Dịch thuật: Phương Đông, Quỳnh Như, Anh Thư, Đức Hạnh, Ngọc Hạnh
(SCI Blog) – Buồng tiêm tĩnh mạch dưới da là một thiết bị được đặt vào cơ thể thông qua phẫu thuật . Thiết bị này có thể dùng trong hóa trị liệu hoặc đưa các loại thuốc hay chất lỏng khác vào cơ thể. Bên cạnh những ưu điểm của buồng tiêm tĩnh mạch dưới da, chúng ta cũng cần lưu ý một số vấn đề có thể xảy ra như nhiễm trùng, máu đông, hay đường truyền bị nghẹt,…
Hóa trị liệu, các loại thuốc hoặc chất lỏng có thể được đưa vào cơ thể thông qua một buồng tiêm tĩnh mạch dưới da.
Buồng tiêm tĩnh mạch dưới da – cấu tạo và chức năng
Buồng tiêm tĩnh mạch dưới da là một buồng hoặc bể chứa nhỏ nằm dưới da, nối với đầu tận cùng của ống thông trung tâm (central line). Đầu còn lại của ống nằm trong một tĩnh mạch lớn gần tim. Chỉ có thể cảm nhận được khoang của buồng tiêm tĩnh mạch nếu cơ thể bạn khá gầy gò.
Khi cần điều trị, điều dưỡng sẽ đặt một cây kim vào buồng và tiêm thuốc hoặc truyền qua ống nhỏ giọt. Các loại thuốc đi từ buồng đến ống thông và vào máu. Buồng tiêm tĩnh mạch sẽ được giữ lại nếu bệnh nhân cần tiếp tục điều trị.
Ưu điểm chính của buồng tiêm tĩnh mạch dưới da là không thể được nhìn thấy bên ngoài cơ thể. Sẽ không có cái ống nào xuất hiện trên lồng ngực của bệnh nhân như khi đặt ống tĩnh mạch trung tâm.
Tuy nhiên, một số người thích đặt ống tĩnh mạch trung tâm hơn vì họ không thích bị kim đâm mỗi lần điều trị. Bệnh nhân có thể nhờ điều dưỡng gây tê khu vực xung quanh buồng tiêm tĩnh mạch dưới da bằng kem gây tê cục bộ trước khi đưa kim vào.
Một số vấn đề có thể xảy ra
Trong một số trường hợp, vấn đề có thể xảy ra với ống đặt trong lòng mạch (ống nội mạch – intravenous lines):
- Nhiễm trùng
- Tắc đường ống
- Hình thành huyết khối (cục máu đông)

Đường ống này có thể được tráng thường xuyên bằng heparin (một loại thuốc chống đông máu) hoặc nước muối sinh lý để làm sạch và ngăn ngừa đông máu. Các điều dưỡng tại khoa có thể hướng dẫn bệnh nhân cách thực hiện. Trong lần đầu tiên thực hiện tại nhà, điều dưỡng tại địa phương có thể hỗ trợ cho bạn.
Cần giữ cho khu vực xung quanh vị trí ống thông đi vào cơ thể không bị nhiễm trùng. Hãy gọi điện cho bệnh viện và thông báo cho điều dưỡng hoặc bác sĩ hóa trị liệu nếu bệnh nhân nhận thấy bất kỳ vết đỏ, sưng hoặc đau nhức vì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Trong trường hợp bị nhiễm trùng, cần phải được điều trị bằng kháng sinh ngay lập tức. Nếu không, bác sĩ hoặc điều dưỡng có thể phải đặt một ống mới thay thế cho ống cũ.
Nếu không điều trị thường xuyên, bệnh nhân hoặc điều dưỡng cần vệ sinh và rửa sạch đường ống thường xuyên để giữ sạch và ngăn chặn phát sinh những vấn đề khác.
Cập nhật 16/02/2020
Tham khảo Portacaths
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm