Quả thơm tươi có thể giúp giữ ẩm và làm sạch miệng. Nếu loét miệng, hãy tránh các loại trái cây có hàm lượng axit cao như cam hay bưởi.
- Pha loãng nước ép cam quýt với nước lọc sẽ giúp giảm lượng axit.
- Nếu tiết ít nước bọt, hãy hỏi bác sĩ thuốc kích thích tuyến nước bọt hoạt động mạnh hơn.
- Nếu không thể tiết nước bọt, hãy hỏi bác sĩ các sản phẩm tạo nước bọt nhân tạo. Nước bọt nhân tạo có thể giúp ăn uống thuận lợi, ngừa sâu răng và đau miệng.
- Nếu không rõ nguyên nhân gây khô miệng, hãy báo ngay với bác sĩ hoặc y tá các loại thuốc đang dùng.
2. Thay đổi khẩu vị:
Một số thuốc hóa trị sẽ làm thay đổi khẩu vị của bạn.
Xạ trị trên vùng miệng có thể làm thay đổi vị giác kéo dài, nhưng cũng có thể cải thiện dần dần theo thời gian.

Bất kỳ điều trị nào ảnh hưởng đến khứu giác đều sẽ ảnh hưởng đến vị giác. Bởi vì hương thơm góp phần tạo nên vị ngon của món ăn.
Một số lời khuyên giúp bạn cải thiện vị giác:
- Tránh thức ăn có mùi vị khác lạ nhưng hãy thử ăn lại sau vài tuần vì vị giác của bạn có thể đã trở lại bình thường.
- Nếu thức ăn có vị khá nhạt, hãy lựa chọn loại thức ăn hương vị đậm như thảo mộc, gia vị hoặc nước sốt.
- Hãy thử cho thêm tỏi, nước chanh, thảo mộc, và gia vị vào thức ăn để tạo thêm hương vị.
- Ướp thức ăn qua đêm hoặc chỉ 10 phút trước khi nấu cũng làm tăng hương vị thức ăn.
- Bạn nên tạm ngừng ăn hay uống những món yêu thích trong suốt quá trình hóa trị để tránh nguy cơ chán ghét những món này. Lời khuyên này đặc biệt hữu ích đối với trẻ em.
- Có thể dùng bột ướp thức ăn gồm thảo mộc và gia vị, sau đó dùng tay sạch tẩm ướp hỗn hợp vào thịt sống hoặc cá.
- Nếu loét miệng, hãy cẩn thận với thức ăn cay.
- Bạn có thể thích những món ăn yêu thích của mình được chế biến đậm đà hơn.
- Nếu muốn tăng thêm hương vị món ăn, hãy làm hỗn hợp nước sốt gồm: vài muỗng canh dầu oliu, thêm ít thảo mộc hoặc gia vị và một ít rượu vang hoặc nước chanh.
- Có thể tăng thêm hương vị món ăn bằng nước sốt gravy hoặc nước sốt đóng chai.
3. Hơi thở có mùi:
Có nhiều yếu tố gây nặng mùi hơi thở. Nếu bị khô miệng, vấn đề sẽ trở nên tệ hơn. Tuy nhiên, chăm sóc răng miệng đều đặn có thể cải thiện hơi thở tốt hơn.

Những lời khuyên khi điều trị nặng mùi hơi thở:
- Thường xuyên đánh răng
- Nếu bác sĩ đồng ý, bạn nên dùng chỉ nha khoa.
- Dùng nước súc miệng sau khi đánh răng hoặc sau mỗi bữa ăn.
- Nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm kẹo bạc hà không đường.
- Uống nhiều nước để làm ẩm khoang miệng. Tráng miệng với nước vài giây để loại bỏ thức ăn còn sót trong miệng hoặc kẻ răng.
- Thường xuyên đi khám nha sĩ.
4. Ngừa loét miệng và nhiễm trùng:
Miệng bị loét hoặc khô sẽ dễ nhiễm trùng. Do đó, ngừa loét miệng và nhiễm trùng là vấn đề khá quan trọng.
Sau đây là những lời khuyên Ngừa loét miệng và nhiễm trùng:
- Kiểm tra miệng mỗi ngày xem có vết lở hoặc các thay đổi khác.
- Nếu gặp vấn đề về răng miệng, hãy báo ngay với bác sĩ hoặc y tá.
- Hãy vệ sinh răng miệng thường xuyên và điều đặn, và làm sạch răng vào mỗi sáng, tối và sau mỗi bữa ăn.
- Dùng nước súc miệng diệt nấm hoặc những loại nước súc miệng khác theo chỉ định bác sĩ dù cho bạn không thích chúng, hoặc bác sĩ có thể đề nghị bạn thường xuyên súc miệng với nước hoặc nước muối.
- Bạn hãy pha một muỗng muối với nước ấm hoặc lạnh. Và bạn nên súc miệng với nước muối mỗi ngày, điều đó giúp ngăn chặn vi khuẩn trong răng miệng phát triển.
- Tránh các loại thức ăn giòn cứng vì có thể làm xước hoặc cắt trúng miệng như khoai tây chiên giòn hay bánh mì.
- Tránh hút thuốc, dùng rượu bia và tăm xỉa răng vì có thể gây kích ứng niêm mạc miệng và làm tình trạng tệ hơn.
- Một số nước súc miệng thảo mộc như cây xô thơm, cỏ xạ hương và hoa cúc Đức có thể giúp trị loét miệng và ngừa nhiễm trùng.
- Dùng gừng cũng có thể giúp giảm bớt viêm.
- Ngậm nước đá vụn trong suốt quá trình hóa trị có thể làm giảm lưu lượng máu đến miệng, từ đó làm giảm nguy cơ loét miệng. Nhưng bạn phải tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi áp dụng phương pháp này.
5. Điều trị loét miệng và nhiễm trùng:
Nếu bạn bị loét miệng hoặc nhiễm trùng, y tá sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc răng miệng.
Bạn có thể dùng thuốc uống hoặc nước súc miệng giúp bảo vệ niêm mạc miệng, giảm đau, và giữ răng miệng sạch sẽ. Ngoài ra, bạn có thể được chỉ định dùng nước súc miệng diệt nấm giúp ngừa nhiễm trùng.
Lưu ý: uống thuốc và dùng nước súc miệng đúng theo chỉ định bác sĩ và y tá.
Một số lời khuyên thêm dành cho bạn Điều trị loét miệng và nhiễm trùng:
- Đánh răng thường xuyên với bàn chải mềm và dùng nước súc miệng không chứa cồn.
- Khuyến khích dùng bàn chải trẻ em.
- Nếu miệng bị loét nặng và đánh răng quá đau thì có thể làm sạch răng với que tạo bọt hoặc miếng gạc thấm nước súc miệng. Hãy hỏi rõ ý tá trước khi sử dụng.
- Nếu vết loét hơi cứng, hãy dùng nước súc miệng nhiều lần trong ngày để làm mềm vết loét.
- Có thể dùng gel súc miệng để làm sạch sâu bên trong và giảm đau ở vết thương bị loét.- Chọn những món ăn nhạt vị, mềm như khoai tây nghiền, cơm hoặc trứng cuộn.
- Tránh thức ăn cay, mặn và khô giòn cũng như trái cây và nước ép của những loại trái cây có múi như cam, quýt.- Uống nhiều nước rất quan trọng.
- Uống thuốc giảm đau có thể giúp ăn uống dễ dàng hơn.
Cập nhật ngày 10/05/2020
Tham khảo nguồn: Mouth care
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm