Dịch thuật: Nguyễn Thị Hải, Trần Lý, Anh Thư
(SCI Blog) – Nhiễm ký sinh trùng rất ít khi gây ung thư. Tuy nhiên, có 3 loại ký sinh trùng phổ biến ở các nước châu Á và châu Phi có thể gây ung thư gan và bàng quang.
Bệnh ký sinh trùng là một loại thuộc bệnh truyền nhiễm mà tác nhân gây bệnh cần phải sống trên hoặc ở trong một loài động vật khác.

Có ba loại ký sinh trùng có thể gây ung thư gan và bàng quang.
Ba loại ký sinh trùng có thể gây ung thư ở người, đó là:
Hai loại giun nhỏ sống ở gan (tên khoa học là Clonorchis sinensis và Opisthorchis viverrini)
Chúng có thể gây ung thư đường mật (một loại ung thư gan). Hai loại ký sinh trùng này thường phổ biến ở một số khu vực tại các nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam, Lào và Campuchia. Cả hai loại ký sinh trùng này đều lây lan qua thực phẩm bị nhiễm ký sinh, đặc biệt là qua cá chưa nấu chín.

Một loại giun máu (tên khoa học là Schistosoma haematobium)
Loại này có thể gây ung thư bàng quang. Loại giun này phổ biến ở châu Phi cận Sahara và Trung Đông. Chúng sống trong nguồn nước, vì vậy tốt nhất không nên bơi ở những vùng nước chảy chậm tại những khu vực trên để tránh nhiễm trùng.

Vẫn còn cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu được rõ hơn nguyên nhân gây ung thư của ký sinh trùng. Tuy nhiên, hiện tại các nhà khoa học giải thích rằng, ký sinh trùng có khả năng phá vỡ chức năng bình thường của các tế bào theo một số cách. Ví dụ, chúng có thể kích thích các tế bào phân chia nhiều hơn bình thường hoặc sống lâu hơn. Viêm nhiễm do ký sinh trùng cũng có thể khiến các tế bào bị tổn thương.
Nếu bạn lo lắng về việc từng tiếp xúc với những ký sinh trùng nói trên, bạn nên nói chuyện với bác sĩ hoặc các chuyên gia.
Cập nhật ngày: 04/07/2020
Tham khảo nguồn Can parasites cause cancer?
Bản quyền nội dung thuộc về Cancer Research UK và quyền dịch thuật cấp cho Prof. Dr. Thích Minh Tâm