Dịch thuật: Minh Đạt, Trần Lý, Đức Hạnh, Ngọc Hạnh
(SCI Blog) – Bạn có thể sẽ gặp phải gặp vấn đề về răng miệng, chẳng hạn như đau miệng, sâu răng hoặc tưa miệng, hay các vấn đề liên quan đến đầu và cổ trong hoặc sau khi xạ trị. Qua bài này, các bạn sẽ biết được nhiều biện pháp chăm sóc sức khỏe răng miệng trong và sau khi điều trị.
Đau miệng
Các tế bào liên kết ở miệng rất nhạy cảm với bức xạ. Vì vậy, xạ trị có thể làm cho miệng của bạn bị đau và loét sau một tuần hay lâu hơn. Tình trạng này được gọi là viêm niêm mạc miệng.
Tình trạng đau nhức thường chỉ kéo dài trong lúc điều trị và trong một vài tuần sau đó. Bác sĩ, điều dưỡng hoặc bác sĩ x-quang sẽ kê thuốc giảm đau cho bạn.
Bạn có thể ăn qua ống thông nếu miệng bị đau hoặc không thể ăn uống như bình thường. Ống này được gọi là ống thông mũi dạ dày. Ngoài ra, bác sĩ có thể đặt trực tiếp ống thông vào dạ dày qua da. Ống này được gọi là ống nội soi dạ dày qua da (ống PEG).
Khô miệng
Việc điều trị có thể làm tuyến nước bọt tiết ra ít hoặc không tiết nước bọt. Vì vậy, bạn sẽ cảm thấy khó nhai hoặc nuốt. Hãy cho bác sĩ x-quang hoặc bác sĩ của bạn biết khi bạn gặp phải vấn đề trên.

Sau khi kết thúc điều trị, có thể mất một thời gian để tuyến nước bọt hoạt động trở lại bình thường. Nếu tuyến nước bọt thuộc khu vực xạ trị, bạn có thể bị khô miệng vĩnh viễn. Bác sĩ sẽ nói với bạn về điều này trước khi bắt đầu điều trị.
Một số cách có thể giúp ích cho bạn:
- Yêu cầu bác sĩ kê toa thuốc kích thích tiết nước bọt.
- Nhâm nhi đồ uống thường xuyên để giữ ẩm miệng.
- Làm ẩm thực phẩm của bạn bằng nước sốt, nước thịt, kem sữa, kem dưỡng hoặc kem.
- Nhai kẹo cao su không đường giúp cho tuyến nước bọt tiết ra nhiều nước bọt hơn.
- Làm sạch lưỡi bằng bicarbonate soda pha trong một lít nước ấm.
- Sử dụng son dưỡng để giữ ẩm cho môi.
- Sử dụng bông gòn ẩm hoặc bàn chải đánh răng mềm để làm sạch lưỡi.
- Yêu cầu bác sĩ kê toa thuốc xịt hoặc nước bọt nhân tạo.
Nhiễm trùng
Xạ trị cũng có thể làm tình trạng nhiễm trùng ở miệng dễ phát triển hơn, chẳng hạn như bệnh tưa miệng. Bác sĩ xạ trị sẽ kiểm tra miệng của bạn thường xuyên trong quá trình điều trị.
Hãy cho bác sĩ hoặc điều dưỡng biết nếu bạn có bất kỳ mảng trắng nào ở bên trong miệng hoặc ở lưỡi để họ có thể kê thuốc cho bạn.
Thay đổi vị giác
Mời bạn xem thêm:
Xạ trị cũng có thể ảnh hưởng đến vị giác. Bạn có thể nhận thấy những thay đổi về vị giác khi nếm thức ăn. Một số người nói rằng thức ăn của họ có vị kim loại trong khi người khác cảm thấy tất cả các loại thực phẩm đều có hương vị như nhau.
Có một số cách giúp bạn cảm nhận được đúng vị của thực phẩm hơn, nhưng bạn nên áp dụng khi đã hồi phục sau điều trị và khi miệng không còn đau nữa.
Bạn có thể thử dùng nhiều loại thảo mộc và gia vị để tạo hương vị cho thức ăn, cũng như sử dụng các loại nước sốt có vị đậm đà như chua ngọt. Thực phẩm có mùi mạnh hay vị đậm đà (sharp tasting foods), chẳng hạn như trái cây tươi và đồ ngọt luộc có thể giúp bạn dễ chịu hơn nhưng chỉ nên dùng những loại này sau khi miệng của bạn đã hồi phục.
Kỹ thuật viên xạ trị có thể sắp xếp buổi hẹn cho bạn với chuyên gia dinh dưỡng của bệnh viện để bạn được tư vấn về việc ứng phó với những thay đổi khẩu vị.
Các vấn đề về răng
Bạn đến nha sĩ trước khi bắt đầu xạ trị vùng đầu và cổ để bác sĩ kiểm tra những răng có thể bị sâu hoặc đã bị sâu và sẽ nhổ bỏ những răng này bởi vì xạ trị có thể gây sâu răng, và tốt nhất là loại bỏ răng sâu ngay từ đầu để tránh các vấn đề răng miệng khác. Miệng của bạn cũng sẽ không lành lại nhanh chóng sau khi xạ trị.
Bạn nên đến phòng khám răng thường xuyên hơn và nên dùng nước súc miệng chứa fluor hai lần một ngày để bảo vệ răng.
Bạn hãy nói với nha sĩ rằng bạn đã xạ trị ở miệng trước khi thực hiện những phẫu thuật nha khoa khác để họ có thể thay đổi cách thức điều trị. Họ cũng có thể cần trao đổi với bác sĩ xạ trị của bạn trước khi đưa ra bất kỳ điều trị nào.
Những điều bạn có thể làm để bảo vệ răng miệng
Có một số điều bạn có thể làm để không gây kích ứng cho miệng, bao gồm:
Ăn uống
Một số thực phẩm và đồ uống có thể gây kích ứng miệng hay có thể gây đau khi ăn, bao gồm:

- Thực phẩm cay
- Rượu, nhất là rượu mạnh
- Thực phẩm khô, chẳng hạn như khoai tây chiên giòn, có thể làm trầy miệng
- Thức ăn hoặc đồ uống rất nóng.
Tốt nhất là bạn nên áp dụng chế độ ăn nhạt hay những thức ăn mềm như cháo, khoai tây trong một khoảng thời gian.
Chăm sóc miệng
Miệng khô và đau dễ gây ra nhiễm trùng, vì vậy, bác sĩ hoặc điều dưỡng có thể đưa cho bạn nước súc miệng. Bạn cũng cần tuân theo một thói quen chăm sóc miệng để giữ cho miệng khỏe mạnh trong quá trình điều trị.
Điều quan trọng là bạn cần giữ cho miệng luôn sạch sẽ và khỏe mạnh nhất có thể. Tốt nhất là sử dụng bàn chải đánh răng nhỏ mềm và cần phải làm sạch bàn chải hơn hai lần một ngày.
Hút thuốc
Hút thuốc có thể làm cho cơn đau ở miệng tồi tệ hơn. Vì vậy, bạn nên cố gắng giảm hút thuốc. Bạn nên trao đổi với bác sĩ xạ trị về phương pháp điều trị thay thế nicotine để giảm đi việc hút thuốc.

Mang răng giả
Mang răng giả có thể làm cho miệng đau hơn trong quá trình xạ trị. Bạn sẽ thấy thoải mái hơn khi tháo răng giả ra trong một khoảng thời gian nào đó trong ngày.
Cập nhật ngày 25/03/2020
Tham khảo nguồn: Sore mouth and problems with your teeth
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm