Dịch thuật: Nguyễn Thị Hải, Nguyễn Bá Tùng.
(SCI Blog) – Điều trị ung thư có thể làm giảm hormone sinh dục ở nữ giới, đặc biệt là điều trị ung thư vú sử dụng liệu pháp hormone có thể gây ra các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi như trong giai đoạn mãn kinh. Khi vừa điều trị liệu pháp hormone và vừa bước vào thời kỳ mãn kinh thì các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi thường xảy ra nhiều lần và mức độ nặng hơn so với người mãn kinh tự nhiên. Dưới đây là một số liệu pháp mà bạn có thể thử áp dụng để giúp giảm các cơn bốc hỏa để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ung thư hoặc điều trị ung thư có thể làm giảm hormone sinh dục trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến những cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ở nữ giới.
Bốc hỏa là một trong những triệu chứng phổ biến nhất mà phụ nữ gặp phải khi trải qua thời kỳ mãn kinh. Nhưng bốc hỏa cũng có thể xảy ra trong giai đoạn điều trị ung thư.
Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh tự nhiên thường xuất hiện các cơn bốc hỏa, sau đó tần suất và độ nặng của chúng giảm đi trong khoảng 5 năm sau kỳ kinh cuối cùng.
Điều trị ung thư vú
Hầu hết phụ nữ bị bốc hỏa sau quá trình điều trị ung thư vú vì việc điều trị có thể làm giảm sản xuất hormone sinh dục. Nghiên cứu cho thấy rằng nếu bạn bị bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh, bạn có nhiều khả năng bị bốc hỏa vì tác dụng phụ khi bạn dùng tamoxifen trong điều trị ung thư vú.
Tamoxifen là một loại liệu pháp hormone. Tần suất số lần bốc hỏa và cường độ của từng cơn do tamoxifen gây ra tương đương khi so sánh với thời kỳ mãn kinh tự nhiên.
Nếu bạn gần đến tuổi mãn kinh tự nhiên và bạn đồng thời hóa trị, rất có khả năng thời kì mãn kinh của bạn sẽ gặp nhiều biểu hiện nghiêm trọng hơn.
Cảm giác bốc hỏa là như thế nào
Bốc hỏa không giống nhau ở tất cả mọi người. Chúng có thể bắt đầu bằng một cảm giác nóng dần lên ở ở cổ hoặc mặt của bạn. Sau đó chúng có thể lan đến các bộ phận khác của cơ thể bạn. Bạn có thể có các biểu hiện như:
- Đỏ da
- Đổ mồ hôi nhẹ hoặc nặng
- Cảm giác trái tim đập mạnh (đánh trống ngực)
- Cảm giác bất an hoặc khó chịu, bực dọc
Các cơn bốc hỏa có thể kéo dài từ 2 đến 30 phút. Tần suất của cơn bốc hỏa có thể là một vài lần một tháng, đối với nhiều người thì số lần lặp lại có thể nhiều hơn. Chúng có thể kéo dài trong vài tháng hoặc lâu hơn.
Chúng có thể làm gián đoạn và làm bạn khó ngủ.
Mời bạn xem thêm:
Nguyên nhân gây bốc hỏa
Lượng estrogen thấp có thể làm suy giảm sự sản sinh một loại hormone khác gọi là norepinephrine. Hormone này giúp cơ thể bạn tự điều chỉnh nhiệt độ. Hormone norepinephrine ở mức thấp có thể dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ cơ thể. Nhiệt độ tăng có thể gây ra những cơn bốc hỏa.

Các nhà nghiên cứu đang xem xét các nguyên nhân khác phức tạp hơn của các cơn bốc hỏa. Trong đó một nguyên nhân là phần não được gọi là vùng dưới đồi kiểm soát việc sản xuất nhiều loại hormone. Phần não này cũng kiểm soát nhiệt độ cơ thể của chúng ta. Khi vùng dưới đồi sản xuất ra các chất dẫn truyền thần kinh, chúng có thể gây ra các cơn bốc hỏa.
Vẫn còn cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm ra chính xác nguyên nhân gây ra các cơn bốc hỏa để có thể phát triển các phương pháp điều trị nhằm kiểm soát chúng một cách hiệu quả hơn.
Các cơn bốc hỏa thường cải thiện hơn theo thời gian.
Mẹo để đối phó với các cơn bốc hỏa
Môi trường sống
- Giữ cho phòng của bạn mát mẻ – sử dụng quạt nếu cần thiết.
- Mặc nhiều lớp quần áo để bạn có thể dễ dàng cởi bỏ bớt nếu cảm thấy quá nóng.
- Trải nhiều lớp khăn trải giường để dễ dàng thay khi tấm bên trên bị ướt
- Mặc các loại sợi tự nhiên như lụa hoặc cotton thay vì vải tổng hợp (nhân tạo).
- Tắm nước mát hoặc có độ ấm nhẹ thay vì tắm nước nóng.
- Đặt một chiếc khăn trên giường của bạn nếu bạn đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm.
- Khi bị bốc hỏa bạn có thể tắm, nó sẽ có thể giúp bạn cảm thấy mát mẻ hơn
- Cố gắng giữ bình tĩnh khi bạn cảm thấy khó chịu về một chuyện gì đó, vì việc cảm xúc tăng cao có thể làm cơn bốc hỏa bắt đầu.
Chế độ ăn
- Hạn chế cà phê, trà và nicotine (trong thuốc lá).
- Nhâm nhi đồ uống lạnh hoặc đá.
- Cố gắng uống rượu điều độ.
Nếu bạn đang dùng tamoxifen
Hãy thử dùng một nửa liều vào buổi sáng và một nửa vào buổi tối. Việc này cần được sự đồng ý của bác sĩ, vì đây là loại thuốc theo toa.
Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc kiểm soát cơn bốc hỏa của mình, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc y tá chuyên khoa. Hiện nay có một số loại thuốc giúp kiểm soát triệu chứng.
Điều trị cơn bốc hỏa
Liệu pháp thay thế hormone (HRT)
Cách duy nhất để ngăn chặn hoàn toàn các triệu chứng gây ra bởi hormone sinh dục là bổ sung loại hormone mà cơ thể bạn không còn sản xuất nữa. Nhưng nếu bạn đang điều trị ung thư khiến bạn ngừng sản xuất hormone, bạn không thể áp dụng liệu pháp thay thế hormone được.
Các bác sĩ khuyên bạn không nên dùng HRT nếu bạn bị ung thư phụ thuộc hormone như ung thư vú. Ngay cả khi bạn đã điều trị xong, vẫn có những lo ngại rằng việc sử dụng HRT có thể làm tăng nguy cơ ung thư trở lại.
Đánh giá hiệu quả của thuốc so với giả dược
Có một số loại thuốc khác nhau mà bác sĩ của bạn có thể kê toa để giúp giảm và kiểm soát các cơn bốc hỏa. Nhưng trước khi thực hiện bất kỳ điều nào trong số này, có một điều quan trọng cần ghi nhớ.
Khi các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem một phương pháp điều trị có tác dụng tốt như thế nào trong một thử nghiệm, họ có thể so sánh tác dụng chính thuốc/ phương pháp đó với một loại giả dược hoặc một phương pháp mù. Những người tham gia thử nghiệm không biết họ đang dùng liệu pháp mới thực sự hay đó chỉ là giả dược. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy khỏe hơn khi dùng thứ gì đó mà chúng ta nghĩ sẽ giúp ích.
Trong hầu hết các thử nghiệm điều trị các cơn bốc hỏa, những người dùng giả dược nói rằng các cơn bốc hỏa của họ đã giảm khoảng 1/5 (20%). Con số này có ý nghĩa khi đánh giá hiệu quả điều trị của một phương pháp/ thuốc điều trị thực. Vì nếu một phương pháp điều trị có tác dụng làm giảm các cơn bốc hỏa chỉ từ 20% trở xuống, nó có thể không tốt hơn giả dược
Một số phương pháp điều trị khác mà bác sĩ có thể thực hiện cho bạn
Vitamin E
Một thử nghiệm trên 120 phụ nữ bị ung thư vú đã so sánh vitamin E với giả dược. Họ phát hiện ra rằng vitamin E làm giảm số lần bốc hỏa mỗi ngày một lần. Khi được hỏi phụ nữ cho biết họ không thích vitamin E hơn giả dược. Vitamin E không gây ra nhiều tác dụng phụ, vì vậy các nhà nghiên cứu cho rằng nó đáng để thử như một phương pháp điều trị đầu tiên.
Chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu xem vitamin E thực sự hoạt động tốt như thế nào và nhiều hơn về tác dụng phụ.
Chống trầm cảm
Một số loại thuốc chống trầm cảm như venlafaxine có thể giúp giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa.
Ở những phụ nữ bị ung thư vú, thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm mức độ các cơn bốc hỏa chỉ khoảng hơn một nửa. Nhưng các bác sĩ khuyên không nên dùng một số loại thuốc chống trầm cảm như paroxetine hoặc fluoxetine, cho phụ nữ đang sử dụng tamoxifen. Các loại thuốc trên có thể giảm tác dụng cần có củatamoxifen.
Hãy nhớ rằng tất cả các loại thuốc đều có một số tác dụng phụ. Thuốc chống trầm cảm có thể gây khô miệng, đau đầu, cảm thấy mệt mỏi và chán ăn.
Mời bạn xem thêm:
Gabapentin
Gabapentin là một loại thuốc chống động kinh. Nó kiểm soát sự các cơn co giật nhưng nó cũng có thể giúp giảm các cơn bốc hỏa.
Trong các thử nghiệm cho phụ nữ bị ung thư vú, nó đã giảm khoảng một nửa cơn bốc hỏa so với khi không dùng thuốc. Nó cũng giúp giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của các cơn bốc hỏa. Pregabalin rất giống với gabapentin cũng có thể làm giảm các cơn bốc hỏa.
Tác dụng phụ của gabapentin bao gồm chóng mặt và buồn ngủ. Một số phụ nữ cũng bị phát ban và giữ nước. Hiện nay vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận các loại thuốc này hoạt động tốt như thế nào và tìm hiểu thêm về tác dụng phụ.
Clonidine
Clonidine là một loại thuốc được sử dụng cho nhiều loại bệnh, bao gồm cả huyết áp cao.
Nó có thể làm giảm số lần bốc hỏa nhưng nó không làm giảm mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian cơn bốc hỏa kéo dài. Bạn có thể dùng clonidine dưới dạng viên hoặc đeo miếng dán lên da.
Tác dụng phụ bao gồm chóng mặt, khô miệng, táo bón, buồn ngủ và khó ngủ.
Progestogens
Progestagens cũng như megestrol acetate (Megace) đều là hormone.
Các bác sĩ chỉ kê đơn progestagens cho những phụ nữ bị ung thư phụ thuộc hormone nếu họ bị bốc hỏa nghiêm trọng và không có phương pháp điều trị nào khác có hiệu quả.
Không có nghiên cứu dài hạn nào cho thấy liệu chúng có an toàn cho những người bị ung thư vú nhạy cảm với hormone hay không.
Progestagens có thể làm giảm hơn 80% cơn bốc hỏa.
Tác dụng phụ có thể bao gồm:
- Viêm da
- Phù nề
- Chóng mặt
- Khô miệng
- Tăng nguy cơ xuất hiện cục máu đông
- Đau đầu
- Dịch âm đạo nhiều hơn
- Chảy máu âm đạo
Axít folic
Các nhà nghiên cứu hiện vẫn đang nghiên cứu về axit folic như một phương pháp điều khả quan cho các triệu chứng của mãn kinh.
Thử nghiệm FOAM đang xem xét điều này cho những phụ nữ bị ung thư vú hoặc ung thư tử cung, hoặc những người chưa bị ung thư. Các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem axit folic có giúp kiểm soát cơn bốc hỏa hay không. Họ cũng sẽ thu thập mẫu máu và nước tiểu để xem điều gì xảy ra với axit folic trong cơ thể.
Trị liệu nhận thức hành vi (CBT)
Từ nhận thức mô tả cách thức mà bộ não vận hành để ghi nhớ, suy luận, hiểu, giải quyết vấn đề và đưa ra phán đoán. Hành vi mô tả hành động hoặc phản ứng của bạn với một cái gì đó.
CBT nhằm mục đích giúp bạn thay đổi cách bạn phản ứng với những tình huống hoặc cảm xúc nhất định. Nó giúp bạn hiểu cách suy nghĩ của bạn có thể góp phần vào cảm giác chán nản hoặc sợ hãi.
Liệu pháp này cũng dạy bạn cách làm dịu cơ thể và tâm trí của bạn. Nó giúp bạn kiểm soát cảm xúc của mình, suy nghĩ rõ ràng hơn và thường có cái nhìn tích cực hơn.
Nghiên cứu CBT
Các nhà nghiên cứu đã thử CBT để xem liệu nó có thể giúp những phụ nữ bị bốc hỏa và đổ mồ hôi.
Một nghiên cứu cho thấy CBT có thể làm giảm mức độ của các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm đối với những phụ nữ đã điều trị ung thư vú. Hiệu quả của việc giảm đổ mồ hôi và giảm các cơn bốc hỏa còn được duy trì tiếp tục sau khi điều trị kết thúc. Nó giúp phụ nữ cảm thấy tốt hơn, ngủ ngon hơn và có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Bạn có thể hỏi bác sĩ hoặc y tá chăm sóc vú xem liệu pháp CBT có thể tìm được ở đâu trong khu vực thuận tiện cho bạn.
Liệu pháp bổ sung cho các cơn bốc hỏa
Các nhà nghiên cứu cũng đã nghiên một số liệu pháp bổ sung để điều trị chứng bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh. Dưới đây là một số liệu pháp đã có những minh chứng về hiệu quả của chúng:
Châm cứu
Châm cứu đã được nghiên cứu như một phương pháp điều trị chứng bốc hỏa ở phụ nữ. Một nghiên cứu nhỏ đã so sánh châm cứu với venlafaxine chống trầm cảm. Các phương pháp điều trị có hiệu quả tương đương trong việc giảm các cơn bốc hỏa ở phụ nữ bị ung thư vú. Đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ và cần nghiên cứu thêm để xác nhận cả mức độ hiệu quả của các liệu pháp.
Đậu nành
Đậu nành đã được thử nghiệm. Lý do là vì phụ nữ Châu Á có thói quen ăn đậu nành nhiều hơn và kết quả cho thấy rằng phụ nữ ở châu Á có số lượng cơn bốc hỏa thấp hơn so với phụ nữ ở các nước phương Tây.
Tuy nhiên cũng có nhiều kết quả trái chiều, một số thử nghiệm cho thấy đậu nành làm giảm các cơn bốc hỏa trong khi một số nghiên cứu khác cho thấy không có sự cải thiện.
Cũng có một số sự lo ngại về sự an toàn của đậu nành đối với phụ nữ mắc bệnh ung thư phụ thuộc hormone vì đậu nành có chứa oestrogen thực vật. Hiện tại không có đủ bằng chứng cho thấy rằng phụ nữ bị ung thư vú nên dùng nó.
Cây thiên ma (Black Cohosh)
Cây thiên ma là một loại cây bản địa của Bắc Mỹ. Ở Đức nó được sử dụng để điều trị các triệu chứng mãn kinh. Nó được cho là có tác dụng giống như estrogen trên cơ thể.
Bằng chứng từ nghiên cứu là chưa được thực sự mạnh mẽ. Một số thử nghiệm cho thấy nó giúp giảm các cơn bốc hỏa ở một số phụ nữ trong khi một số người khác thì không. Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện thì cho thấy cây thiên ma không làm giảm các cơn bốc hỏa ở phụ nữ.
Cỏ ba lá đỏ
Cỏ ba lá đỏ là một loại cây có chứa oestrogen thực vật. Một số thử nghiệm đã phát hiện ra rằng nó làm giảm các cơn bốc hỏa nhưng một số khác thì không. Cũng có một số lo ngại rằng nó có thể làm tăng nguy cơ ung thư quay trở lại ở những người bị ung thư phụ thuộc hormone vì nó có chứa oestrogen.
Các liệu pháp bổ sung khác
Nhân sâm, Đương quy (Angelica sinensis) và tinh dầu hoa anh thảo cũng được sử dụng để điều trị cho các cơn bốc hỏa. Tuy nhiên vẫn chưa có những bằng chứng thực sự thuyết phục về tác dụng của chúng.
Mời bạn xem thêm:
Ngày cập nhật: 8/12/2020
Tham khảo nguồn: Hot flushes and sweats in women
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm