Dịch thuật: Quách Phương Đông, Trần Thị Lý
Táo bón mãn tính
Táo bón mãn tính còn được gọi là chứng “kẹt phân”. Nó xảy ra nếu bạn thường xuyên bị táo bón trong thời gian dài.
I. Khái niệm phân bị ứ đọng
Phân bị ứ đọng hoặc “kẹt” có nghĩa là có một số lượng lớn phân khô, cứng trong trực tràng (lối ra của ống tiêu hoá). Các bác sĩ gọi đây là táo bón mãn tính.
II. Giả tiêu chảy
Phân bị bón trong ruột sẽ trở nên rất cứng để ruột có thể đẩy ra. Vì vậy, ruột của bạn bắt đầu rò rỉ nước xung quanh khối phân bị bón. Nước chảy qua khối phân bị tắc nghẽn và ra khỏi trực tràng. Lượng nước rò rỉ này có thể làm bẩn đồ lót của bạn và trông giống như tiêu chảy.
Các bác sĩ gọi đây là giả tiêu chảy. Trong tình huống này, bạn không nên dùng thuốc chống tiêu chảy. Vì vậy, nếu bạn bị táo bón nặng và sau đó bị tiêu chảy, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc y tá trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào.
III. Nguyên nhân gây ra tình trạng phân bị ứ đọng
Các nguyên nhân chính gây tắc nghẽn ruột tương tự như táo bón. Chúng bao gồm:
- Tác dụng phụ của thuốc giảm đau
- Thiếu tập thể dục trong một thời gian dài
- Chế độ ăn ít chất xơ
- Sử dụng thuốc nhuận tràng trong thời gian dài
- Trầm cảm và lo âu
Mời bạn xem thêm:
IV. Triệu chứng của phân bị ứ đọng
Các triệu chứng của ứ đọng phân tương tự như các triệu chứng táo bón. Nhưng một số triệu chứng nghiêm trọng khác có thể xảy ra như:
- Đau lưng do khối phân ấn vào các dây thần kinh ở lưng dưới (đám rối cùng cụt)
- Bụng sưng to
- Tăng hoặc hạ huyết áp
- Nhịp tim nhanh
- Chóng mặt
- Đổ mồ hôi
- Nhiệt độ cao (sốt)
- Lú lẫn
- Tiêu chảy nghiêm trọng hoặc tiêu chảy không kiểm soát được
- Buồn nôn và nôn
- Đau bụng nặng
- Mất nước
V. Xử trí phân bị ứ đọng
Các bác sĩ thường điều trị ứ đọng phân bằng cách làm ẩm và làm mềm phân bằng thuốc xổ hoặc thuốc đặt tại chỗ. Hãy nhớ sử dụng thuốc xổ cẩn thận và chỉ theo chỉ định của bác sĩ hoặc y tá. Sử dụng quá nhiều thuốc xổ có thể làm tổn thương ruột.
Nếu thuốc xổ không có tác dụng lên khối phân, y tá hoặc bác sĩ có kinh nghiệm có thể cần phải sử dụng biện pháp vật lý để thông ruột của bạn. Điều này có thể làm bạn cảm thấy khó chịu và ngại ngùng, tuy nhiên, nó rất quan trọng để làm sạch ruột.
Hãy cho bác sĩ hoặc y tá của bạn biết nếu có bất kỳ thay đổi trong thói quen đại tiện. Nếu bạn nghĩ rằng bạn bị ứ đọng phân, hãy thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ thuốc nhuận tràng nào. Thuốc nhuận tràng kích thích ruột có thể gây ra các cơn chuột rút nghiêm trọng và có thể làm tổn thương ruột của bạn.
Tắc nghẽn ruột (tắc ruột)
Ung thư, đặc biệt khi khối u đã di căn đến các bộ phận khác có thể dẫn đến hiện tượng ruột bị tắc nghẽn. Tắc ruột có thể dẫn đến nôn mửa, táo bón, đầy hơi, buồn nôn và nôn…Vì vậy việc chẩn đoán tắc ruột và tìm vị trí tắc là điều vô cùng quan trọng. Hiện nay, có thể chẩn đoán tắc ruột thông qua các xét nghiệm máu và nước tiểu, hoặc chụp X-quang vùng bụng…Để điều trị tắc ruột có nhiều phương pháp bao gồm dùng ống nhỏ giọt và ống dẫn lưu, phẫu thuật, đặt stent, dùng thuốc. Hiệu quả của các phương pháp là khác nhau với từng đối tượng, hãy trao đổi với bác sĩ và y tá để có những lời khuyên về các phương pháp điều trị.
Tắc ruột nghĩa là có một khối chặn lại đường đi trong ruột. Đây là một biến chứng nghiêm trọng, phổ biến khi khối u di căn đến các bộ phận khác.
I. Tắc ruột
Ruột có thể bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa với việc chất thải từ thức ăn được tiêu hóa không thể đi qua được khối tắc nghẽn.
Tắc ruột có thể xuất hiện khi:
- Ung thư vùng bụng (như ung thư buồng trứng, ruột hoặc dạ dày) chèn lên ruột.
- Các bệnh ung thư khác (như ung thư phổi hoặc ung thư vú) lan đến bụng và chèn vào ruột.
- Khối u chèn ép vào các dây thần kinh của ruột và làm tổn thương chúng – điều này có thể làm các cơ ở ruột ngưng hoạt động.
- Một khối thức ăn không tiêu hoá được tích lại trong ruột, còn gọi là tắc ruột do bã thức ăn
Tắc ruột là phổ biến hơn khi ung thư tiến triển. Những người đã phẫu thuật hoặc xạ trị vào vùng bụng có nhiều nguy cơ bị tắc ruột hơn.
II. Triệu chứng tắc ruột
Các triệu chứng bao gồm:
- Cảm thấy đầy hơi và no
- Đau (thường đau từng cơn vùng bụng)
- Buồn nôn
- Nôn mửa (bao gồm thức ăn không được tiêu hóa hoặc dịch ruột)
- Táo bón (không đánh rắm và không có âm ruột)
III. Chẩn đoán tắc ruột
Bác sĩ sẽ khám bệnh và hỏi triệu chứng của bạn. Sau đó, họ có thể tiến hành xét nghiệm để kiếm tra. Chúng có thể bao gồm các xét nghiệm máu và nước tiểu.
Bạn cũng có thể chụp X-quang vùng bụng hoặc dùng thuốc xổ barium để tìm ra chính xác vị trí tắc nghẽn trong ruột.
IV. Điều trị tắc ruột
Điều quan trọng là phải hiểu mục tiêu của các phương pháp điều trị mà bác sĩ đề nghị. Vì vậy, hãy trao đổi với các bác sĩ hoặc với y tá của bạn.
V. Các phương pháp điều trị tắc ruột
1. Ống truyền dịch và ống dẫn lưu
Bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị để bạn có thời gian nghỉ ngơi. Bạn cần ngừng ăn và uống cho đến khi ruột hoạt động bình thường trở lại. Bạn có thể sử dụng ống truyền dịch để tránh không bị mất nước. Đây được gọi là liệu pháp truyền tĩnh mạch.
Đôi khi bạn có thể truyền dịch tại nhà. Phương pháp này thông qua một cây kim nhỏ đặt ngay dưới da, thay vì vào tĩnh mạch.
Điều này có thể cải thiện sự tắc nghẽn. Nhưng nếu phương pháp này không hiệu quả, bạn có thể cần các phương pháp điều trị khác.
Bạn có thể dùng một ống thông qua mũi và xuống dạ dày của bạn (được gọi là ống thông mũi dạ dày). Điều này giúp hút chất lỏng từ dạ dày và làm bạn bớt buồn nôn.
Hoặc bác sĩ có thể đề nghị bạn nên phẫu thuật mở thông dạ dày để giúp giảm buồn nôn và nôn. Đây là khi họ đặt một ống đặc biệt gọi là ống nội soi dạ dày qua da (ống PEG) vào dạ dày của bạn thông qua một lỗ mở ở bên ngoài bụng. Bạn thường được thực hiện phương pháp điều trị này dưới gây mê.
2. Phẫu thuật
Nếu khối u đã di căn và không thể chữa khỏi, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để giúp giảm bớt các triệu chứng lâu dài hơn. Bác sĩ phẫu thuật loại bỏ đủ các tế bào ung thư để bỏ chặn ruột. Họ cũng có thể loại bỏ một phần ruột.
Sau phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật của bạn có thể nối 2 đầu ruột lại với nhau. Nhưng đôi khi không thể thực hiện được điều này và bạn có thể cần phải mở ruột già hoặc mở ruột non ra da (stoma). Một lỗ mở là một đường thông từ ruột lên bụng.Phân của bạn ra khỏi cơ thể qua lỗ mở này vào một cái túi nhựa đính trên nó.
Thật khó để có thể đưa ra quyết định về liệu có nên điều trị bằng phẫu thuật hay không.
Phẫu thuật không chữa khỏi bệnh ung thư nhưng nó có thể làm giảm các triệu chứng. Thật không may, không ai có thể nói trước hiệu quả của các phương pháp điều trị tắc ruột.
Ca phẫu thuật có thể thành công và ung thư có thể không phát triển thêm và làm tắc ruột trở lại. Nhưng nó là một ca phẫu thuật khá lớn để có thể làm sức khỏe của bạn đi xuống.
Bạn có thể trao đổi về phẫu thuật này với gia đình và bạn bè thân thiết cũng như các bác sĩ và y tá của bạn.
3. Đặt stent
Stent là một ống mà bác sĩ phẫu thuật đặt vào ruột. Nó bung rộng ra để giữ cho ruột thông suốt. Điều này có thể làm giảm các triệu chứng gây ra bởi sự tắc nghẽn.
Bác sĩ phẫu thuật có thể đặt stent nếu bạn không thể thực hiện các phẫu thuật lớn.
4. Thuốc
Thay vì phẫu thuật, thuốc đôi khi có thể giúp kiểm soát các triệu chứng khi tắc ruột. Thật không may, phương pháp này chỉ kiểm soát các triệu chứng trong một khoảng thời gian.
Một loại thuốc gọi là hyoscine butylbromide (Buscopan) ngăn co thắt cơ và giảm đau. Bạn cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau và thuốc giảm buồn nôn.
Bạn cũng có thể sử dụng một loại thuốc gọi là octreotide. Octreotide làm giảm lượng chất lỏng tích tụ trong dạ dày và hệ tiêu hóa của bạn. Nó có thể giúp kiểm soát buồn nôn.
Hoặc bạn có thể dùng steroid. Steroid có thể giúp giảm phản ứng viêm ở ruột và giúp kiểm soát việc buồn nôn.
Xì hơi
Trung bình mỗi người xì hơi 15 – 25 lần mỗi ngày. Nhưng con số này có thể tăng lên khi bạn bị ốm, chế độ dinh dưỡng không phù hợp hoặc stress.
I. Xì hơi là gì?
Xì hơi (khí đường ruột) được gọi là rắm hoặc đầy hơi là điều bình thường đối với mọi người. Nó thường không phải là một vấn đề nghiêm trọng hoặc là một dấu hiệu cho thấy bệnh ung thư của bạn đang trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nó có thể làm bạn xấu hổ, lo lắng và cảm thấy không thoải mái.
II. Nguyên nhân
Đôi khi ung thư hoặc các liệu pháp điều trị ung thư có thể tạo nhiều khí trong hệ thống tiêu hóa, khiến bạn xì hơi thường xuyên hơn bình thường. Điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu:
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ
- Nuốt quá nhiều không khí
- Uống nước có gas
- Hút thuốc
- Không dung nạp lactose
- Không thể hấp thụ chất béo từ ruột
III. Mẹo hạn chế xì hơi
Thật khó để ngăn chặn xì hơi nhưng một số mẹo dưới đây có thể giúp bạn kiểm soát nó.
Hãy thử một số mẹo sau đây:
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm như bắp cải, ngô, cải brussel, hành tây, đậu và súp lơ vì chúng sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
- Ăn chậm và nhai thức ăn lâu hơn – để giảm lượng không khí bạn nuốt vào và giúp phá vỡ thức ăn.
- Sử dụng viên than hoạt tính hoặc bột – những thứ này cũng có thể hấp thụ mùi.
- Ăn gừng giúp tốt cho hệ tiêu hóa.
- Uống trà bạc hà
Chia nhỏ các bữa ăn hàng ngày, thay vì những bữa ăn lớn vì những bữa ăn nhỏ sẽ giúp dễ tiêu hóa và hạn chế xì hơi hơn.
Một số loại thuốc có thể giúp hạn chế xì hơi. Hãy trao đổi với bác sĩ, y tá hoặc dược sĩ của bạn để tìm ra phương pháp tốt nhất.
Một số thực phẩm chế biến sẵn có chứa các thành phần có thể gây xì hơi như: chất ngọt hoặc chất bảo quản.
Bạn có thể hạn chế xì hơi bằng cách cắt giảm hay chia nhỏ:
- Bất kỳ thực phẩm có chứa chất làm ngọt nhân tạo
- Kẹo không đường và kẹo cao su
- Đồ uống có ga
IV. Làm gì nếu bạn vẫn tiếp tục xì hơi?
Hãy trao đổi với y tá chuyên khoa hoặc bác sĩ của bạn nếu vẫn tiếp tục xì hơi. Họ có thể kê đơn thuốc để hỗ trợ bạn hoặc cũng có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia dinh dưỡng, người sẽ có thể đề xuất những thay đổi khác mà bạn có thể thực hiện cho chế độ dinh dưỡng của mình.
Chăm sóc lỗ mở ra da (hậu môn nhân tạo)
Tìm hiểu thêm thông tin về chăm sóc lỗ mở ra da, và các thông tin bạn cần biết.
Mở đại tràng ra da là gì?
Mở đại tràng ra da là thông phần ruột già ra bề mặt da bụng. Bạn sẽ đeo một cái túi ở chỗ lỗ mở đó để đựng phần chất thải từ đường tiêu hoá (phân).
Một số bệnh nhân ung thư đại tràng cần phải mở đại tràng ra da. Hầu hết chỉ là tạm thời và có thể khâu kín lại sau đó khi ruột liền hẳn.
Phụ nữ mắc ung thư âm đạo, hoặc ung thư cổ tử cung di căn ra ngoài tử cung có thể phải trải qua phẫu thuật cắt bỏ vùng chậu hoàn toàn. Phẫu thuật này sẽ để lại một đường mở đại tràng ra da vĩnh viễn.
Có những trường hợp ung thư khác mà bạn có thể cần phải mở đại tràng ra da, nhưng chúng không phổ biến.
Tại sao bạn có thể cần mở hỗng tràng ra da?
Bạn có thể cần mở hỗng tràng ra da tạm thời để cắt bỏ một phần ruột. Điều này giúp ruột của bạn có thể nghỉ ngơi và lành lặn lại sau phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ nối ruột lại sau đó bằng một phẫu thuật khác. Điều này được gọi là “lỗ mở đảo ngược” (stoma reversal). Bác sĩ sẽ cho bạn biết liệu rằng bạn có phải trải qua phẫu thuật này hay không.
Bạn có thể sẽ cần mở hỗng tràng ra da vĩnh viễn nếu bác sĩ phẫu thuật cắt một phần lớn ruột của bạn và không thể nối 2 đầu ruột lại với nhau. Bác sĩ phẫu thuật của bạn không muốn điều này và họ luôn cố gắng tránh để nó xảy ra.
Điều dưỡng chăm sóc hậu môn nhân tạo
Một số điều dưỡng có kinh nghiệm trong việc chăm sóc hậu môn nhân tạo và sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc chúng. Trong vòng vài ngày đầu sau phẫu thuật, điều dưỡng sẽ chăm sóc và vệ sinh hậu môn nhân tạo, và thay túi đựng. Họ cũng giúp bạn tìm ra được loại túi nào là phù hợp nhất.
Điều dưỡng cũng có thể cung cấp túi hậu môn nhân tạo cho bạn sử dụng khi chuẩn bị xuất viện. Bạn có thể mua thêm ở các hiệu thuốc khu vực hoặc nhà phân phối.
Chăm sóc hậu môn nhân tạo
Học cách chăm sóc hậu môn nhân tạo có thể hơi khó khăn bước đầu, nhưng bạn sẽ không phải đối đầu một mình. Qua thời gian bạn sẽ thấy đơn giản hơn nhiều.
Để thuận tiện, bạn nên để tất cả các thứ cần để thay hậu môn nhân tạo vào một chỗ. Như vậy, bạn sẽ không trải qua hoàn cảnh làm giữa chừng và nhận ra mình thiếu một phần quan trọng.
Cập nhật ngày: 19/12/2020
Tham khảo nguồn: Types of bowel problems in people with cancer
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm